Làng nuôi cá chép đỏ xứ Thanh trước ngày ông Công, ông Táo về trời

Chưa có đánh giá về bài viết

Đến hẹn lại lên, cứ đến cận ngày 23 tháng Chạp, làng nuôi cá chép đỏ cúng ông Công ông Táo nổi tiếng ở xứ Thanh lại tấp nập người mua kẻ bán.

Cá chép ở làng Tân Cổ nổi tiếng vì cá ở đây có hình dáng đẹp, đỏ đều, cá sống khỏe, nên được người dân nhiều nơi đến mua. (Ảnh: Hoa Mai/TTXVN) 

Khắp làng trên ngõ dưới, đâu đâu cũng rộn ràng tiếng cười nói, bởi vụ cá ông Công ông Táo năm nay được mùa, được giá. Một cái Tết đầm ấm, sung túc đang đến rất gần với người nuôi cá chép cúng ở Tân Cổ (xã Quảng Tân, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa).

Có mặt tại làng Tân Cổ vào sáng 22 tháng chạp, con đường vào làng mọi khi vắng vẻ, nay trở nên nhộn nhịp lạ thường. Từng đoàn xe máy, xe đạp, xe tải lớn nhỏ nối đuôi nhau tới nhà các chủ cá để lấy hàng đưa đi các nơi tiêu thụ. Ở đây, hầu như nhà nào cũng có ao bên cạnh nhà để nuôi cá.

Theo truyền thống văn hóa của người dân Việt Nam, ngày 23 tháng Chạp hằng năm là ngày ông Công, ông Táo về chầu trời báo cáo những công việc năm qua ở hạ giới. Người dân thường cúng tiễn bằng cá chép để ông cưỡi về trời. Vì thế, để chuẩn bị cho ngày ông Công ông Táo về trời, từ 18-20 tháng Chạp, các hộ nuôi cá làng Tân Cổ bắt đầu tập trung nhân lực, máy móc để hút nước, kéo lưới, đánh cá khỏi ao.

Cá sau khi đánh khỏi ao được cho vào các bể tạm chờ khách đến chọn. Cá có đủ các kích cỡ, từ 30-40 con/kg đến 100 con/kg cho khách thoải mái chọn lựa.

Cá chép ở làng Tân Cổ nổi tiếng xưa nay vì có hình dáng đẹp, đỏ đều, cá sống khỏe, nên được người dân nhiều nơi tin dùng. Ban đầu nghề nuôi cá chép đỏ xuất phát từ các hộ dân ở thôn Tân Cổ, nay đã nhân rộng ra nhiều thôn lân cận trong xã.

Người nuôi cá ở Tân Cổ thu hoạch cá. (Ảnh: Hoa Mai/TTXVN)

Cá chép ở Tân Cổ nổi tiếng đến mức từ cách đây sáu tháng, ngay khi cá bắt đầu được bà con xuống giống ở các ao thì một số thương lái lớn đã đến tận nơi đặt cọc để “xí chỗ.” Đến cận ngày, thương lái chỉ việc đánh xe ôtô đến, trên xe có đầy đủ thiết bị như hệ thống sục ôxy, bình ôxy, thùng đựng… để vận chuyển cá đi các tỉnh xa như Nghệ An, Hà Tĩnh, thậm chí Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế…

Chị Nguyễn Thị Ninh (thôn Tân Cổ, xã Quảng Tân, huyện Quảng Xương), một hộ có kinh nghiệm nuôi cá chép cúng ông Công ông Táo cho biết: “Cá năm nay đẹp hơn mọi năm, nuôi rất nhanh lớn. Năm nay không bị lũ lụt như năm ngoái nên không bị mất tí nào hết. Nuôi bao nhiêu được bấy nhiêu. Năm nay người mua đến mua nhiều hơn. Đến sáng nay, 22 tháng chạp nhà nào có cá đẹp đều đã cháy hàng. Với giá như hiện tại, trừ chi phí, năm nay gia đình tôi thu lời gần 100 triệu. Dự tính năm nay gia đình sẽ kiếm được một cái tết tương đối ổn định.”

Anh Lê Văn Đại (thôn Tân Cổ, xã Quảng Tân, huyện Quảng Xương) chia sẻ: “Mấy năm nay đầu ra cho cá ông Công ông Táo rất ổn định nên năm nay gia đình tôi dã đầu tư hệ thống ao chuồng kiên cố và thả 20.000 con cá giống phục vụ cho ngày 23 tháng chạp. Năm nay thời tiết thuận lợi nên con cá rất đạt. Với 20.000 con cá giống sau gần sáu tháng nuôi đã mang về cho gia đình khoảng 2 tấn cá, giá thành ổn định nên rất phấn khởi.”

Cá chép đỏ làng Tân Cổ. (Ảnh: Khiếu Tư/TTXVN)

Chị Phạm Thị Hằng (thương lái đến từ Thành phố Thanh Hóa): “Mỗi dịp tết ông Công ông Táo thường tôi đến Quảng Tân để mua cá bán cho bà con. Năm nay giá thành cao hơn mọi năm nhưng bù lại cá rất đẹp, đều con, khỏe cá. Khách của tôi rất thích.”

Năm nay, do thời tiết thuận lợi nên cá cúng ông Công ông Táo ở Tân Cổ được mùa, được giá. Giá cá bán sỉ tại ao dao động từ 100.000-150.000 đồng/kg cá, bán lẻ 20.000-40.000 đồng/3 con, sau khi trừ chi phí, các hộ nuôi nhỏ lẻ tầm 3-5 ao thu về từ 80-100 triệu đồng, cá biệt có những hộ nuôi lớn có thể thu về vài trăm triệu đồng từ việc nuôi cá chép cúng. Nhiều hộ nuôi cho biết, tuy là nuôi thời vụ, nhưng nuôi cá ông Công, ông Táo đã trở thành một nghề mang lại thu nhập chính cho nhiều hộ dân ở Tân Cổ.

Theo thống kê của Ủy ban Nhân dân xã Quảng Tân, toàn xã hiện có khoảng 150 hộ nuôi cá ông Công, ông Táo. Hiện địa phương đang có những chính sách hỗ trợ xác nhận để phối hợp với ngân hàng tạo điều kiện về vốn cho người dân kinh doanh sản xuất. Bên cạnh đó địa phương còn tạo điều kiện cho bà con tích lũy quỹ đất, chuyển từ diện tích chuyên trồng lúa sang đất phối hợp nuôi trồng thủy sản. Nhờ đó, mỗi năm làng Tân Cổ cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh khoảng 30-40 tấn cá chép để cúng Táo quân.

Hoa Mai

TTXVN/VIETNAM+

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!