T3, 22/12/2020 10:37

Chu kỳ giảm giá cá tra sẽ kết thúc trong năm 2021?

Chưa có đánh giá về bài viết

Sau quá trình liên tục giảm giá thời gian gần đây, dự báo chu kỳ giảm giá của mặt hàng cá tra sẽ kết thúc vào năm 2021. Diện tích nuôi đang có xu hướng thu hẹp kéo sản lượng giảm xuống sẽ đẩy giá cá tra tăng trở lại.

Xuất khẩu giảm 23%

Theo Hiệp hội Chế biến và XK Thủy sản Việt Nam (VASEP), lũy kế XK cá tra từ đầu năm đến cuối tháng 11/2020 đạt 1,34 tỷ USD, giảm 24% so với cùng kỳ năm 2019. Ước tính XK cá tra cả năm sẽ đạt khoảng 1,54 tỷ USD, giảm 23% so với năm 2019.

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), diện tích thả nuôi cá tra lũy kế đến tháng 11/2020 là 5.485 ha, bằng 73,8% so với cùng kỳ năm 2019; diện tích thu hoạch đạt 2.813 ha, bằng 52% so với cùng kỳ năm 2019; sản lượng nuôi đạt hơn 900 nghìn tấn, bằng 83,7% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong năm 2020, nhắc tới ảnh hưởng đại dịch Covid-19 tới XK cá tra sẽ là thiếu sót nếu không nhắc tới những khó khăn đến ngay dịp cuối năm từ thị trường Trung Quốc. Giữa tháng 11/2020, thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) yêu cầu tất cả thực phẩm đông lạnh NK có nguy cơ cao được lưu trữ, chế biến và bán tại thành phố này phải vào kho quá cảnh để xét nghiệm Covid-19 và khử trùng bao bì việc giao hàng sẽ được thực hiện trực tuyến.

Xuất khẩu cá tra dự báo có nhiều khởi sắc trong năm 2021. Ảnh: N.Thanh

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP đánh giá, dịp cuối năm, nhu cầu thủy sản Trung Quốc nói chung và Thượng Hải nói riêng đang rất cao bởi các DN NK tăng cường nhập hàng để chuẩn bị cho dịp Tết. Trong bối cảnh đó yêu cầu xét nghiệm Covid-19 nêu trên sẽ ảnh hưởng tới tiến độ giao hàng của DN, có nhiều đơn hàng đã chậm lại. Cá tra là mặt hàng chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi đây là mặt hàng đang có sự phục hồi đáng kể tại thị trường Trung Quốc.

Kết thúc chu kỳ giảm giá?

Đánh giá về triển vọng thị trường cá tra trong thời gian tới, đặc biệt là trong năm 2021, các chuyên gia của Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC) cho rằng, nhu cầu có thể tăng trưởng trở lại. BSC đưa ra phân tích, kênh dịch vụ (nhà hàng, khách sạn,…) vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong phân phối thủy sản sẽ tiếp tục hồi phục về mức trước dịch. Do đó, kỳ vọng khi dịch Covid-19 kết thúc, nhu cầu tiêu thụ sẽ tăng trưởng tốt trở lại. Thêm vào đó, ảnh hưởng tích cực từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) trong dài hạn sẽ tạo mức chênh lệch thuế lớn giữa cá tra Việt Nam với các nước đối thủ. Theo đó, các sản phẩm cá tra Việt Nam như cá tra nguyên con, cá tra fillet tươi đông lạnh sau 3 năm hầu hết sẽ giảm về mức 0%, thấp hơn mức thuế của đối thủ cạnh tranh như Indonesia (4,5% – 9%), Trung Quốc (0%- 9%).

Đồng quan điểm này, Công ty CP Chứng khoán VNDirect cũng kỳ vọng cá tra XK sẽ phục hồi mạnh mẽ kể từ năm 2021. Điều này xuất phát từ sự tích cực của thị trường EU với lợi thế của Hiệp định EVFTA. Ngoài ra, VNDirect cũng kỳ vọng phân ngành XK cá tra sang các thị trường khác sẽ phục hồi trong năm 2021 khi dịch Covid-19 có thể được kiềm chế nhờ vắc xin.

Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra nhận định: Chu kỳ giảm giá cá tra sẽ kết thúc vào năm 2021. Nguyên nhân là do diện tích nuôi đang có xu hướng thu hẹp kéo theo sản lượng giảm, đẩy giá cá tra tăng trở lại. Để phát triển ngành cá tra, cần sản xuất có quy hoạch và nâng cao chất lượng theo chuẩn quốc tế, tránh xảy ra hiện tượng sản xuất ào ạt để rồi dư cung như thời gian qua.

Xung quanh câu chuyện phát triển ngành cá tra, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường không ít lần đánh giá, cá tra là một ngành hàng rất lợi thế nhưng hiện nay đang chịu thách thức. Để tiếp tục phát triển cá tra, trong khâu sản xuất phải tiếp tục ứng dụng khoa học, công nghệ để làm sao khâu sản xuất tốt nhất, góp phần giảm giá thành, đồng thời tập trung chế biến sâu. Ngành hàng cá tra hiện nay có trên 50 sản phẩm, trong đó các sản phẩm tuân thủ theo quy luật kinh tế tuần hoàn. Hiện nay, làm colagen từ da cá tra là Việt Nam làm đầu tiên. Với các mặt hàng khác phải đẩy mạnh hơn nữa để đảm bảo cho giá trị cao nhất.

“Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là tổ chức lại thị trường. Chúng ta chỉ chú ý đến mỗi thị trường XK, thị trường này có hạn mà cứ liên tục tăng thì không được, trong khi lại còn các sản phẩm cá của các nước khác. Hướng đi của ngành cá tra Việt Nam là không đẩy mạnh XK tăng về số lượng; đồng thời cần hết sức chú ý đến thị trường trong nước 100 triệu dân. 2 năm vừa qua, toàn ngành đã làm và đặc biệt năm nay xu hướng tiêu dùng ở ngoài Bắc khá tốt, làm cơ cấu lại thị trường”, người đứng đầu ngành nông nghiệp nói.

Uyển Như

Nguồn: Báo Hải Quan

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!