T4, 01/12/2021 09:37

Giá tôm bật tăng giữa đại dịch

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Sau thời gian dài sụt giảm nghiêm trọng, giá tôm nước lợ đã có chiều hướng tăng trưởng tốt. Thời điểm này không có nhiều người nuôi được hưởng lợi vì đã ở cuối vụ, tuy nhiên, đây là tín hiệu sáng để họ mạnh dạn tái đầu tư vụ mới, tránh cho lĩnh vực xuất khẩu tôm gặp khó vì nguyên liệu khan hiếm trong thời gian tới.

Giá tôm khởi sắc

Theo phản ánh của báo chí địa phương, từ gần 1 tháng nay, đặc biệt là từ đầu tháng 11 đến nay, giá bán tôm tại các tỉnh trọng điểm vùng ĐBSCL đang tăng lên từng ngày, người nuôi tôm đã có lãi và lấy lại tinh thần cho vụ sản xuất tiếp theo.

Quan sát chung cho thấy, tại các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng và Trà Vinh, giá tôm các loại đã tăng trở lại sau khi các địa phương này “nới lỏng” việc di chuyển. Tại Sóc Trăng, đại diện Công ty Thủy sản Tấn Phát cho biết công ty này vừa mua TTCT của nông dân với giá 240.000 đồng/kg (loại 20 con/kg), 180.000 đồng/kg (loại 25 con/kg) và 98.000 đồng/kg (loại 100 con/kg)…

Còn tại Trà Vinh, từ đầu tháng 11 đến nay, mặt hàng tôm sú, TTCT thương phẩm đã tăng bình quân 10.000 đồng/kg so với tháng trước đó. Cụ thể, tôm sú loại 20 con/kg hiện được đại lý thu mua với giá 220.000 đồng/kg, loại 30 con/kg giá 185.000 đồng/kg, loại 40 con/kg giá 155.000 đồng/kg; TTCT loại 20 con/kg có giá 180.000 đồng/kg, loại 30 con/kg có giá 160.000 đồng/kg; loại 40 có giá 140.000 đồng/kg.

Trên thị trường Bạc Liêu, đại diện một doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm cho biết đơn vị này vừa thu mua tôm sú với giá 184.000 đồng/kg (loại 30 con/kg),  loại 40 con/kg có giá 153.000 đồng/kg, loại 20 con/kg giá 228.000 đồng/kg. Còn với TTCT, loại 90 con/kg giá 84.000 đồng/kg, 70 con/kg giá 90.000 đồng/kg, 40 con/kg giá 118.000 đồng/kg.

Còn ở Sóc Trăng, giá tôm đã cao hơn trước thời điểm cuối tháng 10 từ 6.000 – 7.000 đồng/kg. Tương tự, tại tỉnh Cà Mau giá tôm các loại cũng đã ở mức có lãi cho người nuôi.

So với thời điểm trước khi bùng phát dịch, giá tôm hiện nay vẫn khá thấp, nhưng đã là tín hiệu vui cho người nuôi vốn đối mặt với nhiều khó khăn trong thời gian qua. Hơn nữa, thông thường thời điểm cuối năm giá tôm nguyên liệu luôn đạt mức cao hơn so với những tháng khác.

Ở phía Bắc, anh Nguyễn Tiến Quyết – một người chuyên thu mua tôm với số lượng lớn ở Hà Tĩnh cũng nhận định: “Khoảng một tháng tới, giá tôm sẽ tiếp tục tăng do thị trường lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa… mở cửa. Sau một thời gian dài bị phong tỏa, mọi công chuyện đại sự của người dân bị đình trệ nên nay sẽ tổ chức khá ồ ạt, khiến nhu cầu mặt hàng này tăng cao. Trong khi đó tôm vụ đông ở các tỉnh Bắc Trung bộ và Đông Bắc bộ khó nuôi, chậm lớn nên nguồn càng khan hiếm”.

Theo kinh nghiệm nhiều năm trong nghề và tình hình nuôi tôm ở Hà Tĩnh cũng như các tỉnh lân cận, anh Quyết cho rằng giá tôm năm nay có thể đạt đỉnh như cách đây 4 năm. Lúc đó, mức giá bán sỉ khoảng 300.000 đồng/kg đối với loại 40 con/kg, khoảng 240.000 đồng/kg loại 50 con/kg, còn các loại tôm thương phẩm cỡ nhỏ hơn cũng có thể có giá cao gấp đôi so với đợt tháng 8 Âm lịch.

