Lựa chọn thức ăn hợp lý cho cá

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Thực tế có rất nhiều loại thức ăn được sử dụng trong nuôi cá hiện nay. Tùy mỗi giai đoạn phát triển của cá và quy mô mà người nuôi cần phải chọn lựa những loại thức phù hợp, đảm bảo về dinh dưỡng cho cá cũng như hiệu quả về kinh tế cao nhất.

Thức ăn công nghiệp 

Đây là loại thức ăn được trải qua quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng của các chuyên gia dinh dưỡng động vật hàng đầu, sau đó được sản xuất trên các dây chuyền công nghiệp hiện đại tại nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi chuyên nghiệp thông qua việc tổng hợp những nguồn nguyên liệu và dinh dưỡng khác nhau. Thức ăn công nghiệp (thức ăn khô hay thức ăn viên) có 2 loại gồm thức ăn viên chìm sử dụng chủ yếu nuôi giáp xác và thức ăn nổi dùng cho cá. 

Thông thường, thức ăn công nghiệp sẽ được bổ sung các vitamin, khoáng chất giúp cải thiện khả năng tiêu hóa, bảo vệ và tăng cường hệ vi sinh đường ruột, khả năng miễn dịch tự nhiên giúp thủy sản khỏe mạnh và nâng cao tỷ lệ sống. Ngoài ra, trong thức ăn còn có chất dẫn dụ tạo mùi vị hấp dẫn kích thích tôm, cá bắt mồi từ đó làm giảm lượng thức ăn thừa trong ao. Mỗi giai đoạn phát triển, vật nuôi có nhu cầu dinh dưỡng khác nhau, từ đó những loại thức ăn chuyên biệt được sản xuất cho phù hợp với sự phát triển của vật nuôi. 

Thức ăn công nghiệp được sử dụng phổ biến trong nuôi cá. Ảnh: ST

Người nuôi nên xem xét và chọn lựa những loại thức ăn công nghiệp chất lượng cao, thành phần dinh dưỡng cân đối, không chứa thành phần gây hại cho môi trường nước, đem lại hiệu quả cao cho vụ nuôi. Việc sử dụng thức ăn công nghiệp trong nuôi thủy sản là một xu thế tất yếu và thiết thực khi nguồn thức ăn tự nhiên ngày càng giảm sút. 

Thức ăn chế biến 

Nếu người nuôi biết tận dụng và chế biến thức ăn cho cá từ các sản phẩm nông nghiệp thì sẽ nâng cao được hiệu quả kinh tế. Các sản phẩm nông nghiệp chủ yếu dùng để chế biến như cám gạo; hạt đậu tương; ngô hạt; sắn khô; các loại rau xanh; cá tạp… 

Các sản phẩm nông nghiệp dùng để chế biến thức ăn cho cá phải được bảo quản an toàn không bị ẩm và nấm mốc gây hại. Những sản phẩm đã bị nấm mốc cần phải thải loại không được dùng để chế biến thức ăn cho cá và nuôi gia súc, gia cầm nhằm phòng tránh ngộ độc cho vật nuôi. Để đảm bảo dinh dưỡng cho cá phát triển tốt, đạt chất lượng cao, người nuôi cần nắm vững nhu cầu dinh dưỡng của cá, trong đó nhu cầu chất đạm cho từng giai đoạn phát triển rất quan trọng. Việc sử dụng các chất cung cấp tinh bột như cám, tấm, mì lát… phải trong giới hạn, dùng quá nhiều cá sẽ không tiêu hóa hết, tích lũy trong cơ thể dưới dạng mỡ hoặc thải ra ngoài làm ô nhiễm môi trường nuôi. Ngoài ra để tăng cường sức khỏe cho đàn cá cần bổ sung thêm vitamin (1 – 2%), đặc biệt là Vitamin C. 

Tùy điều kiện của nông hộ mà áp dụng các phương thức chế biến khác nhau. Tuy nhiên việc nấu chín các nguyên liệu là cần thiết, đặc biệt là cám, bột sắn vì sẽ làm gia tăng độ tiêu hóa thức ăn, giảm lượng phân thải vào môi trường. Các thành phần nguyên liệu trên được xay nhỏ, trộn đều và nấu chín, dùng máy xay đùn thành sợi dài sau đó cắt nhỏ thành viên có kích cỡ vừa miệng cá. Thức ăn sau khi ép viên xong có thể hong khô bảo quản để cho ăn dần hoặc cho ăn ngay. Khi cho ăn nên đặt thức ăn vào nhá (sàng ăn) để dễ theo dõi, quản lý lượng thức ăn hàng ngày. 

