Nhức nhối ô nhiễm môi trường tại các cảng cá

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Thực trạng tại các cảng cá của nhiều địa phương ven biển hiện nay chính là vấn đề ô nhiễm môi trường khá trầm trọng. Chính vì vậy, rất nhiều giải pháp được các tỉnh đẩy mạnh triển khai nhất là nâng cao ý thức của ngư dân, giúp môi trường tại cảng cá được cải thiện.

Ô nhiễm trầm trọng

Theo Ban Quản lý khai thác các cảng cá, đặc thù của nước thải từ thủy sản dễ bốc mùi hôi nếu không được dọn dẹp sạch sẽ, thêm vào đó số lượng tàu thuyền và các cơ sở kinh doanh hải sản ở cảng cá đông đúc nên lượng rác thải hàng ngày khá nhiều. Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, những năm qua, đơn vị đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân sống xung quanh cảng, các cơ sở kinh doanh trong khu vực cảng các về ý thức thu gom rác thải, đảm bảo giữ vệ sinh môi trường. Cùng với đó là việc tăng cường hướng dẫn, kiểm tra thu gom, vận chuyển không để rác tồn đọng qua ngày trong khu vực cảng cá.

Cảng cá Sa Huỳnh (P. Phổ Thạnh, TX Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) hiện đang bị ô nhiễm cả về rác thải, nước thải, bốc mùi hôi thối. Trong khu vực cảng cá, rác thải, chất thải và xác hải sản vung vãi khắp nơi. Dọc cầu cảng, nhiều tàu cá đang được ngư dân vệ sinh, bơm nước rửa hầm cá đen ngòm, rồi xả thẳng xuống biển. Ở góc phía Nam cảng cá Sa Huỳnh, sóng biển đưa rác thải tập kết thành “bè”, bám vào tuyến kè chắn sóng. 

Còn tại cảng cá Tịnh Kỳ (TP Quảng Ngãi), tình trạng ô nhiễm cũng ngày càng nghiêm trọng, dù có hệ thống lắng lọc nước thải. Khu vực tập kết cá không đảm bảo vệ sinh do nước thải, chất thải. Trên cầu cảng, sau khi hoàn tất việc thu mua và vận chuyển cá, thì nước thải rửa cá, xác hải sản bị vứt xuống biển. Điều đáng lo ngại nữa là, ngay tại khu vực này, một số tàu cá cập bến bốc dỡ hải sản sử dụng nước biển tại chỗ để bơm vào khoang nhằm rã đông hải sản. Dù biết nước bị ô nhiễm, không đảm bảo vệ sinh, nhưng các ngư dân vẫn sử dụng để rã đông cá vì cho rằng đỡ tốn chi phí. 

ô nhiễm cảng cá

Ô nhiễm môi trường tại các cảng cá đang ngày một nhức nhối. Ảnh: Hoàng Triều

Cần giải pháp quyết liệt

Môi trường là một trong những tiêu chí đánh giá của EC để quyết định gỡ “thẻ vàng” thủy sản. Vì vậy, cùng với việc tập trung rà soát, đánh giá thực trạng của các cảng cá, nhiều địa phương đã chỉ đạo các đơn vị liên quan đã thực hiện nhiều giải pháp để hóa giải thách thức này.

Ngày 6/7/2020, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 2375/QĐ-UBND về kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường tại khu vực âu thuyền và cảng cá Thọ Quang. Mục tiêu xóa điểm ô nhiễm này vào năm 2025. Trong đó, chỉ tiêu cụ thể triển khai đến năm 2022 tập trung vào 3 nhóm vấn đề chính: quản lý chất thải rắn và vệ sinh môi trường; xử lý nước thải và cải thiện chất lượng nước mặt âu thuyền; xử lý mùi hôi và khí thải. 

Ông Võ Nguyên Chương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng cho biết, rác thu gom tại mặt nước, bờ kè xung quanh âu thuyền từ ngày 12/2/2021 đến ngày 5/3/2022 là hơn 1.100 tấn, bình quân 2,7 tấn/ngày. Bên cạnh đó, các tuyến đường quanh khu vực âu thuyền thường xuyên được thu dọn vệ sinh môi trường, bảo đảm mỹ quan đô thị. Về vấn đề xử lý nước thải và cải thiện chất lượng nước mặt, đến nay đã cắt giảm dần các nguồn nước thải vào âu thuyền và cải thiện chất lượng môi trường nước tại khu vực này. Ngoài ra, các biện pháp kiểm soát nước xả thải vào khu vực âu thuyền như theo dõi và đánh giá chất lượng nước định kỳ, tăng cường kiểm tra, giám sát các đơn vị sản xuất, kinh doanh dịch vụ, thúc đẩy hoàn thành hệ thống quan trắc nước thải tự động; giám sát chặt chẽ nước xả thải của cơ sở thứ cấp trong khu công nghiệp sau khi đấu nối, nạo vét cống, nạo vét bùn tại các cửa xả…

