Sự ra đời của HTX Thủy sản Lân Vực đang trở thành cuộc “cách mạng” trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã Đồng Ý (huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn), khi những cánh đồng chiêm trũng dần được thay thế bằng các vựa nuôi trồng thủy sản an toàn, đem lại hiệu quả vượt trội về kinh tế và an toàn lao động.
HTX đang có lợi nhuận gần 300 triệu đồng/năm từ nuôi cá an toàn
Ông Phùng Văn Quyển – Giám đốc HTX, chia sẻ: “HTX hiện có 7 thành viên với tổng diện tích nuôi cá trên 24.000 m2. Trước đây, phần lớn diện tích đất nông nghiệp của thành viên HTX triển khai cấy lúa, đem lại hiệu quả kinh tế thấp, thu nhập hàng năm chỉ đạt 30 – 40 triệu đồng sau khi trừ chi phí”.
Quyết định chuyển từ trồng lúa sang nuôi cá trở thành bước ngoặt của HTX. Kể từ năm 2017 đến nay, trung bình mỗi năm, HTX thu hoạch khoảng 6 tấn cá thương phẩm, thu về 350 – 400 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận đạt 280 – 300 triệu đồng, các tiêu chuẩn về an toàn lao động (ATLĐ), vệ sinh thực phẩm ngày càng nâng cao.
Phát huy nguồn lực
Với chủ chương đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp địa phương, nhiều năm qua, xã Đồng Ý đã dành nhiều nguồn lực để hỗ trợ phát triển các HTX thủy sản, nhằm tăng cường liên kết sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Năm 2017, từ nguồn vốn phát triển sản xuất thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới, HTX Lân Vực được hỗ trợ 350 triệu đồng. Cùng với nguồn vốn hỗ trợ, HTX đối ứng thêm nguồn lực để xây dựng hệ thống mương dẫn nước cung cấp cho các ao cá trong khu vực nuôi.
Nguồn lực hỗ trợ được sử dụng hiệu quả, đúng mục đích giúp HTX nâng cấp cơ sở vật chất, chủ động nguồn nước, tiết giảm chi phí, tăng năng suất, bảo đảm ATLĐ cho thành viên và người lao động, qua đó, tiếp tục duy trì và phát triển mô hình nuôi cá nước ngọt hiệu quả.
Bên cạnh nguồn lực tài chính, HTX cũng đang phát huy hiệu quả các thế mạnh về con người. Các hộ thành viên HTX hiện đều có nhiều năm kinh nghiệm nên nắm chắc kỹ thuật chăm sóc, lựa chọn con giống, chủ động với sự biến động của thị trường…
Khả năng tiếp cận khoa học – kỹ thuật nhanh, cùng các cơ chế thông thoáng, chiến lược phát triển thông minh của HTX, tạo điều kiện tối đa cho các thành viên, hộ liên kết phát huy hết khả năng, sức sáng tạo, từ đó nâng cao hiệu quả trong sản xuất.
Các lợi thế về điều kiện tự nhiên của địa phương như khí hậu, thổ nhưỡng, diện tích ao, đầm, chất lượng mặt nước, lưu lượng dòng chảy… cũng đang được thành viên HTX Lân Vực phát huy tối đa, mang lại ý nghĩa thiết thực trong quá trình phát triển mô hình thủy sản an toàn.
Sản xuất an toàn
Nhờ sự đầu tư bài bản, mô hình của HTX hiện đang mang lại doanh thu cao cho 7 thành viên chính thức và tạo việc làm cho hơn 10 lao động, với mức lương bình quân 3 – 5 triệu đồng/người/tháng.
“Để nâng cao hiệu quả, ngay từ khi thành lập, các HTX đã bắt tay xây dựng mô hình sản xuất khoa học và hiện đại. Về sản xuất, HTX chủ động quy trình sản xuất an toàn, kết hợp giữa giống cá truyền thống và các loại cá mới, giúp nâng cao năng suất”, Giám đốc Phùng Văn Quyển cho biết.
Về nhân lực, các thành viên, người lao động HTX không chỉ được chuyển giao khoa học – kỹ thuật, mà còn được trang bị kiến thức về ATLĐ, vệ sinh thực phẩm, đồng thời, được trang bị đầy đủ các loại phương tiện, dụng cụ bảo hộ, bảo đảm an toàn và hiệu quả trong quá trình sản xuất.
Đơn cử, khi sử dụng máy móc, thành viên phải bảo đảm tuân thủ các quy tắc về an ATLĐ. Các loại máy bơm, máy quạt tạo ôxi, xuồng máy… được kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ, tránh hỏng hóc, rò rỉ điện, gây mất an toàn cho người sử dụng.
Trong quá trình chăm sóc, các hộ phải bảo đảm việc sử dụng thức ăn chăn nuôi, thuốc phòng trừ dịch bệnh đúng cách, tránh gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến môi trường sống.
Đại diện Phòng NN&PTNT huyện Bắc Sơn cho biết hiệu quả của HTX Lân Vực và các HTX thủy sản trên địa bàn đang nhận được nhiều sự quan tâm của các cấp. Toàn huyện hiện có 5 HTX thủy sản, chiếm trên 35% số HTX thủy sản toàn tỉnh, thu nhập bình quân thành viên, người lao động đạt 4 – 5 triệu đồng/người/tháng.
Sáu Ngạn
Theo TBKD