Cứu cá tra từ doanh nghiệp

Chưa có đánh giá về bài viết

Mấy ngày cuối tháng 5, Ban Kinh tế Trung ương có chuyến làm việc ở ĐBSCL bàn chuyện cứu con cá tra khỏi “chết tức tưởi”. Tình hình của ngành cá tra đang như ông Hồ Văn Vàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam đánh giá là “tột cùng khó khăn”. Phó Ban Kinh tế Trung ương Lê Vĩnh Tân khẳng định, cứu con cá tra là “vấn đề sống còn của ĐBSCL”. Trong khủng hoảng toàn diện, bắt đầu từ đâu?

Ý kiến tại các buổi làm việc với Ban Kinh tế Trung ương thống nhất phải nâng cao chất lượng cá tra. Nhưng điều đó lại liên quan đến chuỗi sản phẩm mà chuỗi ấy, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam ông Võ Hùng Dũng, từng nhận xét, gồm toàn những người tự cho mình là giỏi và chỉ quan tâm đến lợi ích của mình.

Phó Chủ tịch Hồ Văn Vàng kể: một số Việt kiều phản ánh là trước năm 2009, cá tra fillet của Việt Nam rất ngon, được người tiêu dùng trên thế giới ưa thích, vì thế mà mở rộng thị trường nhanh. Nhưng từ năm 2010 trở về sau, nhiều nhà xuất khẩu cạnh tranh bằng cách hạ giá và tăng trọng bơm nước vào thịt cá, làm cho chất lượng cá giảm, hiện cá tra vừa lạt, vừa bở, khiến người tiêu dùng quay lưng.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đã và đang trên bờ vực phá sản       Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra cũng bức xúc với tình trạng gian dối. Ông Trần Văn Hùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hùng Cá, nói thẳng, một số doanh nghiệp chế biến cá tra chạy theo lợi nhuận, cạnh tranh không lành mạnh làm giảm chất lượng và ảnh hưởng đến uy tín chung của sản phẩm cá tra trên thị trường. Ông Hồ Văn Vàng khẩn thiết: “Đề nghị quý vị dừng lại, vì danh dự quốc gia dân tộc, vì sự phát triển kinh tế đất nước. Đã đến lúc cần phải chấn chỉnh lại về chất lượng cá tra Việt Nam, phải giữ giá trị vốn có của cá tra”.

Như thế, cứu cá tra trước mắt cần tập trung vào khâu chế biến sản phẩm xuất khẩu. Doanh nghiệp trong lĩnh vực này, theo nhiều chuyên gia, đang có ba loại: hoạt động ổn định, “bệnh nặng” và “chết chưa chôn”. Giám đốc Chi nhánh Cần Thơ của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, TS Võ Hùng Dũng, nói rõ thêm, cấp bách nhất hiện nay là “tái cấu trúc về tài chính doanh nghiệp”. Phải qua bước cấp bách này mới tính được các bước tiếp theo trong trung và dài hạn như tái cấu trúc quản trị doanh nghiệp, tái cấu trúc chuỗi liên kết ngành.

Để tái cấu trúc tài chính doanh nghiệp thành công, theo TS Hùng Dũng, cần tổng hợp nợ, đánh giá tình hình nợ và phân loại doanh nghiệp theo nợ. Phải có ngân hàng hợp tác với ngành cá tra mới xử lý được. Với nhóm doanh nghiệp ổn định, hỗ trợ vốn để hoạt động lôi kéo cả ngành. Với nhóm nợ nhiều nhưng có khả năng phục hồi, dùng biện pháp sáp nhập. Còn nhóm doanh nghiệp nợ rất xấu (thiếu vốn, ngừng hoạt động), cần thay đổi hoàn toàn. Nếu làm mạnh mẽ, hy vọng ngành cá tra có thể ổn định trong hai năm 2014 và 2015, sau đó sẽ đến thời kỳ phát triển.

Sáu Nghệ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!