Đồng Tháp: Thận trọng khi nuôi cá chạch sụn

Chưa có đánh giá về bài viết

Mới đây, Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Đồng Tháp đã khuyến cáo người dân cẩn trọng khi nuôi chạch sụn có nguồn gốc ngoại lai bởi nguy cơ phát tán mầm bệnh cho những loài thủy sản khác.

Cụ thể, loài cá chạch sụn không có tên trong danh mục giống thủy sản được phép sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam. Trong khi đó, nhiều người dân đang phát triển nuôi loài cá này và nuôi rải rác ở các huyện Lấp Vò, Tháp Mười, Lai Vung, thị xã Hồng Ngự…

Nuôi cá chạch sụn có thể gây ảnh hưởng đến môi trường sống của những loài thủy sản khác – Ảnh: Ngọc Trinh

Ông Bùi Văn Hải ở xã Phú Điền, huyện Tháp Mười, cho biết, cá chạch sụn rất dễ nuôi, có khả năng cạnh tranh về môi trường sống, thức ăn với những loài có cùng đặc điểm sinh trưởng và sinh sản. Cá nuôi ít bệnh, ít hao hụt, sử dụng thức ăn công nghiệp nên chi phí nuôi thấp hơn so với loại cá khác. Gia đình ông nuôi 60.000 con cá chạch sụn trên diện tích hơn 2.000 m2, mỗi con giống bằng đầu đũa có giá 550 đồng/con, sau 4 tháng thả nuôi đã cho thu hoạch, bình quân 20 con/kg. Với trọng lượng này, cá bán tại ao 100.000 đồng/kg, nếu đưa ra chợ có giá bán 150.000 – 200.000 đồng/kg. Đặc biệt, chi phí nuôi toàn bộ cho 1 kg cá chỉ chiếm 30 – 50%.

Cho đến nay, toàn tỉnh Đồng Tháp có vài chục ha diện tích nuôi cá chạch sụn. Trước thực trạng trên, Chi cục Thủy sản đã khuyến cáo nông dân cẩn trọng để tránh tình trạng nuôi ồ ạt, không có đầu ra. Đặc biệt, sự ảnh hưởng đến môi trường sống và lây lan mầm bệnh cho loài cá khác.

Mai Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!