T4, 17/11/2021 05:16

Mỹ: Bán lẻ thủy sản vẫn “biến động” khi chuỗi cung ứng gặp khó

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Doanh số bán lẻ thủy sản đông lạnh, tươi sống và bảo quản lâu ở Mỹ đã quay trở lại mức như năm 2020 vào tháng 10 vừa qua, nhưng tăng trưởng đã bị cản trở bởi các vấn đề chuỗi cung ứng.

Bà Anne-Marie Roerink, Giám đốc của 210 Analytics cho biết: “Hai mươi tháng sau đại dịch, hoạt động bán lẻ thủy sản vẫn diễn ra liên tục. Cách thức tiêu dùng và mua hàng của người dân liên tục thay đổi, lạm phát cao và những ràng buộc nghiêm trọng của chuỗi cung ứng vẫn chưa tạo ra sự cân bằng cung cầu mới và lâu dài”.

Đồng thời, đã có một “sự trở lại to lớn” đối với thủy sản đông lạnh trong vài tháng qua. Trong 10 tháng đầu năm 2021, doanh số bán thủy sản đông lạnh đã tăng 2,6%, theo IRI và 210 Analytics.

Nhưng giá hải sản tươi sống đã tăng  trong tháng 10 là do lạm phát và doanh số bán hàng nói chung giảm nhẹ (0,5%) xuống còn 584 triệu USD (515 triệu EUR) so với tháng 10/2020. Trong 10 tháng đầu năm nay, bà Roerink cho biết doanh số bán hàng hải sản tươi sống đã tăng 5,1% lên 6,1 tỷ USD (5,4 tỷ EUR), mặc dù doanh số bán hàng giảm 0,7% và khối lượng giảm 1,11%.

Bà cũng cho biết cá hồi “gần như đóng vai trò chủ chốt” trong việc thúc đẩy thành công của hải sản tươi sống khi doanh số bán lẻ mặt hàng này tăng 13% trong tháng 10. Ba sản phẩm duy nhất có doanh số tăng so với tháng 10/2020 là cá hồi tươi, cá hồi hun khói và cá hồi trout. Doanh số bán cá hồi gấp 2,8 lần cua ở vị trí thứ 2.

Trong tháng 10/2021, doanh số bán cá vây tay tăng 5,2%, nhưng doanh số bán động vật có vỏ lại giảm 10,5%. Bà Roerink cho biết: “Động vật có vỏ đã có một năm 2020 tuyệt vời và do đó rất khó để tiếp tục tăng trưởng vào năm 2021. Ngoài ra, nhu cầu động vật có vỏ bị ảnh hưởng bởi các vấn đề chuỗi cung ứng và lạm phát cao”.

Bà Roerink cũng thông tin doanh số bán thủy sản đông lạnh tăng 2,6% tính từ tháng 1 đến tháng 10, nhưng khối lượng và số lượng sản phẩm giảm. Tuy nhiên, trong tháng 10, doanh số bán thủy sản đông lạnh đã tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước và tăng 38,7% so với tháng 10/2019.

“Thủy sản đông lạnh là động lực lớn trong hoạt động thực phẩm đông lạnh nói chung. Trong số các sản phẩm cung cấp protein đông lạnh, cho đến nay thủy sản là mặt hàng lớn nhất với doanh thu 643 triệu USD (567 triệu EUR) trong tháng 10 vừa qua”, bà Roerink nói.

Doanh số bán lẻ các mặt hàng thủy sản bảo quản lâu (đóng hộp và túi) đã giảm so với năm 2020, nhưng thu về 2,2 tỷ USD (1,9 tỷ EUR) trong 10 tháng đầu năm 2021. Bà Roerink cho biết: “Không còn nhu cầu cao đối với thủy sản bảo quản lâu như năm 2020, con số này giảm khoảng 13% – 14% tính theo đồng USD về giá trị và khối lượng so với cùng kỳ năm ngoái”.

Doanh số bán mặt hàng thủy sản bảo quản lâu tăng 1,4% lên 243 triệu USD (214 triệu EUR) trong tháng 10/2021 so cùng kỳ năm trước, và tăng 12,6% so với tháng 10/2019. Cá hồi bảo quản lâu có mức tăng trưởng lớn nhất trong danh mục này vào tháng 10, tăng 6,6% so với tháng 10/2020 và 19,9% so cùng kỳ năm 2019.

Cá ngừ đóng hộp và đóng túi vẫn dẫn đầu với doanh thu 176 triệu USD (155 triệu EUR) trong tháng 10. Tuy nhiên, doanh số bán hàng đã giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái, mặc dù đã tăng 10% so với tháng 10/2019.

Theo bà Roerink, triển vọng rất tươi sáng đối với doanh số bán lẻ thủy sản trong thời gian còn lại của năm 2021 khi người tiêu dùng tiếp tục nhận ra giá trị của việc chuẩn bị bữa ăn tại nhà và tiêu dùng hải sản lành mạnh  .

 Bà cũng cho người dân Mỹ vẫn tiếp tục tập trung vào các bữa ăn tại nhà vào tháng 10. Theo khảo sát người mua sắm chính của IRI, tỷ lệ bữa ăn được chuẩn bị ở nhà đã quay trở lại mức tương tự vào cuối mùa xuân và đầu mùa hè, ở mức 80,3% tổng số bữa ăn.

“Trong khi lạm phát bán lẻ cao nhất trong nhiều thập kỷ, chi phí cho việc ăn uống còn tăng nhanh hơn. Lạm phát nhà hàng thường dẫn đến việc chuẩn bị bữa ăn tại nhà nhiều hơn và có khả năng chúng ta sẽ thấy điều này tăng cao vì nhiều người đã có thói quen tiết kiệm và các lợi ích khác của việc nấu ăn tại nhà trong năm rưỡi qua”, bà Roerink chia sẻ.

Đáng chú ý, 22% người Mỹ dự kiến ​​sẽ chi tiêu nhiều hơn cho bữa tối trong Lễ Tạ ơn so với năm ngoái, một phần là do lạm phát. Theo một cuộc khảo sát của IRI, ngày càng có nhiều người dự định tổ chức Lễ Tạ ơn trong năm nay, với 60% được khảo sát cho biết đang lên kế hoạch tổ chức dịp lễ này ở quy mô tương tự như trước COVID-19. 

Đối với quý IV/2021, bà Roerink cho biết hy vọng doanh số bán hàng thủy sản đông lạnh, tươi sống và bảo quản lâu sẽ có xu hướng tăng lên. Tuy nhiên với điều kiện là những khó khăn trong chuỗi cung ứng không ảnh hưởng đến các nguồn hàng dự trữ.

Minh Anh

Theo Seafoodsource

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!