T2, 06/07/2020 10:14

Kiên cường bám biển Hoàng Sa

Chưa có đánh giá về bài viết

Thông tin về việc chính quyền tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) ban hành đạo luật phi lý cho phép tàu cảnh sát biển kiểm tra, kiểm soát tàu cá hoạt động trên Biển Đông kể từ ngày 1/1/2013, ngư dân Đà Nẵng cho biết họ không hề nao núng, trái lại càng tỏ rõ quyết tâm bám biển Hoàng Sa.

Sau gần một tháng nghỉ ngơi mùa biển động, ông Đỗ Ngọc Minh Tâm ở phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, chủ tàu và là thuyền trưởng tàu ĐNa 90369 TS, hành nghề lưới vây, sẽ ra khơi chuyến tới vào cuối tháng 12 này. Gặp ông khi đang chuẩn bị nhiên liệu, lương thực-thực phẩm tại cảng cá Thọ Quang, chúng tôi hỏi: “Đã biết thông tin Trung Quốc sẽ kiểm tra, kiểm soát, thậm chí tịch thu ngư lưới cụ của  tàu cá hoạt động ở khu vực Hoàng Sa chưa?”, trầm ngâm giây lát, vị thuyền trưởng ngoài 40 tuổi, dáng người vạm vỡ, nước da như đồng hun này lên tiếng: “Báo, đài nói liên tục, ngư dân nào chả biết. Họ kiểm soát mặc họ, mình đánh bắt mặc mình. Vùng biển đó, bao đời nay tổ tiên, cha ông mình vẫn đánh bắt, không cớ gì nay họ kiểm tra, kiểm soát. Vừa qua Nhà nước ta cực lực phản đối hành động sai trái này và yêu cầu Trung Quốc không được gây khó dễ cho ngư dân ta cũng cảm thấy yên tâm. Chắc chắn cơ quan chức năng sẽ có phương án bảo vệ ngư dân”.

Ngư dân chuẩn bị đi đánh bắt hải sản tại ngư trường Hoàng Sa. 

Ngư dân chuẩn bị đi đánh bắt hải sản tại ngư trường Hoàng Sa.

 Đã ngoài 50 tuổi, hơn 30 năm bám biển, ông Lê Văn Tiến, ở tổ 3 phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, thuyền trưởng tàu ĐNa 90052, hành nghề lưới cản cho biết: Vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa là ngư trường truyền thống của ngư dân Đà Nẵng, đánh bắt ở đó quen rồi. Nay Trung Quốc ban hành đạo luật phi lý, cho phép tàu cảnh sát biển kiểm soát tàu cá, ai nấy đều phản đối. Mình cứ đánh bắt trên vùng biển của mình, không có gì phải sợ. Nghe nói Nhà nước cho tàu kiểm ngư hỗ trợ ngư dân, nên chẳng lo ngại gì. Hơn nữa, mình đánh bắt tại vùng biển chủ quyền của Việt Nam, họ không thể vô lý cản trở, gây khó dễ. Tuy vậy, chuyến tới ra vùng biển đó, chắc chắn phải liên kết 3-4 tổ đội hàng chục chiếc để hỗ trợ lẫn nhau.

Quyết tâm của 2 thuyền trưởng nêu trên cũng là ý chí chung của ngư dân Đà Nẵng. Ngư dân nào chúng tôi gặp, cũng tỏ thái độ không hề lo sợ hoặc né tránh vùng biển Hoàng Sa. Trái lại, ai nấy đều quyết tâm bám vùng biển này bởi theo họ, Hoàng Sa là ngư trường truyền thống bao đời nay, đánh bắt thuận lợi, năng suất cao, không thể không bám trụ. Đang đóng mới tàu công suất hơn 800 CV, dự kiến đầu năm 2013 hạ thủy, ông Lê Văn Ninh ở tổ 85 phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu không hề nao núng. “Đóng tàu công suất lớn với mục tiêu là vươn ra Hoàng Sa đánh bắt. Vùng biển đó thuộc chủ quyền Việt Nam, không lý gì họ ngăn cản, kiểm soát. Giữ chủ quyền không chỉ ngư dân mà còn có tàu công vụ. Chắc chắn đánh bắt sắp tới ở Hoàng Sa sẽ rất khó khăn, phức tạp, song quyết tâm bám trụ bằng được. Tàu hạ thủy, chuyến đầu tiên là nhằm hướng Hoàng Sa”, ông Ninh khẳng định.

 Từ trước đến nay, hầu hết tàu đánh bắt xa bờ và cả các tàu có công suất từ 60 – 90 CV của ngư dân Đà Nẵng đều bám biển Hoàng Sa với các nghề lưới cản, lưới vây, câu mực… Để bảo đảm sản xuất ổn định, chính quyền các cấp, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Sở NN&PTNT, Hội Nghề cá thành phố động viên ngư dân kiên cường bám biển Hoàng Sa. Ông Võ Đức Tín, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá thành phố, cho biết: Hội Nghề cá Trung ương đã kịch liệt phản đối đạo luật sai trái này của Trung Quốc. Hiện Tổng cục Thủy sản  đang xúc tiến việc thành lập Cục Kiểm ngư và lực lượng kiểm ngư. Dự kiến sẽ ra mắt vào cuối tháng 1-2013. Lực lượng kiểm ngư này sẽ là lá chắn cho ngư dân khi hoạt động trên biển. Tuy vậy theo ông Tín, ngư dân đánh bắt tại ngư trường Hoàng Sa nên đi theo đội hình tổ đội để hỗ trợ lẫn nhau khi tình huống xấu xảy ra, trong quá trình sản xuất chấp hành nghiêm các quy định về khai thác hải sản…

Nguyễn Cầu

Báo Đà Nẵng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!