T3, 22/12/2020 03:05

Chặn đà suy thoái nguồn lợi hải sản

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Những năm gần đây, do cường lực khai thác mạnh và quanh năm đã khiến cho trữ lượng hải sản trên các vùng biển của nước ta suy giảm mạnh, ảnh hưởng rất lớn đến sinh kế của hàng triệu ngư dân.

Suy giảm nghiêm trọng

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Hải sản, giai đoạn năm 2000-2005, trữ lượng nguồn lợi hải sản của nước ta là 5,07 triệu tấn; trong đó, hải sản tầng đáy là 1,2 triệu, cá nổi xa bờ 1,2 triệu tấn, cá nổi nhỏ là 2,67 triệu tấn (chiếm 52,7%).

Giai đoạn 2011 – 2015, ngành thủy sản đã xác định được 1.081 loài thủy sản, gồm 881 loài cá, 115 loài giáp xác, 41 loại động vật chân đầu, 44 loài thuộc nhóm khác. Về trữ lượng, các loài cá biển, giáp xác và động vật chân đầu ở vùng biển được điều tra là 4,36 triệu tấn, trong đó trữ lượng nguồn lợi cá nổi nhỏ là 2,65 triệu tấn (chiếm 60,8% tổng trữ lượng); nhóm hải sản tầng đáy là 0,63 triệu tấn (chiếm 14,7% tổng trữ lượng); nhóm cá nổi nhỏ là 2,65 triệu tấn; nhóm cá nổi lớn là 1.03 triệu tấn… So với giai đoạn 2000 – 2005, tổng số loài bắt gặp không có sự biến động lớn nhưng cấu trúc thành phần loài có sự khác biệt đáng kể với 83 loài không bắt gặp trong giai đoạn 2011 – 2015.

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, đa dạng sinh học biển nói chung, nguồn lợi hải sản đang bị suy giảm nhanh chóng, các hệ sinh thái biển đang bị suy thoái và xuống cấp nghiêm trọng do bị thu hẹp diện tích phân bố. Đến giai đoạn 2016 – 2019, trữ lượng hải sản chỉ còn 3,85 triệu tấn, giảm khoảng 1,1% so với giai đoạn 5 năm trước đó. Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Hải sản, nguồn lợi hải sản của nước ta hiện suy giảm cả về số lượng và chất lượng. Cùng đó, nhiều loài hải sản kinh tế hiện nay bắt gặp với tần suất thấp, chậm chí là không còn để gặp.

Cần thiết thời gian “cấm biển”

Ông Phùng Đình Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ngãi, chia sẻ, hiện nay ở tỉnh Quảng Ngãi đã không còn xảy ra tình trạng ngư dân xâm phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản, thế nhưng, vấn đề khai thác ven bờ vẫn rất nghiêm trọng, chủ yếu là nghề lưới kéo. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho nguồn lợi hải sản ven bờ của tỉnh đang ngày một cạn kiệt. Thế nhưng, rất khó để thực hiện chuyển đổi sinh kế cho ngư dân.

Phát biểu tại một cuộc hội thảo, đại diện một doanh nghiệp tại Quảng Ninh cho rằng, đa số các doanh nghiệp chế biến hải sản hiện đều rơi vào tình trạng không đủ nguyên liệu đáp ứng công suất thiết kế của nhà máy. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn đề này, tuy nhiên, trong đó nổi cộm là trữ lượng hải sản đang ngày càng giảm. Ở nước ta không có quy định mùa khai thác, ngay cả thời điểm cá sinh sản hay giai đoạn con non cũng không hạn chế. Khai thác giai đoạn con non chỉ vài tấn, nhưng nếu đợi thêm hai ba tháng nữa, sản lượng đó lên tới hàng trăm, thậm chí là cả ngàn tấn. 

Để bảo vệ và phát triển được nguồn lợi hải sản nhiều ý kiến cho rằng nhất thiết phải bảo vệ được hệ sinh thái ven biển. Trước hết là thực hiện tốt với các khu bảo tồn biển, khu bảo tồn có hợp phần biển. Cùng đó, thay đổi cơ cấu tàu thuyền theo hướng giảm số lượng tàu công suất nhỏ khai thác ven bờ và tăng số lượng tàu khai thác xa bờ. Đồng thời, thay đổi cơ cấu nghề khai thác nhằm tiến tới giảm dần các loại nghề có ảnh hưởng không tốt tới môi trường và đa dạng sinh học biển.

TS Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, chia sẻ, ở huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi hiện có một mô hình đồng quản lý rong mơ rất hay. Chúng ta đều biết, vùng phát triển rong mơ là bãi đẻ của cá chuồn, khi cá chuồn vào mùa sinh sản, những người quản lý ở đây thường xuyên quan sát, khi nào thấy trứng cá chuồn nở hết mới cho ngư dân khai thác rong mơ. Đây là một mô hình rất điển hình trong bảo vệ và phát triển nguồn lợi hải sản mà các địa phương cần học tập.

>> Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, xét theo vùng biển, trữ lượng nguồn lợi ở Vịnh Bắc Bộ ước tính khoảng 757 ngàn tấn (17,3%); vùng biển Trung Bộ là 868 ngàn tấn (19,9%); vùng biển Đông Nam Bộ là 1.119 ngàn tấn (25,6%); vùng biển Tây Nam Bộ là 584 ngàn tấn (13,4%) và giữa Biển Đông là 1.036 ngàn tấn (23,7%). Khả năng khai thác cho phép trung bình ước tính khoảng 2,45 triệu tấn (khoảng 2,27 – 2,63 triệu tấn); trong đó, nhóm nguồn lợi tầng đáy đã chạm ngưỡng giới hạn; nhóm cá nổi (cá nổi lớn và cá nổi nhỏ) vẫn nằm trong giới hạn khai thác cho phép, một số nhóm nguồn lợi ở các vùng biển vẫn còn tiềm năng khai thác.

Hồng Hà

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!