T3, 05/09/2023 09:01

Khởi sắc giá tôm

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Do đang là cuối vụ chính, lượng tôm thu hoạch không còn nhiều, trong khi các nhà máy đều bước vào cao điểm chế biến để hoàn tất các đơn hàng đã ký kết, nên giá tôm thẻ chân trắng nguyên liệu ở hầu hết các kích cỡ đã tăng. Xu hướng tăng giá được dự báo sẽ còn duy trì đến hết năm 2023, thậm chí nhiều khả năng kéo dài đến tận quý I/2024.

Năm nay, thời tiết thất thường, dịch bệnh vẫn âm ỉ xuất hiện và gây hại, cộng thêm giá tôm giảm mạnh kéo dài, khiến nhiều hộ ngưng nuôi, làm cho sản lượng tôm vào cuối vụ chính ít hơn rất nhiều so cùng kỳ mọi năm. Tuy nhiên, có sự khác biệt so năm trước, vào thời điểm này, tôm thẻ chân trắng cỡ trung được ghi nhận có sự tăng mạnh hơn so cỡ lớn (20 – 30 con/kg). 

Giá tôm thẻ chân trắng có dấu hiệu khởi sắc. Ảnh: Anh Khoa

Nguyên nhân theo các chuyên gia là do đa phần doanh nghiệp ngành tôm Việt Nam đều tập trung chế biến sản phẩm giá trị gia tăng, nên phân khúc cỡ tôm này hiện đang được doanh nghiệp thu mua mạnh. Mặt khác, do giá tôm cỡ nhỏ và trung bình thời gian qua xuống dưới mức giá thành, nên người nuôi tập trung nuôi về cỡ lớn để có lợi nhuận cao hơn, gây khan hiếm nguồn cung tôm cỡ trung. 

Theo cập nhật của phóng viên Tạp chí Thủy sản Việt Nam, từ đầu tháng 8 đến nay, giá tôm thẻ chân trắng tại khu vực ĐBSCL được cải thiện khá nhiều so với 4 tháng trước đó. Giá tôm thẻ chân trắng loại 20 con/kg dù không tăng mạnh nhưng hiện cũng ở mức 175.000 – 185.000 đồng/kg, loại 30 con/kg giá 135.000 – 140.000 đồng/kg… Đặc biệt, tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg sau thời gian chạm đáy ở mức 60.000 – 65.000 đồng/kg nay đã tăng lên 80.000 – 85.000 đồng/kg. Với mức giá này, theo người nuôi, dù nuôi ao đất hay ao bạt, chỉ cần nuôi đạt tỷ lệ sống cao, tôm tăng trọng tốt là đã có lời 15.000 – 20.000 đồng/kg. Theo dự báo của của các doanh nghiệp, trong các tháng còn lại của năm 2023, giá tôm thẻ chân trắng nhiều khả năng chỉ có tăng, chứ khó có khả năng giảm, vì số diện tích ngưng nuôi hiện khá cao. Điều này dẫn tới hệ lụy về thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu cho chế biến. Tuy nhiên, do các doanh nghiệp tập trung nhiều vào sản phẩm chế biến sâu nên công suất chế biến chậm lại, nhu cầu nguyên liệu vì thế cũng không quá bức xúc. 

Tuy không quá khan hiếm về nguyên liệu nhưng hiện các doanh nghiệp vẫn phải mua vào mỗi ngày để bù vào lượng chế biến, nhằm cân đối nguồn hàng dự trữ, tránh thiếu hụt, khi thị trường phục hồi mạnh trở lại dịp cuối năm. Do đó, theo ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam, giá tôm sẽ còn tiếp tục tăng thêm nhất là tôm thẻ chân trắng cỡ trung (40 – 70 con/kg), do phần lớn các nhà máy chế biến của Việt Nam đều tập trung vào phân khúc thị trường giá trị gia tăng. 

Ông Đặng Ngọc Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Camimex Group cho rằng, giá tôm tăng là tất yếu, khi mà nhu cầu nhập khẩu tôm đang tăng để phục vụ thị trường dịp Noel, Tết Dương lịch hay các dịp lễ cuối năm. Mặt khác, các nhà máy hầu hết đều vừa tăng tốc chế biến, vừa cố gắng cân đối một lượng hàng tồn kho nhất định để sẵn sàng đón lấy cơ hội một khi thị trường phục hồi mạnh trở lại, nên vẫn phải đều đặn mua vào. Trong khi đó, lượng tôm tại các vùng nuôi lại không còn nhiều, nên khả năng giá tôm tiếp tục tăng thêm dịp cuối năm là hoàn toàn có thể xảy ra. 

Hiện nay, diện tích đang nuôi tôm không còn nhiều, nên nguồn cung tôm nguyên liệu khó đáp ứng nhu cầu chế biến một khi thị trường hồi phục mạnh. Tuy nhiên, ở một góc độ khác, một khi lượng nuôi không nhiều trong khi nhu cầu tăng cao sẽ giúp duy trì giá tôm ở mức cao, kích thích người nuôi có đủ điều kiện thả nuôi mạnh hơn, hạn chế tình trạng khan hiếm tôm dịp cuối năm và các tháng đầu năm sau. 

Xuân Trường

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!