T5, 14/04/2022 03:59

Những bức ảnh báo chí mang sắc màu của hiện thực

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Mới đây, Hiệp Hội Ảnh Báo chí Thế giới đã công bố những bức ảnh đoạt giải Ảnh Báo chí Thế giới 2022, ghi lại nhiều khoảnh khắc chân thực trong một năm đầy biến động vừa qua.

Giải Ảnh Báo chí Thế giới – World Press Photo được coi là giải ảnh báo chí danh giá nhất hiện nay, đây cũng là giải quốc tế duy nhất trên thế giới với sự tham gia của các nhiếp ảnh gia toàn cầu. Trong nhiều năm qua, World Press Photo đã trở thành một địa chỉ chung cho hoạt động nhiếp ảnh báo chí và trao đổi thông tin.

Bức ảnh đoạt giải nhất thuộc về “Trường nội trú Kamloops” của nhiếp ảnh gia Amber Bracken (Canada).

Những chiếc váy đỏ treo trên thánh giá dọc theo một con đường để tưởng nhớ những đứa trẻ đã chết tại trường nội trú Kamloops, một tổ chức được thành lập để đồng hóa trẻ em bản địa, sau khi phát hiện có tới 215 ngôi mộ không được đánh dấu tại Kamloops, British Columbia.

Các trường học nội trú bắt đầu hoạt động vào thế kỷ 19 như một phần của chính sách đồng hóa con người từ các cộng đồng bản địa khác nhau vào văn hóa phương Tây và chủ yếu là Cơ đốc giáo. Chánh án Tòa án Tối cao Beverley McLachlin tuyên bố Canada đã sử dụng các tổ chức này để thực hiện hành vi diệt chủng văn hóa. Năm 1978, trường nội trú Kamloops đóng cửa. Tháng 5 năm 2021, một cuộc khảo sát sử dụng radar xuyên đất đã xác định có tới 215 khu chôn cất trẻ vị thành niên tại Kamloops.

Đoạt giải Câu chuyện của năm thuộc về “Cứu rừng bằng lửa” của nhiếp ảnh gia Matthew Abbott (Australia).

Ông lão người Nawarddeken – Conrad Maralngurra đốt cỏ để bảo vệ cộng đồng Mamadawerre từ trận cháy rừng cuối mùa, ở Mamadawerre, Australia. Ngọn lửa sẽ tắt vào buổi tối một cách tự nhiên khi nhiệt độ giảm và độ ẩm tăng lên.

Giải thưởng Dự án dài hạn được trao cho “Amazonian Dystopia” của Lalo de Almeida (Brazil) với những bức ảnh nói về tình trạng phá rừng đang hiện hữu tại Amazon.

Jasson Oliveira do Nascimento, một cư dân của Khu bảo tồn chiết xuất Arapixi ở Amazon của Brazil đang sử dụng cưa máy để dọn đường đi thu thập hạt Brazil. 

Khu bảo tồn được thành lập năm 2006 với tư cách là một khu bảo tồn sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhằm bảo vệ sinh kế và văn hóa của cộng đồng dân cư khai thác truyền thống. Mục đích là để bảo vệ khu vực này khỏi việc trồng đậu tương quy mô lớn và chăn nuôi gia súc, nhưng hiện tại nó đang bị lấn chiếm bởi những kẻ cướp đất, những kẻ phá rừng và đe dọa cuộc sống của 300 gia đình đang sinh sống tại đây. 

Giải thưởng Định dạng mở thuộc về Isadora Romero (Ecuador) với tác phẩm “Máu là hạt giống”. 

Thông qua những câu chuyện cá nhân, tác phẩm “Máu là hạt giống” (La Sangre Es Una Semilla) đặt câu hỏi về sự biến mất của hạt giống, di cư bắt buộc, phân biệt chủng tộc, thuộc địa hóa, và sau đó là mất dần kiến thức của tổ tiên.

Cha của Romero di cư vào năm 1981 để tìm kiếm cơ hội tốt hơn và thoát khỏi tình trạng bạo lực mà Colombia đang trải qua trong những năm đó. Trong chuyến hành trình đến ngôi làng tổ tiên của họ ở Une, Colombia, Romero hy vọng sẽ được tìm hiểu thêm về lịch sử của họ và khám phá những ký ức bị lãng quên về đất đai, mùa màng cũng như về ông và bà cố của cô, những người “bảo vệ hạt giống” và đã trồng một vài giống khoai tây.

Ngoài các tác phẩm được trao giải, