Giải pháp nuôi tôm không EHP

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Bệnh vi bào tử trùng ở tôm nuôi nước lợ là bệnh do ký sinh trùng Microsporidian gây ra. Microsporidian là ký sinh trùng nội bào bắt buộc ở tế bào nhân thực của vật chủ.

Lịch sử bệnh EHP trong tôm nuôi

Bệnh vi bào tử trùng ở tôm nuôi nước lợ là bệnh do ký sinh trùng Microsporidian gây ra. Microsporidian là ký sinh trùng nội bào bắt buộc ở tế bào nhân thực của vật chủ. Chúng tăng sinh phát triển bằng cách nhân sinh hình thành các bào tử trong tế bào chất của tế bào vật chủ. Hiện nay, các nghiên cứu đã chỉ ra phổ biến có 4 loại vi bào tử trùng gây bệnh cho tôm nuôi nước lợ bao gồm: Agmasoma, Ameson, Pleitophora, Thelohania và Entorocytozoon hepatopenaei. Bệnh EHP được phát hiện lần đầu tiên trên tôm sú tại Malaysia với biểu hiện bệnh năm 1989 (Anderson và ctv., 1989). Sau đó, bệnh EHP lần lượt được báo cáo ở Australia (Hudson và ctv., 2001), Thái Lan (Chayaburakul và ctv., 2004), Việt Nam (Hà và ctv., 2010), Trung Quốc (Joshi và ctv., 2014); Indonesia (Rajendran và ctv., 2016) và Ấn Độ (Rajendran và ctv., 2016). Từ năm 2020 – 2021, EHP được cho là gây hậu quả lớn đối với nghề nuôi tôm ở Việt Nam, đặc biệt là hệ thống nuôi thâm canh với mật độ thả cao.

Mức độ ảnh hưởng của EHP đến tôm nuôi nước lợ là lớn và nghiệm trọng hơn so với các loài vi bào tử khác, bởi một số đặc điểm như: vi bào tử trùng EHP ký sinh nội bào và sử dụng dinh dưỡng, năng lượng dự trữ trong gan tụy khiến cho tôm nuôi không đủ dinh dưỡng cho sự tăng trưởng và lột xác. Khi tôm càng ăn nhiều thức ăn trong quá trình nuôi thì lượng phân thải ra cũng càng nhiều, trong khi đó bệnh EHP là một bệnh lây qua đường phân – miệng điển hình, không cần ký chủ trung gian. Trong điều kiện gây nhiễm, thí nghiệm được thiết kế với tôm chân trắng bị nhiễm bệnh EHP có cỡ 10 – 15 g, chúng được đưa vào lồng nhỏ rồi đặt trong bể nuôi tôm chân trắng khỏe tôm cỡ 2 – 4 g (âm tính EHP). Kết quả cho thấy sau 7 ngày tôm khỏe sống trong cùng môi trường nước nuôi với tôm bị nhiễm bệnh cũng đã bị nhiễm bệnh EHP (Salachan và ctv., 2017). Thí nghiệm cũng được bố trí ngược lại, tôm khỏe trong lồng nhỏ, tôm bệnh ở ngoài và kết quả thu được cũng tương tự, kết quả nghiên cứu đã khẳng định nước nuôi và phân tôm đã có chứa mầm bệnh EHP bằng phương pháp chẩn đoán là sinh học phân tử (Salachan và ctv., 2017). Chính vì lý do đó mà khi tôm ăn càng nhiều thì mầm bệnh trong phân thải ra môi trường ngày càng nhiều và sẽ gây nhiễm cho các con tôm trong ao cũng như làm cho mật độ vi bào tử nhiễm trong gan tụy ngày càng nhiều, đến ngưỡng tôm không còn dinh dưỡng để phát triển mà thay vào đó chỉ đủ cho EHP sinh trưởng. Tôm nuôi có thể bị nhiễm bệnh EHP ở tất cả các giai đoạn phát triển, từ tôm post đến tôm trưởng thành và tôm bố mẹ. So sánh tôm trong trang trại và tôm ở ngoài mô hình nuôi thương phẩm cho thấy, tỷ lệ tôm nhiễm EHP trong trại giống (10%) thấp hơn so với tỷ lệ tôm nhiễm EHP ở ao nuôi (60%) (Prathisha và ctv., 2019). Qua đây cho thấy, ở mô hình nuôi ao tôm nhiễm EHP theo phương thức lây truyền ngang với tỷ lệ cao và khó kiểm soát, trong khi đó trại sản xuất lây nhiễm theo chiều dọc đã được kiểm soát tương đối tốt song chưa triệt để.

