ĐBSCL: Khan hiếm cá tra giống khi vào vụ

Chưa có đánh giá về bài viết

Trước những thông tin đầy lạc quan về thị trường xuất khẩu cá tra, bà con nông dân ĐBSCL đang tích cực cải tạo ao, thả nuôi với hy vọng có một vụ cá thắng lợi. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng cá trá giống khan hiếm, sốt giá trong những ngày.

Gần đây một số tờ báo đưa tin, giá cá nguyên liệu đã tăng trở lại, lên mức giá 27.500 – 28.000 đồng/kg (cá đạt tiêu chuẩn xuất khẩu), nhưng qua trao đổi với người viết, nhiều người nuôi cá cho biết thực tế giá cá mà người nuôi bán được cao nhất chỉ 26.500 – 26.800 đồng/kg.

 

Nhu cầu nguyên liệu tăng, giá vẫn thấp

Ngay những ngày đầu năm 2012, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra đã tăng tốc chế biến phục vụ xuất khẩu. Ông Nguyễn Văn Đạo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Gò Đàng, khu công nghiệp Mỹ Tho, TP Mỹ Tho, Tiền Giang cho biết, tính đến nay, các đơn hàng xuất khẩu cá tra được các doanh nghiệp đã ký tăng rất cao so với cùng kỳ năm ngoái với giá xuất khẩu ổn định ở mức cao.

VASEP cũng xác nhận, từ đầu năm đến nay, nhiều đối tác nước ngoài đã tìm đến nguồn cung cá tra từ Việt Nam, chính vì vậy nhiều doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã ký được nhiều hợp đồng mới, thị trường xuất khẩu ngay những tháng đầu năm nay cũng nhộn nhịp hẳn lên.

Nhu cầu xuất khẩu cá tra đang tăng cao làm bà con nuôi cá tra ai cũng tranh thủ thả nuôi lại dẫn đến tình trạng khan hiếm cá giống. Trong ảnh là nông dân huyện Tân Hồng, Đồng Tháp đang cải tạo ao để thả nuôi cá tra trở lại

 

Dù nhu cầu cá nguyên liệu tăng cao nhưng thực tế người nông dân vẫn bán cá với mức giá không tăng bao nhiêu. Ông Nguyễn Minh Điền (Tư Điền), ấp Bắc Trang, xã Tân Công Chí, huyện Tân Hồng, Đồng Tháp cho biết, hiện cá tra nguyên liệu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu (trọng lượng 0,8-0,9 kg/con, thịt trắng) tại thị trường Đồng Tháp được các doanh nghiệp thủy sản thu mua với mức giá cao nhất chỉ 26.800 đồng/kg, đối với trường hợp thanh toán 30% tiền mặt và 70% còn lại thiếu lại 1 tháng, tăng chỉ 300 đồng/kg so với mức giá trước đó. Các loại cá có chất lượng thịt xấu hơn (thịt vàng, thịt đỏ) có mức giá thấp hơn 1.000 đồng/kg.

Tại An Giang, theo Hiệp hội thủy sản An Giang (AFA) cho biết, cá nguyên liệu được các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản trong tỉnh thu mua với mức giá dao động từ 26.300 – 26.700 đồng/kg. Đặc biệt, cá nguyên liệu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu được Công ty cổ phần Việt An (Anvifish) thu mua với mức giá cao nhất 27.700 – 27.800 đồng/kg.

Tuy nhiên, thông tin từ ông Nguyễn Minh Sáng, thương lái mua cá nguyên liệu tại An Giang cũng như bà con nuôi cá tra cho biết, cá nguyên liệu thực tế chỉ dao động quanh mức 26.500 – 26.700 đồng/kg đối với cá thịt trắng, trọng lượng từ 0,8 – 0,9kg/con; các loại cá có chất lượng xấu hơn có giá thấp hơn 1.000 đồng/kg.

Ông Tư Điền nói: “Nghe báo chí đưa tin giá cá nguyên liệu lên đến 28.000 đồng/kg, nhưng thực tế thương lái mua đâu tới giá đó đâu. Có lẽ đây là mức giá cá tra nguyên liệu khi về đến nhà máy đó (đã cộng thêm các khoản chi phí phát sinh khi vận chuyện từ ao nuôi về nhà máy- người viết)”. 

  

Sốt giá, khan hiếm cá giống

Thông tin giá cá nguyên liệu đang tăng cao và triển vọng sẽ còn tiếp tục tăng trong những tháng tiếp theo, làm bà con nuôi cá ai cũng nôn nao cải tạo ao thả nuôi trở lại. Tuy nhiên, chính điều này là một trong những nguyên nhân khiến giá cá giống tăng cao.

Ông Lê Chí Bình, Phó chủ tịch AFA cho biết, hiện tại các tỉnh ĐBSCL đang xảy ra tình trang khan hiếm cá tra giống do người nuôi và các doanh nghiệp đang tăng cường thả nuôi trở lại, trong khí đó, tình trạng ương cá bột lại không đạt vì ảnh hưởng của tình hình không khí lạnh vừa xảy ra trong những ngày trước tết.

Ông Trần Văn Tách, ấp Bình Phú 1, xã Phú Bình, huyện Phú Tân, An Giang cho biết, hiện cá tra giống loại 2 phân/con có giá 2.100 – 2.200 đồng/con; loại 3 phân/con có giá 2.500 – 2.800 đồng/con. “Dù giá cá tra giống đang tăng cao và có hiện tượng sốt giá nhưng hầu như không có cơ sở nào có đủ nguồn giống số lượng lớn để cung cấp cho khách hàng khi họ yêu cầu” – ông Tách nói.

Tại các tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, thành phố Cần Thơ, bà con nông dân cũng đang tranh thủ thả nuôi trở lại sau khi thu hoạch cá nguyên liệu nhằm tranh thủ nguồn cung nguyên liệu cung cấp cho thị trường.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp, tính đến ngày 6/2, Đồng Tháp chỉ còn có 80 héc ta diện tích ao nuôi cá tra của bà con không thả nuôi trở lại so với con số trên 100 héc ta vào thời điểm cuối năm 2011. Dự kiến thời gian tới số diện tích treo ao sẽ còn tiếp tục giảm do nhu cầu thả nuôi trở lại của bà con đang tăng cao.

NTR
Theo Thời báo Kinh Tế Sài Gòn

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!