Trong khi xuất khẩu thủy sản sang các thị trường truyền thống đang gặp nhiều khó khăn, thì giá trị xuất khẩu mặt hàng này sang thị trường châu Phi lại đạt mức tăng trưởng cao và đều.
Cụ thể, năm 2012, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này sang 25 nước châu Phi đạt gần 150 triệu USD, tăng 38% so với năm 2011. Trong 3 tháng đầu năm 2013, con số này đạt 30,3 triệu USD, tăng 15% so cùng kỳ năm ngoái.
Lý giải về sự gia tăng này, Vụ Thị trường châu Phi, Tây Nam Á – Bộ Công Thương cho biết: Tại hầu hết các quốc gia khu vực châu Phi, ngành nuôi trồng thuỷ sản, nhất là cá nước ngọt không phát triển, do đó phải nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu trong nước. Hơn nữa, hiện nay, xu hướng dùng thủy sản thay thế cho thịt trong bữa ăn của người dân châu Phi đang mở ra cơ hội cho các DN Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này, thậm chí có thể nghiên cứu phương án nuôi trồng thủy sản tại nước sở tại phục vụ nhu cầu địa phương và xuất khẩu sang các nước lân cận. Thực tế cho thấy, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng như cá basa, cá tra, tôm sang thị trường khu vực không ngừng tăng trong những năm qua.
Tuy nhiên, nhiều DN Việt Nam đã phản ánh một số khó khăn họ gặp phải trong quá trình xuất khẩu vào thị trường này. Cụ thể, trở ngại đầu tiên là khoảng cách địa lý xa xôi. Nếu vận chuyển bằng đường biển thì mất đến 40 ngày trong khi các đường bay trực tiếp từ Việt Nam đến một số nước châu Phi lại không có. Do vậy, việc xuất khẩu hàng thủy sản tươi sống gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, các quốc gia như Maroc, Ai Cập, Algeria, Nigeria… áp dụng mức thuế nhập khẩu cao, đòi hỏi một số giấy tờ thủ tục như xác nhận lãnh sự (Ai Cập), giấy chứng nhận của Tổ chức Tiêu chuẩn Nigeria (SONCAP) đối với các loại thủy sản nhập khẩu. Khả năng thanh toán của phần lớn các DN nhập khẩu châu Phi thấp và đôi khi vẫn xảy ra tình trạng lừa đảo thương mại qua mạng internet ở một số quốc gia Tây Phi. Điều này cũng dẫn đến tâm lý lo ngại khi DN Việt Nam tiếp cận thị trường.
Ngoài ra, theo phản ánh của Vụ Thị trường châu Phi, Tây Nam Á, khó khăn và bất lợi cũng đến từ chính những điều khoản trong hợp đồng thương mại do phía Việt Nam soạn thảo. Hầu hết các hợp đồng này thường rất sơ sài, không nêu rõ trách nhiệm của mỗi bên. Chính vì vậy dễ bị đối tác gây khó khăn nếu có tranh chấp xảy ra.
Để tháo gỡ khó khăn và đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng thủy sản vào khu vực thị trường châu Phi một cách bền vững, Vụ Thị trường châu Phi, Tây Nam Á lưu ý các DN cần chủ động liên hệ với các Thương vụ Việt Nam ở châu Phi như Algeria, Ai Cập, Maroc, Nam Phi, Nigeria để tìm hiểu thông tin thị trường và đối tác nhập khẩu. Hạn chế việc tìm kiếm và giao dịch với khách hàng chưa quen biết qua mạng internet.
Khi đàm phán và ký kết hợp đồng với đối tác châu Phi, các DN nên lựa chọn những phương thức giao hàng, thanh toán hợp lý để tránh trường hợp nhà nhập khẩu không nhận hàng để ép giảm giá. Hợp đồng phải quy định rõ cơ quan giải quyết tranh chấp để làm cơ sở cho việc giải quyết khi tranh chấp phát sinh.
Các DN cũng nên tích cực tham gia các đoàn khảo sát thị trường, xúc tiến thương mại, các hội chợ triển lãm quốc tế chuyên ngành, các hội thảo, diễn đàn doanh nghiệp do các cơ quan xúc tiến thương mại trong nước tổ chức để tìm được những đối tác tin cậy. Đặc biệt, DN Việt Nam cũng cần lưu ý đảm bảo chất lượng hàng hóa xuất khẩu luôn ổn định để giữ chữ tín với khách hàng và tránh được những khó khăn khi cơ quan chức năng của nước sở tại kiểm tra tiêu chuẩn chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.