Đánh bắt vụ cá nam: Ngư dân gặp khó

Chưa có đánh giá về bài viết

Ngư dân đang gặp khó trong vụ cá nam – vụ cá chính, từ đầu tháng 4 đến cuối tháng 9, do thiếu lao động và áp lực tăng giá thành sản xuất.


Sản lượng hải sản ngư dân thu được không cao trong thời gian gần đây. Ảnh: QUANG VIỆT

Chi phí tăng vọt

Điện và xăng dầu tăng giá trong thời gian gần đây đã “kích” giá dây chuyền các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, đá cây, nước uống, gas, ngư lưới cụ tăng vọt khiến ngư dân “chóng mặt”. Ông Huỳnh Minh Cảnh ở thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang (Núi Thành) – chủ đội tàu đánh bắt hải sản xa bờ 5 chiếc, lo ngại giá trị kinh tế sau mỗi chuyến biển trong vụ chính này sẽ sụt giảm. “Mỗi tàu cá có chi phí mỗi chuyến biển dài ngày hơn 200 triệu đồng, trong đó, dầu đã tốn gần 170 triệu đồng. Giá thành sản xuất tăng lên, trong khi đó, đầu ra hải sản vẫn bấp bênh. Lợi nhuận thu được sau mỗi chuyến biển chắc chắn sẽ giảm xuống do sản lượng hải sản thu được không cao. Sản lượng cá mực đánh bắt trên các vùng biển xa ngày một ít dần” – ông Cảnh nói. Theo ông Cảnh, 5 tàu công suất lớn sản xuất theo mô hình tàu mẹ, tàu con, hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình đánh bắt hải sản, sau đó, tàu con sẽ về đất liền bán hải sản, mua nhiên liệu và nhu yếu phẩm ra biển cung cấp cho các tàu. Tuy vậy, sản lượng hải sản thu được không cao, chỉ chừng 20 tấn, lợi nhuận dư dôi không nhiều dù đã tiết kiệm chi phí.

Tích lũy vốn liếng trong gần 10 năm qua, ngư dân Trần Bẹn ở thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang (Núi Thành) quyết định bán tàu cũ để đóng tàu vỏ gỗ mới là QNa-91594 có công suất 718CV trị giá gần 5 tỷ đồng hành nghề lưới vây truyền thống. Ngư dân này lo lắng, quá trình bám biển dài ngày trong vụ cá chính sẽ gặp rất nhiều nguy nan. “Chúng tôi ngày càng thêm khó trong mỗi chuyến ra khơi đánh bắt hải sản xa bờ. Các mặt hàng thiết yếu tăng giá cộng dồn lại khiến giá thành rất cao. Chuyến biển mới đây, tôi và 15 bạn biển chỉ khai thác được 5 tấn cá nục, cá ngừ sau 20 ngày sản xuất. Bán hải sản xong, thu chỉ đủ bù chi. Các bạn biển bảo nếu kết quả chuyến biển sau cũng vậy, họ sẽ làm cho chủ tàu cá khác” – ông Bẹn nói. Ngư dân đề xuất, các ngành chức năng ở tỉnh, Trung ương tổ chức khảo sát, điều tra, đánh giá lại trữ lượng các loài cá nổi ở các ngư trường truyền thống là Hoàng Sa, Trường Sa, qua đó, thông tin rộng rãi để giúp ngư dân sản xuất tốt hơn. “Chúng tôi đã tính toán hết nước, nhưng các mặt hàng thiết yếu tăng liên tục nên đành bất lực. Dù đã linh hoạt, năng động, tổ chức sản xuất tốt nhưng trong điều kiện hải sản quá khan hiếm, kết quả thu được không như kỳ vọng” – ông Bẹn cho biết thêm.

Thiếu lao động

Vào mùa cao điểm của nghề câu cá hố nhưng chủ các tàu đứng ngồi không yên vì thiếu lao động. Ngư dân Nguyễn Một ở khối phố Phước Thịnh, phường Cửa Đại (TP.Hội An) – chủ tàu QNa-92369 cho biết, trung bình mỗi chuyến biển kéo dài 10 ngày với 10 lao động. Do chỉ mời gọi được 5 lao động nên thời gian bám biển tăng lên 15 ngày, sản xuất gặp khó nên sản lượng không cao. Cá hố để lâu khiến tư thương ép giá, hạ xuống chỉ còn 120 nghìn đồng/kg, thấp hơn 50 nghìn đồng/kg so với trước đây. “Khó có nghề nào chiều chuộng lao động như nghề biển. Cứ trước mỗi chuyến biển, tôi phải ứng trước cho bạn biển chừng 10 triệu đồng/người, rồi hứa hẹn, động viên họ đủ kiểu. Vậy nhưng, có nhiều bạn biển dù đã nhận tiền nhưng lại trốn khiến chủ tàu gặp vô vàn khó khăn” – ông Một nói. Được biết, nhiều thanh niên ở các vùng biển như Duy Hải, Duy Nghĩa (Duy Xuyên), Bình Minh, Bình Nam, Bình Hải, Bình Dương (Thăng Bình), Tam Phú, Tam Thanh (TP.Tam Kỳ), Tam Quang, Tam Nghĩa, thị trấn Núi Thành (Núi Thành) thấy giá đất “nhảy múa” nên ở nhà làm “cò đất” khiến cho nguồn lao động nghề biển thiếu hụt nghiêm trọng. Trong khi đó, sản xuất dài ngày trên biển rất vất vả, nhiều thanh niên vốn theo nghề biển cũng đã chuyển nghề lên bờ lao động nhàn rỗi hơn.

Theo Chi cục Thủy sản Quảng Nam, thiếu lao động nghề cá là vấn đề rất khó giải quyết để phát triển bền vững nghề khai thác hải sản ở Quảng Nam. Ngư dân già yếu cần được thay thế nhưng không có người trẻ tiếp nối, buộc phải bám trụ với nghề biển. Ngư dân trẻ cần được đào tạo, ứng dụng công nghệ mới, thành thục các thao tác kỹ thuật tiên tiến lại chuyển nghề lên bờ lao động. Nhiều lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng cho ngư dân được mở ra nhưng lại quy tụ được rất ít học viên, phần do bám biển quanh năm, phần do ngư dân không muốn tập trung ở lớp học. “Giải quyết vấn đề này cần sự vào cuộc đồng bộ của ngành thủy sản, các địa phương ven biển, ngành lao động và các cơ quan khác, qua đó có thể tham mưu UBND tỉnh có các giải pháp phù hợp, kịp thời để gỡ vướng, khắc phục thực trạng thiếu và yếu lao động nghề cá” – bà Phạm Thị Hoàng Tâm – Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam nói.

Việt Nguyễn

Theo Báo Quảng Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!