Đột phá từ một số “đầu tàu” nuôi tôm trên cát

Chưa có đánh giá về bài viết

Nuôi tôm trên cát (NTTC) đang mở ra một hướng mới trong nuôi trồng thủy sản ở nhiều tỉnh, tạo bước đột phá về diện tích, năng suất, sản lượng.

Hà Tĩnh

Đến nay đã có hơn 40 ha NTTC (bằng gần 2% diện tích nuôi tôm của tỉnh) (tại các huyện Nghi Xuân, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh), chủ yếu nuôi tôm thẻ chân trắng. Bảy cơ sở và chủ hộ nuôi, đạt sản lượng 550 tấn/năm, chiếm gần 20% sản lượng tôm nuôi của tỉnh. HTX Xuân Thành (Xuân Phổ, Nghi Xuân) tiên phong đưa công nghệ cao vào NTTC, sau 3 vụ nuôi, mỗi năm thu về hơn 10 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng chục lao động có thu nhập 3 – 5 triệu đồng người/tháng. Có thể NTTC liên tục nhiều vụ quanh năm. Năng suất, sản lượng năm sau cao hơn năm trước.

Hà Tĩnh phấn đấu đến năm 2015 đạt diện tích NTTC 800 ha; trong đó nuôi công nghệ cao 300 ha, xây dựng 2 – 3 vùng NTTC tập trung 30 – 50 ha. Theo đó, năm 2020 đạt 1.200 ha, trong đó công nghệ cao 700 ha; xây dựng 6 – 8 vùng NTTC tập trung.

 

Quảng Bình

Thí điểm NTTC từ giữa năm 2002. Hai năm sau, phong trào NTTC phát triển ra khắp tỉnh, nuôi tôm sú là chính; năng suất 1,5 – 1,7 tấn/ha/vụ.

Tôm thẻ chân trắng được nuôi từ năm 2006. Vụ nuôi năm 2010, gặp nhiều khó khăn thời tiết nhưng năng suất vẫn đạt 7 – 9 tấn, có nơi 12 – 13 tấn/ha/vụ. Có thể nuôi 3 – 4 vụ trong năm. Năm 2011, toàn tỉnh có 190 ha NTTC, tăng 40 ha so với năm 2009. Đã hình thành nhiều vùng NTTC tập trung quy mô lớn, như Bảo Ninh (TP Đồng Hới), ba xã vùng Ngư Thủy (Lệ Thủy), Nhân Trạch, Đại Trạch (Bố Trạch).

Nuôi tôm trên cát đã tạo bước đột phá về năng suất và sản lượng – Ảnh: Huy Hùng

 

Thừa Thiên – Huế

Tỉnh đang tập trung quy hoạch lại vùng nuôi, trong đó quy hoạch 30 ha vùng cát ven biển huyện Phong Điền để xây dựng trại sản xuất và dịch vụ cung ứng giống cho vùng NTTC; đồng thời củng cố hệ thống trại sản xuất và dịch vụ giống tôm sú tại các huyện Phú Vang, Phú Lộc. Bên cạnh đó, đầu tư các công trình cấp nước ngọt cho vùng NTTC, kênh thoát nước tự nhiên, hệ thống cấp và xử lý nước thải tập trung…

Xã NTTC nhiều nhất là Phong Hải (huyện Phong Điền), 65 ha. Vụ đầu năm 2012, các nhóm hộ nuôi tôm ở Phong Hải thu được 1.300 tấn, trị giá 170 tỷ đồng, có hộ thu 2 – 3 tỷ đồng. Nguồn thu từ nuôi tôm hiện chiếm 45% tổng thu nhập toàn xã.

 

Quảng Nam

 Nhờ thâm canh và đầu tư đồng bộ hệ thống ao nuôi, NTTC 3 – 4 vụ/năm. Nơi có diện tích NTTC lớn là huyện Thăng Bình, 80 ha.

Nuôi tôm trên cát ven biển Quảng Nam bắt đầu từ năm 2005, với diện tích thả nuôi 5,5 ha với đối tượng nuôi là tôm sú không đem lại hiệu quả kinh tế cao bởi năng suất đạt thấp. Năm 2007, bắt đâu nuôi tôm thẻ chân trắng. Hiện, diện tích nuôi này toàn tỉnh 300 ha, chủ yếu tại các huyện Núi Thành (212 ha), Thăng Bình (80 ha).

 

Quảng Ngãi

Năm 2001, sau hơn 3 tháng thử nghiệm, tôm sú nuôi trên cát tại xã Đức Phong (Mộ Đức) đạt năng suất trên 4 tấn/ha. Kết quả này đã hấp dẫn hàng trăm hộ ngư dân ven biển. Năm 2003, toàn tỉnh có gần 50 ha NTTC. Năm 2005, con số này tới 110 ha. Phát triển rộng khắp ở nhiều địa phương, đạt sản lượng trên 10 tấn/ha. Trong đó tập trung và dẫn đầu là huyện Mộ Đức, với tổng diện tích hơn 50 ha, kinh phí đầu tư hàng chục tỷ đồng.

NTTC đã giúp nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Mặt khác, diện tích NTTC tăng nhanh theo hướng tự phát, đang trở thành yếu tố trực tiếp gây ô nhiễm môi trường, cùng đó là nguy cơ cạn kiệt tài nguyên nước ngầm.

 

Bình Định

Toàn tỉnh hiện có 140 ha diện tích NTTC; trong đó nhiều nhất tại các huyện Phù Mỹ (118 ha), Phù Cát (15 ha), Hoài Nhơn. Bên cạnh hiệu quả, điều đáng nói nhất là: Cũng như nhiều tỉnh khác, việc NTTC không theo quy hoạch đã dẫn đến nhiều hệ lụy. Dải bờ biển huyện Phù Mỹ đã bị băm nát do làm hồ nuôi tôm. Rừng phòng hộ ven biển đang biến mất, nguồn nước ngầm ngày càng cạn kiệt, chất thải từ nuôi tôm đọng ngay trên bãi biển, bốc mùi khó chịu… Dân cư nơi đây đang đối mặt thảm họa môi trường.

 

Ninh Thuận

Năm 1999, NTTC được bắt đầu từ một gia đình ở huyện Ninh Phước, với diện tích 0,5 ha. Năm 2002, diện tích NTTC đã tới hơn 300 ha. Năm 2006, UBND tỉnh Ninh Thuận đã phê duyệt quy hoạch các vùng nuôi giống tôm chân trắng với tổng diện tích 500 ha, trong đó các vùng phía nam sông Dinh gồm 3 thôn của xã An Hải và 2 thôn của xã Phước Dinh (Ninh Phước) đã có diện tích NTTC trên 350 ha. Năng suất NTTC của huyện Ninh Phước 12/tấn/vụ/ha, có nơi 20 – 25 tấn/ha… NTTC góp phần đẩy lùi sa mạc hóa, khơi dậy tiềm năng làm giàu ở tỉnh này.

>> Thực tế diện tích đất cát phù hợp nuôi tôm thường thấp hơn nhiều so với diện tích tiềm năng. Năm 2002, Bộ Thủy sản, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) và Viện Quốc tế đã khảo sát, thấy chỉ 1/5 diện tích đất cát miền Trung, tức 20.000 ha, có khả năng quy hoạch để cải tạo nuôi thủy sản; trong đó, Quảng Bình có 4.500 ha diện tích, Quảng Trị 4.000 ha, Quảng Ngãi 4.000 ha, Ninh Thuận 1.500 ha phù hợp nuôi tôm.

Vũ Mưa

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!