Tuy nhiên, nhược điểm của thức ăn tự chế là không có chất kết dính, độ ẩm cao nên thường bị tan rã trong nước trước khi được cá ăn. Phần thức ăn tan trong nước sẽ là nguồn gây ô nhiễm nước. Bên cạnh đó, cá tạp, ốc, hến…, khi được sử dụng làm nguyên liệu chế biến thức ăn,… có thể trở thành vật trung gian lan truyền dịch bệnh cho người và động vật thủy sản. 

Thức ăn tự nhiên 

Là những cơ thể sinh vật sống và phát triển tự nhiên (hoặc được nuôi trong hệ thống nuôi dùng làm thức ăn cho động vật thủy sản (như các loài rong tảo và các sinh vật phù du động vật). Thức ăn tự nhiên rất quan trọng đối với rất nhiều loài cá, giáp xác và thân mềm, đặc biệt ở giai đoạn đầu đời do chúng có kích thước nhỏ phù hợp với kích cỡ miệng của ấu trùng và rất giàu dinh dưỡng. Thức ăn tự nhiên được chia thành các loại sau đây: 

– Thực vật phù du, vi khuẩn: Tảo, vi khuẩn; 

– Động vật phù du: Là những động vật sống trôi nổi trong nước, có kích thước vô cùng nhỏ đến có thể nhìn bằng mắt thường như sứa…; 

– Mùn đáy: Là những xác thực vật, động vật khi rơi xuống đáy. Phân hủy và lắng xuống. 

Để nhằm mục đích có thể bảo vệ và tăng nguồn thức ăn tự nhiên, người nuôi phải thường xuyên bón phân hữu cơ và vô cơ cho ao để tăng giá trị dinh dưỡng cho môi trường nước. Bảo vệ và quản lý nguồn nước, thay nước khi cần thiết. 

Thức ăn tươi sống 

Là một số loài nuôi có giá trị kinh tế thấp, sức sinh sản cao, tái tạo đàn quanh năm. Chi phí thức ăn cho loài này thấp, có thể tận dụng những phế phẩm công nghiệp. Vì những đặc điểm đó mà người nuôi thường lựa chọn loại thức ăn này làm thức ăn trực tiếp cho những cá đặc sản, có giá trị kinh tế cao hơn như: baba, lươn, cá lăng, cá chình… Ngoài ra, loại thức ăn này cũng có hàm lượng đạm khá cao và đặc biệt đáp ứng tính chủ động bắt mồi của các loài cá đặc sản. 

Lưu ý 

Khi nuôi cá trong ao với diện tích rộng thì cần rải thức ăn đều ra các vị trí, đảm bảo cá ăn được đủ khẩu phần ăn mỗi bữa. Còn đối với các lồng nuôi, khi cho cá ăn cần chú ý dòng chảy, tránh tình trạng thức ăn trôi ra ngoài mà cá không được ăn. 

Tùy vào mỗi loại cá mà nhu cầu chất lượng và số lượng thức ăn, hình thức bắt mồi khác nhau. Nên người nuôi sẽ chọn được loại thức ăn và lượng thức ăn phù hợp với từng loại giống. 

Khi cá còn nhỏ, nhu cầu thức ăn cần nhiều, khoảng 6 – 8%. Khi cá lớn thì lượng thức ăn giảm còn 2 – 3%. Do vậy, điều chỉnh lượng thức ăn dao động từ 3 đến 8%, trong quần đàn có 80% số lượng cá ăn no là được. 

Thức ăn có nhiều dạng với kích cỡ viên khác nhau. Tùy vào từng giai đoạn phát triển của cá mà chọn loại thức ăn phù hợp nhất. Đối với những loại cá dữ thì cần hàm lượng dinh dưỡng cao hơn, thức ăn đối với những loài nuôi này cần hàm lượng đạm từ 30% trở lên. 

Tập tính ăn của mỗi loài cá cũng khác nhau, do vậy, người nuôi cần lưu ý để lựa chọn thức ăn phù hợp. Ví dụ: Các loại cá như: hồng, chim, tráp, rô phi thường ăn mồi mạnh ở tầng giữa và tầng mặt, cần chọn loại thức ăn nổi hoặc lơ lửng. Còn các loại cá song, mú… cường độ ăn mồi chậm, cần chọn loại thức ăn viên chìm và lâu ngấm nước. 

Thanh Hiếu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!