T2, 06/07/2020 10:46

Được mùa tép, ngư dân kiếm nửa tỷ đồng mỗi tháng

Chưa có đánh giá về bài viết

Cứ vào độ tháng mười âm lịch hàng năm, ngư dân vùng biển Thạch Kim (Lộc Hà, Hà Tĩnh) lại bắt đầu một mùa đánh tép. Và, mùa tép thường kéo dài cho đến tháng giêng năm sau…

Ngay từ sáng tinh mơ, khi chưa rõ mặt người thì ở cảng cá Thạch Kim đã tấp nập kẻ mua, người bán. Có mặt ở đây từ sáng sớm, chúng tôi cảm nhận được sự phấn khởi của bà con ngư dân khi năm nay tép vừa được mùa, vừa được giá. Phải đợi một lúc lâu, khi đã bán với lượng tép vừa đánh được tối qua, anh Nguyễn Văn Lý – một người dân địa phương mới có chút thời gian rảnh trò chuyện với chúng tôi.

Anh Lý theo nghiệp chài lưới từ khi còn nhỏ, trong một lần đánh cá không may gặp tai nạn khiến anh mất đi đôi tay. Dù vậy, anh vẫn là chủ của một thuyền lớn ở cảng cá này, vẫn làm những công việc bình thường như những người khác. Thậm chí, anh nhỉnh hơn người khác nhờ kinh nghiệm lâu năm trên biển.

 

Cảng cá Thạch Kim tấp nập mua bán tép.

Vào những ngày này, ngư dân chủ yếu đánh bắt tép. Đánh tép không cần phải đi xa, cũng không mất quá nhiều công sức, lại dễ hơn so với các loại tôm, cá khác. Nói vậy, không phải nghề đánh bắt tép là dễ dàng mà cũng có nhiều vất vả. Đánh tép phải đi cả ngày hoặc phải đi vào ban đêm mới được nhiều. Tép năm nay dễ bán và được giá nhưng không bằng năm ngoái.

“Năm ngoái tép đắt là do mất mùa, hiếm. Thuyền bọn tui bình thường mỗi ngày cũng đánh được 5 tạ tép, bán sỉ được khoảng 5 triệu đồng, đợt cao điểm có khi gần 2 tấn, cũng kiếm được 15 – 17 triệu đồng/ngày (khoảng nửa tỷ đồng/tháng – PV). Năm nay biển lặng nên tép nhiều lắm” – anh Lý cho hay.

Tép là loài sống thành đàn ở mực nước sâu khoảng 100 – 200m, có đáy là bùn cát, dụng cụ đánh bắt là kheo hoặc lưới rút, hoặc đơn giản là một cái dạ với sào tre. Là người đi biển lâu năm và cũng từng đánh tép ở nhiều biển khác nên anh Lý có nhiều kinh nghiệm, quan trọng nhất là việc nhìn ngời nước để khoanh vùng, xác định được đâu sẽ có nhiều tép. Thế nên, chuyến nào thuyền anh cũng đầy ắp khoang. Nhưng không phải ngư dân nào cũng may mắn như anh Lý. Nhìn chung, người đánh bắt tép mùa này đều có thu nhập khá. Theo anh Lý, tép ở Hà Tĩnh ngon hơn so với các vùng biển khác nên thương lái rất thích, không xảy xa tình trạng ế hàng.

Mùa tép không chỉ mang lại thu nhập cao cho những người đi biển mà còn tạo việc làm cho hàng trăm lao động khác. Như chị Thương, chỉ việc mua tép từ các thuyền ở cảng rồi về bán lại ở các chợ, sau khi trừ chi phí, mỗi ngày cũng lãi gần 200 nghìn đồng.

Về Thạch Kim những ngày nắng, tép được ngư dân đưa ra phơi khô, là thức ăn ngon và khá rẻ, được nhiều người thích. Nhất là mùa hè, tép khô nấu với canh rau vừa mát, vừa ngon. Nhưng phần lớn tép ở đây được đem làm ruốc, vì thế nên còn có tên là con ruốc. Ruốc vừa là thức ăn, vừa là gia vị cho các món ăn thêm phần đậm đà. Chị Phạm Thị Phượng (Thạch Kim) cho biết: Trung bình mỗi ngày, chị mua từ 2 – 3 tấn tép tươi để làm ruốc, nếu nắng to có thể làm nhiều hơn. Làm ruốc phải ủ tép trong thời gian khá dài, ít nhất cũng phải 5 tháng. Nhẩm tính, mỗi mùa tép gia đình chị cũng thu trên dưới 100 triệu đồng.

Infonet

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!