Niềm vui đến muộn

Sau nhiều tháng giảm giá sâu vì ảnh hưởng dịch COVID-19, những ngày qua giá tôm tại một số tỉnh ĐBSCL đã tăng trở lại. Đây là tín hiệu vui giúp người dân giảm bớt khó khăn sau thời gian dài thua lỗ nặng. Thế nhưng, đáng buồn là không phải người nuôi nào cũng được hưởng và đón đợi giá cao hơn nữa vì nguồn cung tại hầu hết các tỉnh không còn nhiều do đang là thời điểm cuối vụ thu hoạch tôm nuôi.

Tỉnh Sóc Trăng, trước đó người nuôi đã thu hoạch phần lớn diện tích nên hiện chỉ còn 11.790 ha tôm, trong đó diện tích TTCT 8.390 ha, tôm sú hơn 3.399 ha.

Còn ở Trà Vinh, theo ông Trần Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thì tính đến ngày 10/11, tổng sản lượng tôm sú, TTCT được nuôi của tỉnh đã thu hoạch gần 65.000 tấn, đạt gần 85% kế hoạch năm; trong đó, sản lượng TTCT hơn 53.000 tấn, tôm sú 11.715 tấn. Dự kiến, đến cuối tháng 11/2021, nông dân sẽ thu hoạch dứt điểm diện tích toàn bộ diện tích hơn 25.000 ha để tập trung cho công việc chuẩn bị mùa vụ nuôi tôm năm 2022.

Hơn nữa, theo ông Lâm Văn Việt trú tại ấp 2, xã Phước Vĩnh Tây, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An thì vụ rồi do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và chi phí đầu vào cao do giá thức ăn tăng liên tục nên đa phần người nuôi tôm thua lỗ, người nào nuôi năng suất tốt cũng chỉ hòa vốn.

Còn theo chia sẻ của một người nuôi tại Sóc Trăng, thì dù giá tôm những ngày qua đã tăng một vài nghìn đồng mỗi kg nhưng vẫn chưa thể đảm bảo lợi nhuận cho người nuôi tôm yên tâm. Chưa kể, người nuôi cũng sẽ rất khó tìm thương lái nếu sản lượng ít hoặc thuộc vùng đỏ…

Và mặc dù chưa thể mang đến niềm vui trọn vẹn nhưng việc giá tôm nguyên liệu phục hồi đã phần nào giải tỏa áp lực rủi ro đối với các hộ nuôi sau thời gian dài “giảm thê thảm”.

Nông dân dè dặt vụ mới

Huyện Đông Hải là địa phương có diện tích nuôi tôm lớn nhất tỉnh Bạc Liêu với hơn 39.000 ha. Vừa qua, giá tôm nguyên liệu tăng đã mang đến tâm trạng phấn khởi cho người nuôi, bởi trong thời gian dài, rất nhiều hộ phải treo ao vì thua lỗ. Hiện tại, 100% diện tích nuôi tôm của huyện đã được thả giống, trong đó gần 1.000 ha nuôi tôm theo mô hình siêu thâm canh.

Tuy nhiên, không phải ở vùng nào và người nuôi nào cũng mạnh dạn như thế. Ở tỉnh Long An, sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, tại các huyện phía Nam của tỉnh người nuôi đã vệ sinh ao, đầm, chuẩn bị thả nuôi vụ tôm mới. Tuy nhiên, do chi phí sản xuất tăng nên nhiều hộ vẫn đang cân nhắc, chưa vội thả giống.

Ông Lâm Văn Việt cho biết, giá tôm giống, thức ăn cho tôm đang tăng, trung bình mỗi bao thức ăn tăng gần 40.000 đồng. Theo ước tính, chi phí sản xuất vụ này tăng khoảng 10 – 15% so với vụ trước, thế nên rất nhiều người nuôi chỉ thả cầm chừng.

Còn ông Nguyễn Văn Rỡ (xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An), chia sẻ: “Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên hầu hết người nuôi tôm vụ rồi đều thua lỗ. Cùng với đó, chi phí đầu vào đang ở mức cao nên nhiều người dân vẫn thận trọng, chưa thả nuôi vụ mới”. Còn gia đình ông Nguyễn Văn Thanh (ấp Đông Trung, xã Tân Chánh, huyện Cần Đước) thì  đã vệ sinh các ao đầm nhưng chưa vội thả nuôi vụ mới, chờ tình hình dịch bệnh ổn định mới tính tiếp.

>> Theo đánh giá, việc các địa phương ĐBSCL quyết định mở cửa trở lại, chấm dứt cảnh nơi thuận, nơi cấm lưu thông do áp dụng các biện pháp phòng dịch khác nhau trong những tuần đầu tháng 10 đã giúp khơi thông dòng hàng hóa nông, thủy hải sản vốn đã bị tắc nghẽn nhiều tháng qua vì dịch COVID-19.

Phan Thảo

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!