Khả quan xuất khẩu tôm sang Mỹ

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Mỹ tiếp tục được đánh giá là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 21% trong tổng xuất khẩu tôm của Việt Nam. Đây cũng là thị trường duy nhất trong số các thị trường nhập khẩu chính tôm của Việt Nam ghi nhận tăng trưởng dương trong 4 tháng liên tiếp.

Ấn tượng 4 tháng tăng trưởng dương 

Mỹ được coi là thị trường có xu hướng tích cực về nhập khẩu tôm từ Việt Nam khi tiếp tục tăng trưởng dương trong tháng 10 – đánh dấu tháng thứ 4 liên tiếp tăng trưởng dương. Cụ thể, theo dữ liệu của Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), tháng 10/2023, Mỹ nhập khẩu 76.369 tấn tôm, tăng 9% so cùng kỳ năm trước. 

Tháng 10/2023, Việt Nam vẫn là nguồn cung tôm lớn thứ 4 của Mỹ. Ảnh: CTV

Lũy kế 10 tháng đầu năm 2023, Mỹ nhập khẩu 651.907 tấn tôm, trị giá 5,4 tỷ USD, giảm 9% về khối lượng và 20% về giá trị so cùng kỳ năm trước (715.638 tấn và 6,7 tỷ USD). 

Hiện nay, sản lượng tôm ở Mỹ sản xuất chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu tiêu dùng, 90% còn lại phải nhập khẩu. Vì vậy, thị trường Mỹ được coi là một trong những thị trường còn rất nhiều dư địa để các doanh nghiệp ngành tôm có thể khai thác. Tuy nhiên, để có thể thuận lợi xuất khẩu tôm qua thị trường lớn này cần phải đạt đầy đủ các chất lượng tiêu chuẩn đề ra. 

Cơ hội và thách thức 

Nhận định về thị trường Mỹ trong tháng cuối năm, VASEP cho rằng thị trường Mỹ đã có dấu hiệu cải thiện nhu cầu tiêu dùng, tỷ lệ tồn kho sản phẩm của công ty tại các nhà phân phối, bán lẻ ở Mỹ đã giảm về mức trung bình, cùng với đó, chỉ số niềm tin người tiêu dùng tiếp tục được cải thiện. Những yếu tố này cùng với thời điểm mùa lễ hội cuối năm có thể kích thích các doanh nghiệp tại đây gia tăng tích trữ hàng tồn kho trở lại sẽ là cơ hội cho xuất khẩu thủy sản nói chung. 

Bên cạnh những chỉ dấu sáng mở ra cơ hội hồi phục cho xuất khẩu thủy sản sang Mỹ, hiện cũng có nhiều thách thức doanh nghiêp phải vượt qua. Trong đó, Mỹ áp dụng rất nhiều chính sách bảo hộ phi thuế quan. Hàng hóa của Việt Nam, trong đó có thủy sản chưa tiếp cận đến kênh khách hàng cuối cùng, chủ yếu phân phối qua trung gian hoặc hệ thống bán lẻ của nhóm châu Á. Vấn đề Logistics vận chuyển cũng khiến sức cạnh tranh của thủy sản Việt Nam bị giảm sút. 

Một thông tin không vui tại thị trường Mỹ, là mới đây Hiệp hội Chế biến tôm Mỹ (ASPA), một tổ chức đại diện cho quyền lợi của ngành khai thác tôm tự nhiên và chế biến tôm của Mỹ, đã nộp đơn đề nghị áp thuế chống bán phá giá đối với tôm đông lạnh nhập khẩu từ Ecuador và Indonesia, và thuế chống trợ cấp đối với tôm nhập khẩu từ Ecuador, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam. 

Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (USITC) gần đây đã quyết định duy trì thuế chống bán phá giá đối với tôm từ Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam trong đợt rà soát 5 năm vừa qua – một động thái được ASPA ủng hộ. Tuy nhiên, hiệp hội cho biết tôm nhập khẩu vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng nặng nề cho ngành tôm nội địa của Mỹ. 

VASEP khuyến cáo các doanh nghiệp nên tăng xuất khẩu các sản phẩm chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm bởi Mỹ có phổ phân khúc sản phẩm theo giá thành rất rộng do mức độ chênh lệch thu nhập trong các tầng lớp dân cư, nhu cầu tiêu dùng cả hàng cao cấp lẫn bình dân. Doanh nghiệp nên tăng cường cạnh tranh bằng chất lượng và hạn chế việc cạnh tranh bằng hàng giá rẻ. 

>> Theo VASEP, tháng 10/2023, Việt Nam vẫn là nguồn cung tôm thứ 4 của Mỹ, với 6.755 tấn thông quan, trị giá 71,3 triệu USD, tăng 30% về khối lượng và 17% về giá trị so cùng kỳ năm trước. Giá xuất khẩu trung bình đạt 10,57 USD/kg, giảm 10%. Lũy kế 10 tháng đầu năm 2023, Mỹ nhập khẩu 50.635 tấn tôm Việt Nam, trị giá 541,2 triệu USD, giảm 17% về khối lượng và 24% về giá trị so cùng kỳ năm trước. 

Ngọc Diệp

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!