Cá tra Việt Nam: Khi nào hết cảnh “nhịn miệng đãi khách”?

Chưa có đánh giá về bài viết

Việt Nam đang là nước có ngành công nghiệp cá tra lớn nhất thế giới. Xuất khẩu sang 149 thị trường, chiếm khoảng 95% thị phần của thế giới; nhưng trên “sân nhà”, thị phần cá tra vẫn gần như bằng không!

Hơn chục năm trước, thời kỳ “hoàng kim” của cá tra, basa, khi cả doanh nghiệp và người nuôi đều thắng lớn. Giá xuất khẩu cao, có thời điểm lên đến 4,98 USD/kg, các doanh nghiệp thu lợi nhuận đáng kể, người nuôi cũng luôn cầm chắc bạc tỷ trong tay. Chính bởi xuất khẩu thuận lợi nên tất cả dồn sức cho cá tra “ra biển lớn”, họ tìm mọi cách đáp ứng được thị hiếu và nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường nhập khẩu, còn thị trường trong nước gần như bị làm ngơ. 

Để đảm bảo phát triển cân bằng, trong thời gian này, Nhà nước kêu gọi các doanh nghiệp thủy sản tăng cường khai thác thị trường nội địa, nhiều đơn vị bắt đầu triển khai chiến dịch, nhưng chỉ được một thời gian rồi chùn bước. Giám đốc một doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu nói: “Không phải chúng tôi không nghĩ đến chuyện khai thác thị trường nội địa, nhưng khả năng thành công không cao trong khi chi phí xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm lại khá lớn”. Và bởi “việc khai thác thị trường nội địa không đem lại hiệu quả như mong muốn”, số lượng tiêu thụ ít trong khi chi phí nhân công, vận chuyển cao làm cho giá thành sản phẩm đội lên, chưa phù hợp với túi tiền của số đông người tiêu dùng, nên thị trường nội địa tiếp tục bị bỏ qua.

Cá tra Việt Nam đang xuất khẩu sang 149 thị trường – Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Theo ông Nguyễn Trọng Thừa, Cục trưởng Cục Chế biến Nông lâm Thủy sản và Nghề muối (Bộ NN&PTNT), khoảng 10 năm qua, ngành cá tra Việt Nam đã phát triển hơn 10 lần, trở thành một trong những mặt hàng xuất khẩu khẩu chủ lực. Tuy nhiên, do phát triển quá nóng và thiếu quy hoạch nên đã xảy ra nhiều bất cập, như: diện tích nuôi tăng nhanh nhưng nguyên liệu chế biến thức ăn thì phải lệ thuộc 70 – 80% vào nhập khẩu. Các nhà máy chế biến thức ăn đa phần do nhà đầu tư nước ngoài làm chủ, sản phẩm cá tra đơn điệu có đến 99% là fillet, lo xuất khẩu mà gần như “bỏ trắng” thị trường trong nước.

Phát triển thị trường nội địa không phải là “đầu hàng” ở sân chơi lớn, mà chỉ là tận dụng cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp, đặc biệt trong những thời điểm các thị trường truyền thống rơi vào khủng hoảng. Tuy nhiên, để có được vị trí trong nước, các doanh nghiệp cần phải đầu tư nghiên cứu nhiều hơn nữa, đặc biệt quan tâm nhu cầu và thu nhập của người dân từng vùng miền. Mặt khác, phải mở rộng được các kênh bán hàng, từ siêu thị đến các chợ, với các mặt hàng phù hợp. Khi đó, cá tra sẽ có được chỗ đứng ở thị trường trong nước.

Ông Ngô Phước Hậu, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP XNK Thủy sản An Giang (Agifish) từng chia sẻ: “Thị trường nội địa không thể thay thế được thị trường xuất khẩu đối với cá tra, basa, nhưng nếu doanh nghiệp không xây dựng được thương hiệu riêng cho sản phẩm ngay trên sân nhà thì khó hy vọng một ngày nào đó cá tra, basa mang thương hiệu Việt Nam được người tiêu dùng nước ngoài biết đến”. Nhận định này đến nay dường như vẫn đúng.

Trong một bài trả lời phỏng vấn mới đây nhất, ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Hùng Vương cho biết, Ấn Độ hiện mỗi năm sản xuất được khoảng 500.000 tấn cá tra; tuy nhiên, họ chưa tham gia thị trường quốc tế, mà lo phục vụ thị trường nội địa. Đây là điều rất đáng suy ngẫm.

>> Ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, Tổng cục đang xây dựng đề án đẩy mạnh xúc tiến thương mại nhằm nâng cao giá trị cho sản phẩm cá tra và đẩy mạnh tiêu thụ nội địa. Dự kiến, sản lượng cá tra tiêu thụ nội địa tăng 100% vào năm 2015 và 300% vào năm 2020.

Linh Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!