T4, 22/11/2023 02:11

Chiến lược dài hạn để gia tăng thị phần

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Thị trường thủy sản toàn cầu đã đi hết chặng đường gần một năm đầy sóng gió do lạm phát, nhu cầu tiêu thụ suy yếu và giá bán lao dốc. Những tia hy vọng phục hồi vào các tháng cuối năm vẫn mong manh, buộc nhiều nhà cung cấp phải tính đến các chiến lược đổi mới dài hạn.

Tung sản phẩm mới 

Những tháng cuối năm cũng là thời điểm thị trường hàng hóa sôi động do có nhiều ngày lễ lớn, đặc biệt ở các nước phương Tây. Tận dụng cơ hội đó, nhiều hãng thủy sản dồn dập tung sản phẩm mới ra thị trường. Công ty Ocean Beauty Seafood, một trong những nhà phân phối thủy sản lớn nhất Bắc Mỹ cũng vừa ra mắt 5 sản phẩm cá hồi mới phục vụ kênh bán lẻ và dịch vụ ẩm thực. Các sản phẩm đều in nhãn hiệu giá trị gia tăng Ocean Beauty và nhãn hiệu Echo Falls dành riêng cho dòng cá hồi hun khói. Hai trong số các sản phẩm mới, burger cá hồi cay và viên cá hồi Alaska hun khói mật ong đã lọt top sản phẩm của năm tại Alaska Symphony of Seafood, một cuộc thi diễn ra thường niên để ghi nhận các sản phẩm hải sản mới và cải tiến có xuất xứ Alaska. 

Gia tăng giá trị sản phẩm mới là chiến lược dài hạn đáng đầu tư vào thời điểm này của các doanh nghiệp. Ảnh: Salmones Camanchaca

Kevin Palmer, Giám đốc Ocean Beauty Seafood cho biết, điểm hút khách của sản phẩm bánh burger cá hồi cay là nguyên liệu chế biến từ cá hồi Alaska tươi ngon nhất, hỗn hợp protein thực vật không biến đổi gen kết hợp ớt và chanh Thái. Sản phẩm này ra thị trường đã nhanh chóng đánh bay nhiều sản phẩm cùng phân khúc có nhân thịt đỏ. Kevin Palmer thông tin thêm, người tiêu dùng Mỹ, chủ yếu là thế hệ gen Z ngày càng đề cao sản phẩm thủy sản tốt cho sức khỏe nên dần tránh xa các loại thịt đỏ. 

Không thua kém các hãng cá hồi, nhiều hãng chế biến tôm cũng nhanh nhạy tung ra sản phẩm mới thu hút người tiêu dùng. Điển hình, Công ty chế biến tôm Prime Shrimp có trụ sở Houma, Louisiana tuyên bố mở rộng hệ thống bán lẻ sang New York thông qua kênh phân phối FreshDirect. Prime Shrimp kỳ vọng tạo ra làn sóng tiêu dùng tôm kiểu mới trên đất Mỹ. Davis McCool, Giám đốc kinh doanh tại Prime Shirmp cho biết, Công ty hầu như chỉ kinh doanh tôm đông lạnh đóng túi từ ngày thành lập vào năm 1943. Tuy nhiên, sau đại dịch COVID-19, xu hướng sản phẩm dinh dưỡng và tiện lợi lên ngôi càng thôi thúc doanh nghiệp đổi mới. Do đó Prime Shrimp đã nỗ lực gia tăng giá trị cho sản phẩm tôm, loại bỏ rào cản tiêu thụ và đặt mục tiêu đưa tôm vào giỏ hàng của nhiều người tiêu dùng một cách thường xuyên hơn. 

FreshDirect, công ty tiên phong về mua sắm hàng hóa trực tuyến và là một trong những nhà cung cấp dịch vụ giao hàng tận cửa quy mô nhất nước Mỹ. Bắt tay với FreshDirect là một trong những chiến lược đúng đắn để sản phẩm của Prime Shrimp tiếp cận người tiêu dùng thuận tiện nhất. Trên kênh phân phối FreshDirect, khách hàng dễ dàng chọn lựa tôm Prime Shrimp theo nhiều hương vị mới như BBQ kiểu New Orleans; kiểu Pháp hoặc tôm bơ tỏi và thảo mộc kèm nước sốt. 

Gia tăng giá trị 

Khi các hãng thủy sản ở Mỹ đổi mới và đa dạng hóa sản phẩm, thì các công ty xuất khẩu nguyên liệu truyền thống, nhất là mặt hàng tôm vẫn chật vật tìm đầu ra. Hội chợ Thủy sản và Hải sản Trung Quốc (CFSE) tại Thanh Đảo cuối tháng 10/2023 đã không tạo sức bật cho thị trường như kỳ vọng. Giá nhiều loại thủy sản thậm chí tiếp tục giảm thêm sau sự kiện này. Điển hình, giá tôm của Ecuador và Ấn Độ đều giảm so với trước thời điểm diễn ra sự kiện CFSE. Nhiều doanh nghiệp tham gia hội chợ than phiền rằng họ không tìm kiếm được đối tác sẵn sàng trả mức giá đủ để trang trải chi phí sản xuất. 

Abin George, Giám đốc kinh doanh tại Highland Agro Food, một nhà chế biến và xuất khẩu tôm thẻ chân trắng (TTCT) Ấn Độ cho biết, các mức giá chào bán hiện tại từ Trung Quốc khoảng 7,2 USD/kg đối với tôm cỡ lớn không đầu loại 16 – 20 con/ kg, thấp hơn cả chi phí sản xuất tại Ấn Độ. Trong khi đó, Sebastian Cardenas, Giám đốc Công ty thủy sản Promarosa của Ecuador cho biết, khách hàng Trung Quốc tại CFSE ép giá 0,3 USD dù giá chào 4,2 – 4,6 USD/kg đối với tôm cỡ 30 – 40 con/kg đã quá thấp. Abin George dự báo, có thể mất 6 tháng nữa thị trường TTCT nguyên liệu toàn cầu mới phục hồi trở lại. 

Nhiều doanh nghiệp tôm Ecuador nhận ra đã đến lúc họ phải gia tăng giá trị sản phẩm, thay vì xuất khẩu nguyên liệu truyền thống. Mới đây, Công ty Songa, một trong những đơn vị chế biến tôm lớn nhất Ecuador đã khánh thành nhà máy chế biến tôm giá trị gia tăng với sản phẩm chủ lực là tôm lột vỏ và nhiều sản phẩm ăn liền khác. Songa cũng đầu tư lắp đặt dây chuyền chế biến mới và gia tăng công suất chế biến, dự kiến khoảng 91 tấn TTCT nguyên liệu/ngày. 

Giá tôm nguyên liệu vẫn đang thấp đồng nghĩa nhiều công ty phải rời bỏ thị trường. Một số quốc gia khác như Philippines cũng đang chuyển sang nuôi tôm sú thay vì TTCT. Thời điểm hiện tại, giá tôm ở mức rất thấp và không thích hợp để mở rộng kinh doanh nhưng là thời điểm “vàng” để tăng cường hiệu quả trong sản xuất. Ocean Beauty Seafood và Prime Shrimp cũng đúc kết, sản phẩm chế biến sâu, tiện lợi và giữ được chất dinh dưỡng sẽ thu hút được nhiều người tiêu dùng. Do đó, gia tăng giá trị sản phẩm mới là chiến lược dài hạn đáng đầu tư vào thời điểm này. 

Tuấn Minh

(Tổng hợp)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!