Giá cá tra giảm do tác động của đại dịch kéo dài

Chưa có đánh giá về bài viết

Từ đầu năm 2019, trên thị trường thủy sản thế giới, giá cá tra đã bắt đầu giảm. Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 càng thúc đẩy xu hướng giảm giá toàn cầu. Tuy nhiên, mức độ nghiêm trọng của tác động COVID-19 đối với các nhà sản xuất Việt Nam đã giảm nhẹ phần nào nhờ vào việc Việt Nam quản lý hiệu quả dịch bệnh trong nước và thị trường Hoa Kỳ linh hoạt đối với mặt hàng cá tra Việt Nam.

Sản xuất

Tại Việt Nam, nhà cung cấp cá tra chính của thế giới, tác động đến sức khỏe cộng đồng của COVID-19 bị hạn chế so với nhiều nước khác trên thế giới. Tuy nhiên, ngành công nghiệp cá tra của Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi ảnh hưởng của thị trường rộng lớn chịu tác động của virus; Nhu cầu yếu tại thị trường Hoa Kỳ, châu Âu và Trung Quốc. Nông ngư dân ở Đồng bằng sông Cửu Long đã bắt đầu áp dụng cách tiếp cận thận trọng hơn vào cuối năm 2019 để đối phó với việc giá giảm và tiếp tục điều chỉnh nguồn cung. Áp lực tài chính gia tăng do cá tra được bán với giá thấp, thua lỗ. Các nhà sản xuất đã báo cáo lỗ khoảng 3.500 đồng (0,15 USD) đến 5.000 đồng (0,22 USD) cho mỗi kg cá tra. Đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng và tăng công suất đã diễn ra từ trước năm 2019, nhưng hiện đã chậm lại khi trọng tâm chuyển sang tăng giá trị gia tăng dọc theo chuỗi cung ứng để gia tăng lợi nhuận. Nông dân cũng đang giảm cho cá ăn để kìm hãm tốc độ tăng trưởng chậm lại cho đến khi điều kiện thị trường được cải thiện. Nước mặn xâm nhập vào các sông ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất thủy sản. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (MARD), sản lượng trong nửa đầu năm 2020 giảm khoảng 6% so với năm 2019, chỉ còn hơn 500 nghìn tấn.

Tại Trung Quốc, nghề nuôi cá tra mới nổi đang tìm cách mở rộng thị phần tại thị trường nội địa Trung Quốc, vốn vẫn được cung cấp chủ yếu từ Việt Nam. Tuy nhiên, COVID-19 và sự phục hồi chậm chạp ở Trung Quốc đang làm tăng thêm các thách thức, cản trở tiến độ mở rộng thị phần tại thị trường nội địa của Trung Quốc. Có thể nói, tại thị trường Trung Quốc, tất cả các yếu tố như cá bố mẹ và cá giống chất lượng thấp, giới hạn thời vụ trong chăn nuôi, sản phẩm cuối cùng không nhất quán, thiếu kinh nghiệm… là những vấn đề đang bảo vệ vị thế thống lĩnh của các nhà sản xuất cá tra Việt Nam. Cho đến hết năm 2020, các nhà sản xuất Trung Quốc và các doanh nghiệp khác đều phải vật lộn để duy trì lợi nhuận (tương tự như các đối tác Việt Nam).

thu hoạch cá tra

Thương mại và thị trường

Nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu cá tra hàng đầu của Việt Nam, gồm Hoa Kỳ và Trung Quốc, vẫn tiếp tục giảm mặc dù có một số lạc quan trong quý II năm 2020. Có những dấu hiệu cho thấy sự phục hồi đang diễn ra khi hàng tồn kho của Hoa Kỳ bắt đầu giảm và ở một góc độ nào đó, tình hình đã bình thường trở lại ở Trung Quốc. Mặc dù Trung Quốc đã quay lại mức tăng trưởng thấp trong quý II năm 2020, nhưng sự suy giảm kinh tế mạnh mẽ đã xảy ra ở cả hai nước Hoa Kỳ và Trung Quốc trong nửa đầu năm 2020 và tác động tiêu cực đến thương mại cá tra. Nhu cầu tiêu thụ cá tra sụt giảm nhanh chóng khiến các doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều khó khăn khi phải trữ khối lượng lớn hàng tồn kho không thể xuất khẩu trong bối cảnh giá cả lao dốc và nợ nần chồng chất.

