T2, 06/07/2020 10:44

Những con trảnh cuối cùng

Chưa có đánh giá về bài viết

Thượng nguồn Thu Bồn trước đây là nơi loài trảnh sinh sôi, phát triển dày đặc. Nhưng hiện nay, trảnh ngày một ít đi, từ đó những người làm nghề câu trảnh cũng thưa dần, chỉ còn lại anh Lê Thành Công (32 tuổi, tổ 3, thôn Nông Sơn, xã Quế Trung, H. Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam) đang đeo đuổi những con trảnh cuối cùng.

Mái chòi của anh Công co ro bên dòng Thu Bồn. Là dân vạn chài chính tông, vào đầu năm ngoái, từ chỗ Hòn Kẽm Đá Dừng (Hiệp Đức) anh chuyển xuống vạn chài Nông Sơn dựng chòi ở. Trước kia, một dải làng mạc từ làng Xé, Dùi Chiêng, Bình Yên, Xuân Hòa đến Cà Tang, Nông Sơn, Trung Phước… dân vạn chài đều rong ruổi thuyền và gắn bó với nghề câu trảnh. Song lần phiêu lãng này, anh Công thấy mình cô độc bởi hầu hết dân vạn từng quen biết đã chuyển lên bờ định cư. Làm nghề câu trảnh chỉ còn lại mỗi mình anh.

Theo anh Công, trảnh thuộc bộ Rùa, cũng có mai, có 4 chân chèo. Qua mấy chục năm đánh bắt, con to nhất mà anh câu được là cùng cha mình cách đây 10 năm, nặng đến 47 ký, đường kính mai đến hơn 1mét; con nhỏ nhất là 3 ký, đường kính khoảng 20 phân. Những con trung bình nặng 10 – 12 ký đường kính khoảng 50 phân. Với kích thước to lớn như vậy, trảnh được coi như vật thiêng, dân không dám đánh bắt. Nhưng qua thời gian, vì kế mưu sinh, trảnh cũng bị “giải thiêng”, và sinh ra nghề câu trảnh.

Muốn câu trảnh phải có bộ giàn câu kiều. Muốn làm được giàn câu kiều không phải dễ, cần 2 tháng mới xong, đòi hỏi sự công phu nên không dễ có người làm được. Ở Nông Sơn hiện chỉ có anh Công biết làm bộ giàn kiều này. Đã gọi là đi câu thì phải có lưỡi câu, song câu kiều thì câu không cần mồi và  lưỡi câu cũng không có ngạnh như những lưỡi câu cá thông thường. Bởi vậy, những người câu trảnh không mua lưỡi mà phải tự làm lưỡi câu, lưỡi dài chừng 7 phân, được làm bằng thép cứng, uốn thành móc tương tự như các loại lưỡi câu khác, mũi cần phải sắc nhọn nên phải mài giũa thường xuyên.

 

Anh Công và vợ con bên bộ giàn câu kiều dùng để câu trảnh.

Bộ giàn câu kiều của anh Công có đến 700 cái lưỡi câu như vậy. Mỗi lưỡi câu đều được nối với những đoạn dây cước dài chừng 1 gang tay, đầu kia của những đoạn dây này lại được thắt vào một dây viền giăng ngang dài đến 200 mét. Khoảng cách giữa các điểm thắt cách nhau cũng chừng một gang tay. Rồi cũng mắc vào dây viền những cặp dây song song dài hơn gang tay, một dây treo những cục chì, một dây thì treo miếng phao. Giàn câu kiều của anh có tổng cộng 9 cái phao và cũng 9 cục chì – mỗi cục nặng chừng 1ký. Khi không sử dụng thì anh Công sẽ tháo những cục chì ra, những cấu kiện còn lại sẽ được treo cùng với lưỡi câu vào một thanh treo gọi là thanh móc lưỡi, thanh này dài chỉ 90cm, rồi có một miếng áp bằng nhôm áp vào cái thanh này để giữ lưỡi câu khỏi bung ra. Thật ngạc nhiên khi một cái thanh móc cùng thanh áp có chiều dài như vậy lại chứa đến 700 lưỡi câu với đoạn dây viền dài đến hơn 200 mét!

Để câu trảnh, phải thấy trực tiếp con trảnh. Trảnh thường nổi ở điểm chớn nước, đợi lúc nó bắt đầu lặn xuống thì giăng dây viền theo hình chữ “M” từ bờ bên ni sang bờ bên kia. Do sức nặng của chì, dây viền chìm dần, nhưng vướng phao nó chỉ chìm lưng chừng. Từ đó, cục chì chạm đất cách phao khoảng 30cm, và lưỡi câu cách mặt đáy chừng 5 phân. Phải giữ khoảng cách như vậy thì trảnh mới mắc câu. Thông thường, sau khi nổi lên lần thứ nhất, khoảng 1,5 đến 2 tiếng sau  trảnh sẽ nổi lên lại cách điểm thứ nhất ở phía trên hoặc dưới theo chiều của dòng sông khoảng 3 mét mà thường không bò ngang. Bởi vậy, phải giăng dây theo hình chữ “M” bao vây những điểm trảnh có thể nổi lên. Khi trảnh chìm xuống đáy, đi tới hoặc đi lui đều bị lưỡi câu giăng như ma trận găm vô thân, mai, tay chèo… Càng cố thoát thì càng bị các lưỡi câu găm vào mình,  trảnh càng to quậy càng mạnh thì lưỡi càng mắc sâu và chắc. Trên thuyền, người câu trảnh thấy cục phao rung rinh và mặt sông sủi tăm là biết trảnh mắc câu.

Bắt được trảnh, anh Công mang đem đi bán ký cho một con buôn tên Hiệp ở đầu làng với giá 200.000 đồng/1kg. “Thuở xưa câu được con trảnh nặng 20 kg là chuyện thường, nhưng hiện tại chỉ câu được những con trảnh nặng chỉ khoảng 3 – 4 ký mà trong một năm chỉ câu được khoảng 5 con là cùng”, anh Công buồn bã.

Đã qua cái thời mưu sinh bằng nghề câu trảnh. Con người bám lấy tự nhiên để kiếm lấy một cái nghề, nhưng bám quá riết mà thành ra hủy hoại, không có ý thức bảo tồn, để rồi cái nghề cũng mất đi. Người cuối cùng biết câu trảnh này chừ câu trảnh chỉ để kiếm thêm chút tiền và để lưu giữ cái nghề mà cha ông để lại. Hằng ngày, anh Công còn phải đánh cá, lên núi bứt mây để nuôi  gia đình 1 vợ và 2 con. Mặt sông Thu Bồn khỏa sóng, dường đã không còn quen thuộc, dường đã phai đi một màu rất đỗi xanh trong hoài niệm của người dân vạn chài về một loài vật… Và trước khi gặp anh Công, chúng tôi đã hỏi rất nhiều người Nông Sơn, rằng có biết người nào làm nghề câu trảnh không, nhiều người trả lời rằng “con trảnh là con chi hè?”.

Mai Thành Dũng

Báo Công an TP Đà Nẵng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!