Ngoài việc gây thiệt hại kinh tế lớn cho nghề nuôi tôm thì điều đáng lo ngại đối với bệnh EHP là biện pháp phòng bệnh hiệu quả và khó khống chế bệnh do tác nhân gây bệnh lây truyền theo cả chiều ngang lẫn chiều dọc. Lây truyền theo chiều dọc từ tôm bố mẹ sang ấu trùng tôm con (Nauplius) được ghi nhận qua nghiên cứu của nhóm tác giả Vũ Khắc Hùng và ctv. (2018). Lây truyền theo chiều ngang được xác nhận thông qua môi trường nước nuôi có nhiễm EHP (Salachan và ctv., 2017), sinh vật khỏe ăn sinh vật nhiễm bệnh hay sự tiếp xúc trực tiếp của sinh vật mang bệnh và sinh vật không mang bệnh (Otta và ctv., 2016; Giridharan và Uma., 2017; Prathisha và ctv., 2019). Chính bởi hình thức lan truyền phức tạp này mà bệnh EHP được dự báo sẽ trở thành vấn đề thách thức lớn mang tính chất cả chiều sâu và chiều rộng đối với ngành công nghiệp nuôi tôm nước lợ (Raveendra và ctv., 2018) bên cạnh các bệnh WSSV và AHPND.

Chẩn đoán bệnh

Biểu hiện bệnh lý của EHP không rõ ràng trong giai đoạn đầu thả nuôi, tuy nhiên bệnh biểu hiện rõ tỷ lệ thuận theo thời gian nuôi thông qua tốc độ tăng trưởng chậm hơn rất nhiều so với bình thường. Tôm nhiễm các vi bào tử phần lớn có dấu hiệu chậm lớn, xuất hiện màu trắng đục ở cơ tôm hoặc biến đổi sang trắng sữa có liên quan đến hệ thống cơ tôm. Chính vì vậy bệnh vi bào tử dạng này thường được gọi là bệnh tôm bông (cotton shrimp) hoặc là tôm sữa (milk shrimp) (Flegel và ctv., 1992).

Dịch tễ

Bệnh do EHP có tốc độ lây lan nhanh theo đường truyền dọc và truyền ngang, cụ thể: (i) Tôm mẹ truyền qua cho tôm con trong quá trình sinh sản, EHP tồn tại trong trứng của tôm mẹ và nở ra tôm con bị nhiễm bệnh; (ii) Tôm bị bệnh do môi trường có mầm bệnh hoặc do ăn thức ăn tươi sống có mầm bệnh. EHP trong môi trường nuôi bám vào vỏ tôm trong quá trình lột xác để xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh; tôm ăn thức ăn tươi sống hoặc sinh vật trong ao nuôi bị nhiễm EHP như: các loài giun đất, giun nhiều tơ (dời), động vật hai mảnh vỏ (ngao, sò, hàu…) và Artemia.

Theo Cục Thú y (2023), EHP có thể lây nhiễm trong ao nuôi từ nhiều nguồn khác nhau (i) môi trường nước bị ô nhiễm do đã có sẵn mầm bệnh trong ao nuôi; (ii) mầm bệnh có sẵn trong nguồn thức ăn tự nhiên như mực, hầu và con dời; (iii) nguồn tôm giống bị nhiễm mầm bệnh (trong tôm giống và nước). Tôm nhiễm bệnh vi bào tử trùng sẽ có kích cỡ không đồng đều, tăng trưởng chậm, chỉ đạt từ 10 – 40% so với tôm ở các ao không nhiễm bệnh. Kèm theo đó là một số biểu hiện như tôm mềm vỏ, chết rải rác, giảm ăn và rỗng ruột. Màu sắc tôm sẽ có thể chuyển sang trắng đục hay màu sữa.