Cùng đó, để giảm thiểu mùi hôi trong phạm vi cầu cảng và chợ đầu mối, Ban Quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang đã tăng cường công tác thu dọn vệ sinh hằng ngày, phun hóa chất khử mùi, cải tạo và nạo vét hệ thống thu gom nội bộ, phân loại và chuyển xử lý trong ngày đối với phế thải thủy sản. Các nguồn thải từ các cơ sở trong khu công nghiệp, Ban Quản lý đã chỉ đạo đơn vị quản lý hạ tầng khu công nghiệp tăng cường giám sát phát hiện mùi hôi; yêu cầu các doanh nghiệp bảo đảm việc xử lý mùi hôi tại cơ sở. Riêng năm 2021, qua công tác thanh tra, kiểm tra, các ngành chức năng của thành phố đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính đối với 66 trường hợp vi phạm về bảo vệ môi trường, xử phạt số tiền gần 208 triệu đồng.

Theo ông Phương, qua quá trình triển khai thực hiện xử lý ô nhiễm môi trường tại khu vực âu thuyền Thọ Quang, khó khăn lớn nhất hiện nay chính là câu chuyện kiểm soát ô nhiễm trong khu vực rộng lớn, với nhiều nguồn thải đan xen, nhiều cơ quan cùng quản lý. Vì vậy, để bảo đảm hiệu quả công tác bảo vệ môi trường cần đòi hỏi thực hiện liên tục, đồng thời chủ động trong công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị và huy động nhân dân cùng tham gia… Làm thế nào để thu gom toàn bộ nước thải từ tàu cập cảng và tàu neo đậu vẫn đang là bài toán lớn nhất, đang được nghiên cứu. Mặt khác, dự án khu vực cầu cảng, hệ thống xử lý nước thải khu vực âu thuyền và cảng cá với công suất 300 m3/ngày đêm chưa hoàn thành nên vấn đề này cũng đang gặp nhiều hạn chế trong công tác xử lý môi trường tại khu vực âu thuyền. Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND thành phố chỉ đạo để có cơ sở đánh giá, từ đó đưa ra các giải pháp hiệu quả hơn, phấn đấu đến năm 2025, ô nhiễm môi trường tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang sẽ cơ bản được xử lý dứt điểm.

Năm 2021, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai dự án đầu tư xây dựng công trình nâng cấp, sửa chữa, hoàn thiện hạ tầng 5 cảng cá và cảng neo trú tàu thuyền. Trong đó, ưu tiên xây dựng trạm xử lý nước thải, hệ thống thu gom nước thải tại các cảng Lý Sơn, Sa Huỳnh, Sa Kỳ và Tịnh Hòa… với tổng kinh phí 32 tỷ đồng. Tuy nhiên, quá trình triển khai dự án gặp vướng mắc, nhất là diện tích đất tại các cảng không đủ để thực hiện đúng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, nên hiện tại vẫn còn ngổn ngang.

Còn tại Cảng cá Mỹ Tân (tỉnh Ninh Thuận), thời gian qua, Ban Quản lý cảng cá phối hợp với xã Thanh Hải (huyện Ninh Hải) tăng cường công tác quản lý vệ sinh môi trường, ký kết với Công ty TNHH XD TM&SX Nam Thành thu gom rác thải. Còn tại Cảng cá Đông Hải (TP Phan Rang – Tháp Chàm) công tác vệ sinh môi trường được thực hiện thường xuyên, không để rác tồn động qua ngày. Ông Nguyễn Ngọc Tâm, Phó Giám đốc Cảng cá Đông Hải cho biết, đơn vị bố trí 2 nhân viên vệ sinh làm việc hàng ngày ở cầu cảng. Đối với rác trên mặt nước thì đẩy mạnh tuyên truyền chủ tàu thuyền, không vứt rác xuống biển, trên tàu lúc nào cũng phải có túi hoặc giỏ đựng rác, đến khi tàu cập bến thì đưa rác lên bờ bỏ đúng nơi quy định. Để đảm bảo môi trường, đơn vị tổ chức phun nước rửa cầu cảng định kỳ 2 lần/tuần; định kỳ nạo vét bùn ở các hố lắng để tránh tình trạng ách tắt, ứ đọng chất thải lâu ngày, đảm bảo vệ sinh sạch sẽ khu vực cảng.

Năm 2021, các đơn vị như Bộ đội Biên phòng, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải, Cảnh sát Môi trường, UBND Quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng đã phát hiện, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với 66 trường hợp, tổng số tiền 207,5 triệu đồng về các hành vi vi phạm, gây ô nhiễm môi trường tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang.

Ngọc Hân

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!