T2, 06/07/2020 11:18

La Gi (Bình Thuận): Rập ốc hương đang thu hút ngư dân chuyển vùng đánh bắt

Chưa có đánh giá về bài viết

La Gi là 1 trong 3 địa phương có năng lực tàu thuyền đánh bắt, khai thác hải sản lớn nhất tỉnh Bình Thuận.Trong khi chính quyền thị xã đang tích cực thực hiện nhiều chính sách khuyến khích ngư dân đóng tàu công suất lớn để phục vụ việc đánh bắt xa bờ, thì thời gian gần đây nhiều tàu thuyền đánh bắt xa bờ lại có xu hướng chuyển về khai thác gần bờ.

Đến nay, thị xã La Gi có 1.915 chiếc tàu /296.825 CV. Mặc dù số lượng tàu thuyền giảm 40 chiếc so với năm 2013, nhưng công suất lại tăng 17.627 CV (bình quân tăng 12,2 CV/chiếc). Trong đó: tàu cá từ 20 CV trở lên chiếm 1.336 chiếc/288.582 CV (riêng trong năm 2014 đã đóng mới 10 chiếc/3.940 CV). Điều này cho thấy ngư dân của thị xã đã chú ý đến việc nâng cao năng lực tàu thuyền để hướng đến khai thác ở những vùng ngư trường xa. Nhờ vậy, sản lượng khai thác hải sản của năm 2014 ước đạt khoảng 60.975 tấn, đạt 102,4% so với kế hoạch và tăng 5,2% so cùng kỳ, góp phần đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu 70 triệu USD của thị xã. Tuy nhiên, thời gian qua không ít tàu thuyền trước đây vốn hoạt động ở các ngư trường xa lại có xu hướng chuyển về khai thác gần bờ. Nguyên nhân của tình trạng trên là do nghề rập ốc hương hiện đang khá hấp dẫn ngư dân thị xã.

Tàu thuyền neo đậu tại cảng La Gi

Một chủ ghe ở phường Phước Lộc cho biết, tàu của ông có công suất 360 CV, trước đây thường đánh bắt ở các ngư trường xa như vùng biển gần Côn Đảo, hay khu vực phía Tây – Nam (gần các nhà giàn DK1). Mỗi chuyến đi kéo dài khoảng 1 tháng hoặc hơn. Nhưng vài tháng trở lại đây ông đã chuyển hẳn về khai thác gần bờ với nghề rập ốc hương. Khai thác ốc hương chỉ cách bờ khoảng 20 hải lý trở lại, mỗi chuyến đi kéo dài từ 3 đến 5 ngày với sản lượng khai thác khoảng vài chục kg ốc, nếu trúng có khi nên đến hàng tạ. Giá bán cho thương lái dao động từ 400 đến 500 ngàn đồng/kg. Xét về hiệu quả kinh tế không thua kém so với những chuyến đi đánh bắt xa bờ trước đây nhưng chi phí thấp hơn, trong khi nguồn lợi của các loại thủy sản khác đang cạn kiệt dần, mà rủi ro ít hơn hẳn.

Một cán bộ Phòng Kinh tế thị xã La Gi cho biết, toàn thị xã hiện có khoảng 15 chiếc tàu thuyền làm nghề này (tuy nhiên trên thực tế con số này có thể cao hơn nhiều, vì nhiều lý do mà ngư dân không khai báo). Rập ốc hương trước đây chủ yếu do ngư dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu làm nhiều và mới chỉ phát triển mạnh tại La Gi vài năm trở lại đây. Nghề này chủ yếu được khai thác vào mùa nam, còn mùa bấc ít hiệu quả hơn. Tuy nhiên cũng như các loại hải sản khác, việc khai thác quá mức cũng đang làm cho ốc hương tự nhiên trên vùng biển này cạn kiệt dần.

 Được biết, để khuyến khích ngư dân tiếp tục đánh bắt xa bờ trong thời gian tới, thị xã La Gi đã đề ra nhiệm vụ: Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản và các chính sách khác đẩy mạnh khai thác hải sản xa bờ và phát triển nhanh dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển. Tiếp tục phát triển chương trình đánh bắt xa bờ có tổ chức gắn với dịch vụ sơ chế bảo quản trên tàu đi đôi với việc củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ đoàn kết trên biển, nghiệp đoàn nghề cá. Từ đó vừa giúp ngư dân nâng cao hiệu quả kinh tế trong mỗi chuyến ra khơi vừa để khẳng định chủ quyền biển đảo của đất nước. 

Trần Đình

Báo Bình Thuận

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!