Ngày 16/6/2016, Sở NN&PTNT Bạc Liêu đã ban hành Công văn số 489/SNN-CCN khuyến cáo tập trung thả giống theo lịch thời vụ đối với mô hình thâm canh – bán thâm canh (TC-BTC) và QCCT chuyên tôm.
Theo ghi nhận, trên địa bàn toàn tỉnh hiện đều có mưa nhiều khiến nhiệt độ, độ mặn trên các tuyến kênh và trong ao nuôi giảm (độ mặn đo được trên các tuyến kênh 20 – 25‰, trong ao nuôi trung bình 25 – 30‰); cùng các yếu tố môi trường tương đối ổn định là điều kiện thuận lợi để thả giống vụ mới và diện tích đang có tôm nuôi phát triển.
Nhằm đảm bảo mùa vụ sản xuất hiệu quả, Sở NN&PTNT khuyến cáo người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh chuẩn bị tốt, đầy đủ các điều kiện tập trung thả giống trên diện tích TC – BTC và QCCT chuyên tôm:
Quản lý môi trường ao nuôi trước khi thả giống
– Cải tạo ao nuôi đúng quy trình kỹ thuật, áp dụng thực hiện biện pháp an toàn sinh học trước khi thả tôm, bằng cách sử dụng chế phẩm sinh học xử lý nước, để đảm bảo sức khỏe tôm sau khi thả nuôi và giữ môi trường ổn định.
– Đối với ao nuôi có độ mặn cao hơn 30‰, không thích hợp cho sự phát triển của tôm nuôi và dễ xảy ta dịch bệnh, cần chủ động bổ sung nguồn nước ngọt, cấp nước từ ao lắng hoặc thời tiết có mưa để có độ mặn phù hợp (dưới 30‰) trước khi thả giống.
– Nên duy trì pH ở mức thích hợp 7,5 – 8,5 và dao động giữa sáng và chiều không quá 0,5. Nếu pH thấp, có thể sử dụng vôi nông nghiệp CaCO3 (vôi canxi) liều lượng 10 – 20 kg/1.000 m2 nước ao tùy theo độ pH đo được. Ngoài ra, có thể sử dụng CaO (vôi đá) rải đều trên bờ ao để hạn chế phèn trên bờ ao chảy xuống ao khi mưa giảm pH và đục nước.
Kiểm tra môi trường ao nuôi trước khi thả giống – Ảnh: TT
Chọn và thả giống nuôi
– Lựa chọn giống tôm có nguồn gốc rõ ràng, được xét nghiệm âm tính các loại bệnh: còi, đốm trắng, đầu vàng, EMS… đối với tôm sú và thêm bệnh Taura đối với tôm thẻ chân trắng; thực hiện ương gièo giống trước khi thả nuôi thương phẩm; chỉ thả giống khi nhiệt độ nước dưới 300C (thả giống vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát); thả nuôi với mật độ hợp lý (tôm thẻ chân trắng < 70 con/m2, cỡ giống PL12; tôm sú < 20 con con/m2, cỡ giống PL15).
– Thuần độ mặn trước khi thả giống, đảm bảo độ mặn ở trại giống và độ mặn ở ao nuôi không dao động quá 5‰. Cơ sở nuôi chủ động lấy mẫu tôm chuẩn bị thả thuần lại bằng nước ao nuôi trong thời gian 12 giờ, nếu thấy tôm chết hơn 10% thì nên chọn giống khác để thả.
Chăm sóc và quản lý sức khỏe tôm nuôi
– Thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết để chủ động điều chỉnh và duy trì các yếu tố môi trường trong khoảng thích hợp; duy trì mực nước ao nuôi tối thiểu 1,3 – 1,5 m, nếu cần cấp bổ sung nước thì phải lấy từ ao lắng, xử lý nước trước khi cấp vào ao nuôi. Đồng thời, chạy quạt nước để tránh hiện tượng phân tầng nhiệt độ, tăng ôxy và giảm thiếu ôxy cục bộ.
– Cung cấp lượng thức ăn hợp lý theo kích cỡ và mật độ, giảm 15 – 30% lượng thức ăn trong những ngày có mưa nhiều; định kỳ 2 lần/tháng bổ sung Vitamin C, các khoáng vi lượng, men tiêu hóa trộn vào thức ăn cho tôm, thời gian mỗi đợt 5 – 7 ngày để tăng sức đề kháng, giúp tôm lột xác đồng thời và nhanh cứng vỏ. Từ 10 – 15 ngày/lần sử dụng các loại chế phẩm để xử lý nước và đáy ao nuôi, lượng dùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
– Thường xuyên kiểm tra hoạt động, hình dáng bên ngoài, màu sắc, phản xạ, kiểm tra đường ruột của tôm, tình trạng bắt mồi của tôm… Định kỳ 1 – 2 lần/tháng thu mẫu tôm, mẫu nước để kiểm tra ở những cơ sở xét nghiệm được cấp giấy phép để phát hiện và xử lý kịp thời.
– Khi chủ cơ sở nuôi phát hiện tôm mắc bệnh, chết hoặc có dấu hiệu mắc bệnh, bất thường thì phải báo ngay cho nhân viên thú y xã và UBND xã, cơ quan chuyên ngành về thú y thủy sản để được hỗ trợ về kỹ thuật, giúp người nuôi tôm khôi phục sản xuất.
Ngoài ra, trong quá trình nuôi người dân không sử dụng kháng sinh, hóa chất, thuốc thủy sản không rõ nguồn gốc, không nằm trong danh mục cho phép của Bộ NN&PTNT; Thực hiện tốt việc ghi chép nhật ký để có thêm kinh nghiệm cho những vụ nuôi sau.