T2, 06/07/2020 10:09

Hậu Giang: “Ăn theo” mùa lũ

Chưa có đánh giá về bài viết

Dù mùa nước nổi ở Hậu Giang không lớn như ở An Giang, Đồng Tháp, nhưng người dân nơi đây vẫn biết tận dụng nguồn lợi từ tự nhiên mang lại để kiếm thu nhập, nhất là thủy sản.

Trên những cánh đồng, màu xanh của lúa đã mất dần “ưu thế” thay cho màu trắng đục của nước lũ. Một bộ phận người dân vẫn sống với đồng ruộng, nhưng không phải làm lúa mà là những “nghề tay trái” để kiếm thêm thu nhập. Dọc theo đường nối Vị Thanh – Cần Thơ, không khí tất bật mưu sinh vào mùa nước nổi của người dân bằng những cách thức khác nhau, nhưng đều mang lại cho bà con khoản thu nhập khá. Nhưng có lẽ, nghề giăng lưới là thịnh hành nhất vào mùa nước nổi. Chỉ với một chiếc xuồng ba lá và vài tay lưới, người nông dân có thể đánh bắt được nhiều loại thủy sản từ tự nhiên. Ông Hồ Văn Thảo, ở ấp 13, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy cũng “ăn theo” mùa nước nổi năm nay bằng nghề này. Thời gian trước, ông Thảo và vợ phải làm thuê cho những người làm lúa xung quanh để kiếm sống vì gia đình không có đất canh tác. Khi mùa nước nổi tràn về, diện tích lúa ở địa phương đã được thu hoạch gần hết, ông tận dụng khoản thời gian rảnh rỗi này để giăng lưới kiếm sống qua ngày.

Đẩy côn, một hình thức đánh bắt thủy sản được nhiều người sử dụng vào mùa nước nổi.

Mùa nước nổi năm nay, ông đã đầu tư hơn 1 triệu đồng để mua hơn chục tay lưới và những thứ cần thiết để “hành nghề”. Ông Thảo cho biết: “Buổi chiều thì thả lưới, tối và sáng hôm sau thì đi thăm. Mỗi ngày, kiếm được 5-6kg với đủ loại cá như: rô, lóc, thát lát… Cá lớn thì bán cho bạn hàng, còn cá nhỏ thì làm mắm, mỗi ngày cũng được trên trăm ngàn đồng”. Bà Hồ Thị Cây, vợ ông Thảo đang bơi xuồng cho ông thăm lưới cho biết thêm: “Công việc này tuy phải thức khuya, nhưng với số tiền kiếm được thì gia đình tôi phấn khởi lắm. Giăng lưới xong, chúng tôi còn đi bắt ốc bươu vàng bán cũng được thêm vài chục ngàn đồng, đủ lo chi phí cho sinh hoạt hàng ngày”.

Ngoài giăng lưới, nghề đẩy côn cũng được nhiều hộ dân lựa chọn. Vốn đầu tư cho một giàn côn khoảng 1 triệu đồng, nhưng thu nhập có được rất đáng kể. Nếu giăng lưới, người dân có thể bắt được nhiều loại thủy sản khác nhau, thì “chiến lợi phẩm” của nghề đẩy côn chủ yếu là cá lóc. Anh Nguyễn Anh Hiền, ở ấp 13, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy là một trong nhiều hộ dân đang sống “khỏe” với nghề đẩy côn. Anh Hiền đẩy côn từ sáng đến chiều trên những cánh đồng ngập nước, cũng kiếm được vài ký cá lóc, cho thu nhập gần 200.000 đồng/ngày. Anh Hiền chia sẻ: “Khoản thời gian khác trong năm thì tôi đi theo máy cắt lúa cũng với thu nhập ngần ấy, nhưng vất vả hơn nhiều. Còn đẩy côn thì có thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn và không tốn quá nhiều sức lực. Vả lại, tốn 1 triệu đồng mua cái côn thì xài được trong vài ba mùa nước nổi tới”.

Đối với ông Lâm Văn Phích, ở khu vực 2, phường V, TP.Vị Thanh, cứ 2 giờ sáng, thì lại ra đồng để thăm 14 cái dớn mà ông đặt vào mùa nước nổi. Ông Phích cho biết: “Bữa nào thất thì cũng được 5kg cá. Bữa trúng thì có thể lên tới cả chục kg. Do cân cho bạn hàng với giá thấp, nên vợ tôi đem ra chợ Vị Thanh bán, cho thu nhập trung bình gần 200.000 đồng/ngày. Do đây chỉ mới vào đầu mùa nước nổi, thủy sản chưa nhiều. Khoảng cuối tháng 10 (âm lịch), khi mọi người bơm nước ra để xuống giống cho vụ Đông xuân thì lúc đó làm ăn sẽ được hơn”.

Còn với ông Ngô Thanh Hiểu, ở ấp 5, xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy thì nghề đẩy côn đã trở nên quá quen thuộc mỗi khi mùa nước nổi về. Vừa thu hoạch xong 14 công ruộng ở vụ Thu đông, ông liền bắt tay vào nghề đẩy côn kiếm cá. Cái côn được ông đầu tư trên 800.000 đồng vào mấy năm trước, đến nay vẫn còn hoạt động tốt. Ông Hiểu đẩy côn chủ yếu ở những cánh đồng dọc đường nối Vị Thanh – Cần Thơ và sẵn sàng bán cá cho khách đi đường khi có nhu cầu mua. Ông Hiểu chia sẻ: “Mỗi ngày bắt được khoảng 5-6kg cá lóc. Do cá bắt được từ tự nhiên nên người mua rất thích. Có ngày tôi bán hết cá bắt được cho người đi đường với giá 50.000 đồng/kg, còn cân cho bạn hàng chỉ được giá 40.000 đồng/kg. Có thể nói, mùa nước nổi đang mang lại cho người dân chúng tôi nguồn thu nhập khá cao”.

Mùa nước nổi hàng năm gây ra cho người dân không ít thiệt hại, nhưng đổi lại là nhiều nguồn lợi khác. Người dân Hậu Giang dần thích nghi với mùa nước nổi và luôn biết khai thác nguồn lợi mà mùa lũ mang lại…

Bích Châu

Báo Hậu Giang

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!