Làm giàu nhờ cá bổi

Chưa có đánh giá về bài viết

Con tôm, một trong những đối tượng nuôi chủ lực tại Cà Mau những năm vừa qua lại gặp nhiều khó khăn từ thị trường, dịch bệnh. Không cam chịu thất bại, nhiều hộ dân huyện Cái Nước đã tìm thấy thành công từ cá bổi. Anh Hồ Văn Cay (ấp Hòa Trung, xã Lương Thế Trân) là một điển hình như thế.

Sáng tạo trong sản xuất

Cái Nước là một trong những huyện có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn của tỉnh Cà Mau, được biết đến với khu công nghiệp Hòa Trung (ấp Hòa Trung, xã Lương Thế Trân) – chuyên ngành chế biến thủy sản với hàng chục nhà máy chế biến thủy sản công suất lớn. Tận dụng lợi thế diện tích đất lớn, từ khi chuyển đổi sản xuất đến nay, huyện tập trung quy hoạch, xây dựng khép kín các tiểu vùng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho vùng chuyên canh nuôi tôm, phát triển loài thủy sản kết hợp, đặc biệt là mô hình nuôi tôm trên đất trồng lúa với sản lượng thủy sản tăng bình quân 8,17%/năm. Phấn đấu đến 2015, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 33.000 tấn/năm. Để đạt chỉ tiêu trên, Cái Nước tập trung quy hoạch sản xuất hiệu quả vụ lúa trên đất nuôi tôm đến năm 2015 đạt trên 7.000 ha, nuôi tôm công nghiệp 850 ha, tôm quảng canh cải tiến năng suất cao 2.500 ha…

Tuy nhiên, thời gian gần đây nuôi tôm khá bấp bênh, người nuôi gặp nhiều khó khăn về vốn, thị trường tiêu thụ và giá sản phẩm. Nhiều hộ nuôi đã không còn mặn mà với tôm, (vốn là thế mạnh tại địa phương) và tìm được hướng đi mới, khi phát triển diện tích nuôi cá đồng cho năng suất, hiệu quả cao, với các đối tượng chủ yếu như cá bổi, cá trắm, cá rô phi… Tại ấp Hòa Chung, anh Hồ Văn Cay nuôi cá bổi thu lãi tới 400 triệu đồng/vụ.

Mô hình nuôi cá bổi của anh Cay – Ảnh: Nguyên Chi

 

Con cá “báo ơn”

Anh Cay kể, trước đây anh cũng nuôi tôm nhưng không hiệu quả. Sau đó, anh đã mạnh dạn đầu tư nuôi cá bổi trên diện tích gần 1 ha, cho thu nhập khá. Đây là đối tượng nuôi không mới tại Cà Mau và hiệu quả đã từng bước được khẳng định, với giá bán 62.000 – 77.000 đồng/kg (loại 7 – 8 con/kg). Những năm đầu, anh Cay thả nuôi 2 ao, mật độ khoảng 20 con/m2, cho sản lượng 5 tấn. Năm 2012, với 4 ao cho 21 tấn, thu lãi khoảng 400 triệu đồng. Anh Cay vui vẻ cho biết, đây là loài nuôi không khó, vì ít bị dịch bệnh, chủ yếu là các bệnh do ký sinh trùng và người nuôi có thể tự xử lý được bằng vi sinh. Chế độ cho ăn cũng đơn giản, gia đình anh sử dụng thức ăn Til 180 của Tomboy, cho ăn 4 lần/ngày; khi cá phát triển nhanh thì giảm lượng ăn xuống, từ 10 – 8 con/kg thì cho ăn 3 lần/ngày… Nguồn cá giống dễ tìm, có khả năng tự sinh sản nhân tạo, nên người nuôi có thể chủ động. Nhu cầu thị trường lớn, tiêu thụ ổn định. Nuôi cá bổi không đòi hỏi chi phí lớn, công chăm sóc cũng như kỹ thuật cao, hoàn toàn phù hợp trình độ sản xuất của người dân. Từ những thuận lợi này, nhiều năm qua ở đây ai cũng theo nghề nuôi cá bổi. Đầu vụ năm nay, giá cá nguyên liệu tăng đến 85.000 đồng/kg loại 6 con/kg, người nuôi cá lại có thêm niềm tin. Nhờ mô hình nuôi cá bổi, hàng nghìn hộ dân tỉnh Cà Mau đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

>> Cá bổi (có nơi gọi là cá sặc rằn) là loài sống trong nước ngọt, nhưng thuộc nhóm cá đen (hay cá đồng), sống trên các đầm lầy, đồng cạn. Vùng nào của miền Tây cũng có nhưng tập trung nhiều nhất tại hai khu vực là vùng U Minh của bán đảo Cà Mau (Cà Mau, Kiên Giang) và vùng ngập lũ của sông Cửu Long. Cá bổi thường được khai thác và chế biến vào mùa khô.

Linh Chi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!