Chủ động trong sản xuất giống cá Dĩa

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Từ lâu, cá Dĩa đã được xem là một loài cá cảnh nước ngọt có giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng. Mô hình sản xuất giống cá Dĩa thương phẩm sẽ giúp người nuôi chủ động được số lượng lẫn chất lượng của cá giống mà không bị phụ thuộc vào tập tính sinh sản của cá lẫn nguồn thức ăn trong tự nhiên.

Đặc điểm sinh học

Cá Dĩa xuất xứ từ Nam Mỹ, dòng sông Amazon là dòng sông quê hương nổi tiếng của các dòng cá cảnh nước ngọt. Cá Dĩa có hình dĩa tròn, dẹp ngang, màu sắc rất đa dạng với rất nhiều đốm và hoa văn trên cơ thể (Đoàn Khắc Bộ, 2007; Nguyễn Thị Thanh Hiền, 1993). Đầu ngắn, mắt khá lớn và linh động. Các vây phát triển, vây ngực và vây đuôi là những tia vây mềm. Đường bên không hoàn toàn, đường bên phía trên từ nắp mang đến giữa thân, đường bên phía dưới từ giữa thân đến cuống đuôi. Trên thân có nhiều sọc đứng, tùy theo loài mà các sọc này có số lượng và độ đậm nhạt khác nhau. Cá Dĩa thích hợp với nơi có nhiệt độ nước trung bình từ 28 – 300C và pH thấp khoảng 6,4, ngoài ra còn một số loài có thể sống ở mức pH khoảng 4 (Nguyễn Minh,1998 và Đoàn Khắc Bộ, 2007).

Cá Dĩa được đưa vào nuôi đầu tiên ở Mỹ vào những thập niên 50 của Thế kỷ 19. Sau đó lan dần sang các nước châu Á như Hông Kông, Đài Loan, Singapore, Thái Lan… Sau khi nở cá con sẽ bám và ăn các chất nhờn trên cơ thể cá bố mẹ. Giai đoạn này kéo dài từ 12 – 14 ngày (Đoàn Khắc Bộ, 2007). Lúc này cá con ăn được các thức ăn tự nhiên như Artermia, Moina, Daphnia. Cá từ 3 tuần tuổi trở lên có thể ăn được các loại thức ăn như trùn chỉ, tim bò, lăng quăng, ròng ròng (Thomas A. Giovanetti 1991, Nguyễn Minh 1998, Đoàn Khắc Bộ 2007). Thức ăn cho cá Dĩa cần phải được thay đổi thường xuyên, bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho sinh trưởng và sự lên màu của cá vì màu sắc của cá Dĩa phụ thuộc rất nhiều vào thức ăn và môi trường nuôi (Bùi Minh Tâm 2008). Ngoài các loại thức ăn trên, trong quá trình nuôi cũng cần bổ sung thêm các loài vitamin như Vitamin A, D… Nếu thiếu các loại vitamin này cá có thể bị một số bệnh như kém ăn, chậm phát triển, màu sắc nhợt nhạt, xương bị giòn và mang bị biến dạng. Cá bắt cặp sinh sản, đẻ trứng dính lên tổ hay giá thể (thành bể, gạch ngói), cá bố mẹ chăm sóc trứng và cá con. Trứng nở sau 2 – 3 ngày, cá con tiêu hết noãn hoàng sau 3 – 4 ngày và tiếp tục bám trên mình cá bố mẹ để ăn chất nhầy trong khoảng 14 – 18 ngày. Cá bố mẹ nuôi con bằng chất nhầy sẽ mất nhiều sức và thời gian tái phát dục kéo dài hơn.

Cải thiện chất lượng giống

Nước ta có nhiều lợi thế và tiềm năng nuôi cá cảnh xuất khẩu, trong đó đặc biệt là nguồn nước và khí hậu, nhiệt độ rất phù hợp cho sự sinh sản và phát triển của các loài cá cảnh nhiệt đới. Thị trường cá cảnh Việt Nam hiện nay đã và đang phát triển ngày càng mạnh mẽ, không chỉ phục cho đa dạng đối tượng khách hàng trong nước, mà còn có tiềm năng xuất khẩu to lớn, mang lại nguồn thu nhập cao và ổn định cho nhiều hộ kinh doanh. TP Hồ Chí Minh được coi là trung tâm của các hoạt động sản xuất và kinh doanh cá cảnh của cả nước, trong đó cá Dĩa là loài cá được ưa chuộng nhất. Hiện nay, nhu cầu về sản lượng cá Dĩa thương phẩm để cung cấp cho thị trường cá cảnh trong nước và xuất khẩu rất lớn. Thời điểm thị trường hút hàng, cá Dĩa không đủ để xuất khẩu. Tuy nhiên, trong quá trình sinh sản nhân tạo tại các cơ sở sản xuất thường gặp một số khó khăn như cá Dĩa bố mẹ ăn trứng hoặc không nuôi con sau khi cá tiêu hết noãn hoàng hoặc thời gian tái thành thục của cá bố mẹ kéo dài vì phải nuôi con. Ngoài ra, nguồn thức ăn tươi sống phục vụ cho sản xuất cá Dĩa phụ thuộc rất lớn vào nguồn khai thác từ tự nhiên dẫn đến người dân không chủ động được nguồn thức ăn cho cá, ảnh hưởng đến hiệu quả và quy mô sản xuất.

Để giải quyết những khó khăn trên, qua quá trình nghiên cứu thực nghiệm tại cơ sở, với sự hỗ trợ từ Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh, Trung tâm nghiên cứu và phát triển Nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh đã xây dựng thành công Quy trình sản xuất giống cá Dĩa đỏ bằng phương pháp ấp trứng nhân tạo để có thể chuyển giao cho các cơ sở nuôi cá Dĩa với kết quả tỷ lệ thành thục của cá Dĩa bố mẹ là 80%, tỷ lệ thu tinh 90%, tỷ lệ nở 90%, thời gian tái thành thục 5 ngày, tỷ lệ sống của cá con 80%. Kết quả khi áp dụng quy trình đã tăng 20% năng suất so với quy trình sản xuất giống truyền thống. Mô hình này đã được Trung tâm chuyển giao thử nghiệm tại cơ sở nuôi cá của ông Nguyễn Văn Phương (xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) từ tháng 6/2020 đến tháng 4/2021. Sản lượng cá trong thời gian triển khai là 20.004 con, trong đó 3.852 con có kích thước 7 – 8 cm và 16.152 con kích thước 5 – 6 cm. Chất lượng cá Dĩa có màu sắc đẹp, đạt yêu cầu của thị trường cá cảnh, lợi nhuận kinh tế đạt được khoảng 757 triệu đồng/năm.

Trong bối cảnh cá Dĩa đang là loại cá có tỷ lệ xuất khẩu cao nhất trong số các loại cá cảnh nước ngọt, việc sản xuất nguồn cá giống chất lượng một cách chủ động có thể sẽ là mảnh ghép để bức tranh thị trường cá cảnh trở nên sôi động hơn.

>> Với phương pháp ấp trứng nhân tạo, người nuôi sẽ rút ngắn được thời gian tái thành thục của cá Dĩa bố mẹ, đảm bảo cá con có màu sắc đặc trưng, bơi lội linh hoạt, bắt mồi chủ động, từ đó cải thiện hiệu quả sản xuất cá giống.

Diệu Châu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!