Kết quả nghiên cứu của Grobest

Thí nghiệm đánh giá hai sản phẩm thức ăn chức năng phòng bệnh EHP do Grobest nghiên cứu và phát triển, được tiến hành tại trung tâm thực nghiệm Biotec, Thái Lan. Thí nghiệm được chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 tôm từ 2 – 3 g được cho ăn thức ăn chức năng trong 28 ngày. Mẫu thu đại điện để kiểm tra các chỉ tiêu tăng trưởng (WG, SGR, FCR, SR), mô học (sức khỏe gan tụy, chiều dài nhu mao ruột) và hệ miễn dịch (tổng tế bào miễn dịch, khả năng hoạt hóa và tổng số tế bào vi khuẩn). Giai đoạn 2, tôm được gây bệnh EHP bằng phương pháp lây nhiễm “chung sống” (cohabitation challenge) trong 14 ngày. Sau giai đoạn 1, hai loại thức ăn chức năng thử nghiệm phòng bệnh EHP đều cho kết quả không khác đối chứng (Bảng 1).

Bảng 1: Kết quả tăng trưởng thí nghiệm giai đoạn 1

Khả năng hoạt hóa hệ miễn dịch thông qua chỉ tiêu số lượng tế bào miễn dịch. Thức ăn chức năng FF2 có số lượng tế bào miễn dịch tăng khác biệt có ý nghĩa so với đối chứng (Hình 1).

Hình 1. Số lượng tế bào miễn dịch giữa các nghiệm thức trong giai đoạn 1

Hình 2. Số lượng tăng sinh EHP tại các nghiệm thức sau khi gây bệnh

Ở giai đoạn 2, sau khi gây bệnh EHP, số lượng nhân bản của EHP ở tôm cho ăn thức ăn phòng bệnh EHP thấp rõ rệt so với đối chứng (Hình 3).

Hình 3: Đánh giá sức khỏe gan tụy và đường ruột trong 2 tuần thử nghiệm

Điều này cho thấy, hiệu quả của thức ăn chức năng phòng bệnh EHP giúp tăng cường hệ miễn dịch tự nhiên nhưng không làm ảnh hưởng tăng trưởng của tôm trong giai đoạn phát triển bình thường. Khi môi trường bất lợi, hiệu quả của thức ăn chức năng thử nghiệm sẽ tác động đáng kể đến việc giảm thiểu hàm lượng EHP tăng sinh ở tôm.

Thử nghiệm hai loại thức ăn chức năng phòng bệnh EHP, gồm FF1 và FF2 là cơ sở tiền đề để tạo nên dòng thức ăn thương mại phòng bệnh EHP của Grobest Việt Nam: SuperShied-EHP hiện đang tạo được tiếng vang trên thị trường trong việc hỗ trợ người dân vượt qua dịch bệnh EHP.

Kết quả thử nghiệm của Grobest

Từ tháng 12/2022, Grobest đã tiến hành thử nghiệm và đánh giá hiệu quả của sản phẩm Super Shield EHP, phòng bệnh EHP, trên 17 ao nuôi của 13 trang trại nuôi tôm trên cả nước.

Các ao thử nghiệm là những ao có lịch sử từng bị nhiễm EHP nặng của vụ trước đã được cải tạo, xử lý để thả nuôi hoặc là những ao tôm đang nằm trong vùng nuôi có dịch EHP xảy ra. Sức khỏe tôm được đánh giá thông qua cấu trúc và tỷ lệ giọt dầu trong ống gan – tụy, bên cạnh đó đánh giá sức khỏe đường ruột thông qua hình dạng tế bào sắc tố là 2 tiêu chí được sử dụng để đo lường tình trạng sức khỏe tôm nuôi. Ngoài ra, việc xác định tôm bị nhiễm bệnh EHP được sử dụng kỹ thuật PCR kiểm tra định kỳ trước, trong quá trình thử nghiệm.