Trong nửa cuối năm 2020, mặc dù các hạn chế đã được nới lỏng nhưng người tiêu dùng vẫn cảnh giác với việc ăn uống tại nhà hàng. Và điều này dẫn tới lượng khách sử dụng dịch vụ ăn uống tại nhà hàng giảm. Tại Vương quốc Anh, các cửa hàng kinh doanh mặt hàng “cá và khoai tây chiên” (là một trong những nơi nhập nhiều nhất sản phẩm cá tra ở thị trường châu Âu) đã giảm lượng mua. Đồng thời, hoạt động tự nấu nướng tại nhà đã trở nên phổ biến hơn, thúc đẩy nhu cầu bán lẻ đối với các sản phẩm chế biến sẵn, ăn liền, tiện lợi với dịch vụ giao hàng tận nhà. Thương mại điện tử cũng trở nên quan trọng hơn như một kênh tiếp thị và phân phối thủy sản, đặc biệt là ở châu Á. Đối với ngành cá tra Việt Nam, bị ảnh hưởng bởi giá thấp và doanh thu giảm, các sản phẩm giá trị gia tăng đã được người tiêu dùng quan tâm trở lại. Các nhà tiếp thị cũng tăng cường tập trung vào thị trường nội địa Việt Nam do triển vọng của các thị trường xuất khẩu chính đang kém bởi tác động của Covid-19.

Trong nửa đầu năm 2020, về mặt giá trị, xuất khẩu của Việt Nam sang tất cả 10 thị trường cá tra hàng đầu đã giảm đáng kể. Giá trị các chuyến hàng đến Trung Quốc, Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu lần lượt giảm 15,5%, 24,4% và 36,6% so với cùng kỳ năm 2019. Xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng nhanh trong quý 3 năm 2020 nhưng việc hoãn các kế hoạch mở cửa trở lại ở nhiều bang đã một lần nữa làm chậm lại quá trình phục hồi này.

 

Giá cả

Giá xuất khẩu cá tra philê đông lạnh trong nửa đầu năm 2020 không có dấu hiệu phục hồi với mức giá siêu thấp là 2 USD/kg (giá FOB). Bên cạnh đó, giá tại trại nuôi cá tra cũng tiếp tục giảm mạnh, được báo cáo dao động trong khoảng từ 17.500 đồng (0,76 USD) đến 19.000 đồng (0,82 USD) một kg.

 

Dự báo

Ngành cá tra hiện đang tập trung vào các chiến lược giảm thiểu thiệt hại, bao gồm: đa dạng hóa thị trường và sản phẩm, cũng như các mục tiêu tăng trưởng và thả nuôi thận trọng hơn. Việc đầu tư sẽ tiếp tục chuyển hướng từ việc tăng cường năng lực sản xuất sang các hoạt động nghiên cứu – phát triển (research and development – R&D), nâng cấp cơ sở hạ tầng và tăng hiệu quả quản lý chi phí. Dự báo nhu cầu cá tra toàn cầu không ổn định tại tất cả các thị trường, nhất là khi dịch bệnh COVID-19 tiếp tục tái xuất ở nhiều quốc gia. Hiện tại, đối với ngành hàng cá tra thì tầm quan trọng ngày càng tăng đối với dịch vụ bán lẻ; Cung cấp thực phẩm nấu nướng tại nhà rất có thể sẽ vẫn tồn tại trong thời gian này (ngay cả khi nhu cầu dịch vụ ăn uống tại nhà hàng tăng lên) và nguồn cầu này được dự báo là có thể giúp cá tra tăng giá.

Ngọc Thúy (theo FAO)

Nguồn: Tổng cục Thủy sản

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!