Ecuador: Kỳ vọng xuất khẩu tôm sang Trung Quốc “trở về quỹ đạo”

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Ecuador hy vọng xuất khẩu sang thị trường chính Trung Quốc sớm quay trở về quỹ đạo sau khi một số nhà máy bị đưa vào danh sách cấm và một số công ten nơ bị Trung Quốc từ chối do hàm lượng sodium metabisulfite cao hơn mức cho phép.

Khủng hoảng kép

Tại Triển lãm Thủy sản Bắc Mỹ (SENA), các nhà lãnh đạo cho biết sau khi Trung Quốc phát hiện hàm lượng sodium metabisulfite – một chất bảo quản thường dùng trong ngành thực phẩm để ngăn ngừa ô xy hóa – có trong thủy sản nhập khẩu từ Ecuador vượt ngưỡng cho phép, nước này đã thẳng tay từ chối một số công ten nơ của Ecuador, đồng thời đưa một số nhà máy chế biến của Ecuador vào danh sách cấm. Sự việc này khiến các nhà xuất khẩu Ecuador hết sức lo ngại.

Tôm Ecuador xuất khẩu sang Trung Quốc bị “phát giác” chứa sodium metabisulfite vượt mức cho phép. Ảnh minh họa

Năm 2023, 59% thủy sản xuất khẩu của Ecuador, tương đương 714.887 tấn trong tổng số 1,21 triệu tấn, được cập cảng Trung Quốc. Trước khi sự việc liên quan đến chất bảo quản sodium metabisulfite bị phát giác vào tháng 2/2024, xuất khẩu thủy sản Ecuador sang Trung Quốc đã có dấu hiệu giảm. Cụ thể, xuất khẩu tháng 1 chỉ đạt 50.7883 tấn, giảm 14% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, Ecuador đang cùng một lúc đối mặt với hai vấn đề hết sức nan giải: (1) thuế chống bán phá giá và thuế đối kháng tại Mỹ – thị trường xuất khẩu thứ hai của thủy sản Ecuador, và (2) lượng sodium metabisulfite tại Trung Quốc.

Theo ông Jose Antonio Camposano, chủ tịch điều hành của Phòng Nuôi trồng thủy sản quốc gia Ecuador (CNA), tính đến tháng 2 năm 2024, có 9 trong tổng số 6.000 công ten nơ thủy sản Ecuador xuất sang Trung Quốc ghi nhận dư lượng sulfite vượt ngưỡng cho phép. Hiện các nhà chức trách Ecuador đã gửi thông báo yêu cầu 6 cơ sở (bị Trung Quốc đưa vào danh sách cấm) không được ban hành chứng nhận y tế cho các lô hàng xuất khẩu sang Trung Quốc kể từ ngày 19/2/2024. Các cơ sở này cũng đã đệ trình kế hoạch hành động để các nhà chức trách Trung Quốc tiến hành rà soát. Ba trong số những cơ sở này thuộc sở hữu của “ông lớn” ngành tôm Industrial Pesquera Santa Priscila; tuy nhiên đứng trước sự việc bị “cấm cửa” vào Trung Quốc, Priscila vẫn không bị ảnh hưởng nhiều do họ vẫn còn nhiều nhà máy chế biến khác. Một số công ty chịu tác động của sự việc lần này bao gồm Songa, Exportquilsa, và Grupo Diosmar’s Procamarones. Theo CNA, những công ty này đã gửi kế hoạch hành động và chờ đợi phía Trung Quốc rà soát, xác nhận và dỡ bỏ lệnh cấm.

Ông Jose Antonio Camposano, chủ tịch điều hành của (CNA) chia sẻ thông tin về sự việc tại Triển lãm Thủy sản Bắc Mỹ. Ảnh: Matilde Mereghetti

Ông Sandro Coglitore, CEO của Omarsa, một trong những nhà chế biến tôm lớn nhất Ecuador, xác nhận một nhà máy chế biến của Omarsa cũng nằm trong danh sách cấm, như vậy hiện nay có tổng cộng 7 cơ sở bị Trung Quốc ngưng nhận hàng. Ông Coglitore cho biết các công ten nơ đang trên đường tới Trung Quốc thì bị tiến hành xét nghiệm và sau đó bị trả về. Số hàng này sau đó sẽ được tái chế và xuất khẩu sang các quốc gia khác.

Bình tĩnh, lạc quan giải quyết vấn đề

Trả lời trang tin điện tử Undercurrent của Mỹ, ông Camposano vẫn giữ được bình tĩnh và lạc quan cho rằng sự việc với Trung Quốc sẽ sớm được giải quyết, và thương mại hai nước sẽ bình thường hóa. Các nhà chức trách và doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Ecuador đang nỗ lực đảm bảo tuân thủ mọi yêu cầu đồng thời cải thiện chất lượng sản phẩm, đáp ứng kỳ vọng của thị trường quốc tế. Ngoài ra, quy định của Ecuador cho phép dư lượng sulfite cao nhất ở tôm là 150 ppm, trong khi Trung Quốc là 100 ppm. Ông Camposano cho biết: “Chúng tôi đã xây dựng một kế hoạch quản lý khủng hoảng để giải quyết sự việc lần này. Chúng tôi phải điều chỉnh các thủ tục và đảm bảo các đơn hàng xuất khẩu tuân thủ quy định về hàm lượng các chất cho phép”. 

Ngoài ra, theo ông Omarsa: “Nhu cầu tại Trung Quốc vẫn rất lớn. Đối với Trung Quốc, bất chấp sự việc này đang là chủ đề ‘hot’ trên các diễn đàn, nhưng người tiêu dùng vẫn tiếp tục mua hàng, bởi họ vẫn có nhu cầu. Thực tế, Trung Quốc và Ecuador có mối quan hệ phụ thuộc. Chúng tôi cần thị trường Trung Quốc, và tôi nghĩ thị trường Trung Quốc cần sản phẩm của chúng tôi. Chúng tôi cần tuân thủ mọi thứ, đảm bảo các nhà chức trách Trung Quốc hài lòng với sản phẩm của Ecuador, và nhìn nhận nỗ lực của Ecuador trong việc tôn trọng các quy định của thị trường Trung Quốc. Sự việc lần này đến từ quy định của hai bên không thống nhất, đồng thời một số đơn hàng bị dán nhầm nhãn bao bì. Do đó các đơn hàng sau này chúng tôi phải cẩn thận hơn, cần đảm bảo sự thống nhất về quy trình và tiêu chuẩn cho phép với mỗi thành phần cụ thể”.

An Vy (Theo Undercurrentnews)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!