Các ao thử nghiệm trong độ tuổi 15 – 40 ngày tuổi, là giai đoạn nhạy cảm, tôm rất dễ bị cảm nhiễm mầm bệnh và gây thiệt hại nặng nề nhất. Có thể người nuôi sẽ mất trắng nếu tôm bị bệnh giai đoạn này, không chỉ EHP mà cả các bệnh nguy hiểm khác như đốm trắng (WSSV), hoại tử gan tụy cấp (ESM/AHPND), bệnh đường ruột, phân trắng (WFS).

Kết quả thử nghiệm cho thấy:

Về gan tụy tôm: Sau 1 tuần sử dụng thức ăn chức năng Super Shield EHP, sức khỏe gan tụy tôm đã có sự khác biệt đáng kể, 8/15 ao có gan tụy đạt mức G7-G10 (tăng thêm 60% so với trước sử dụng). Kiểm tra EHP bằng PCR không phát hiện tôm nhiễm bệnh EHP ở tất cả các ao thử nghiệm; sau 2 tuần sử dụng Super Shield EHP, 11/15 ao nuôi có gan tụy đạt mức G7-G10 tăng gấp đôi (120%) so với trước khi sử dụng và 5/15 ao có gan tuy đạt mức cao nhất (G10). Kiểm tra mầm bênh EHP bằng PCR và PCR Realtime đều cho kết quả âm tính ở các ao thử nghiệm.

Về đường ruột tôm: Đường ruột tôm có sự cải thiện đáng kể trong 2 tuần thử nghiệm. Trước thử nghiệm các ao ở mức trung bình với 8 ao ở mức 2 và 9 ao đạt mức 3 nhưng sau 1 tuần sử dụng đã có 14/17 ao đường ruột tôm nuôi đạt mức 3 và chỉ còn 3 ao đường ruột ở thang điểm 2. Sau 2 tuần sử dụng Super Shield EHP đường ruột tôm nuôi đã có 2 ao đạt mức 4 (mức cao nhất) với các tế bào sắc tố gom gọn và phân bố đều.

Hình 4: Một số hình ảnh gan tụy (2 hàng trên) và đường ruột tôm (2 hàng dưới) trước và sau khi sử dụng Super Shield EHP của Grobest

Ngay cả khi được chuyển đổi lại thức ăn hàng ngày sức khỏe gan tụy tôm vẫn có khả năng duy trì sức khỏe gan tụy ở mức tốt nhất giúp tôm chống chịu với biến động của môi trường và mầm bệnh bên ngoài. Từ đó, cho thấy Super Shield EHP đóng vai trò hỗ trợ rất tốt cho khả năng phục hồi hồi cấu trúc và tỷ lệ giọt dầu trong gan – tụy tôm nuôi, đường ruột tôm cũng cải thiện đáng kể với 65% số ao thử nghiệm có đường ruột ở mức 3 – 4.

Hình 5: Hình ảnh tôm trước và sau khi sử dụng Super Shield EHP

Kết quả thu hoạch 4 ao cho thấy: Size tôm thu hoạch đạt 39 – 60 con/kg, tốc độ tăng trưởng trung bình ngày (ADG) đạt 0.20 – 0.31, tỷ suất lợi nhuận đạt trên 30%.

Kết luận

Super Shield EHP có vai trò quan trọng trong việc phục hồi sức khỏe gan tôm sau 2 tuần sử dụng, đường ruột tôm ổn định trong quá trình thử nghiệm với mức 2 -3 và đạt kết quả thu hoạch với lợi nhuận trên 30%.

Không phát hiện ao bị nhiễm EHP trong quá trình thử nghiệm (17 ao), mặc dù các ao tham gia thử nghiệm có lịch sử từng bị EHP của vụ trước hoặc nằm trong vùng bị nhiễm EHP.

TS Lê Văn Khoa1, TS Trần Ngọc Thiên Kim2

1. Giám đốc kỹ thuật toàn quốc, 2. Giám đốc công thức

Công ty TNHH Grobest Industrials Việt Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!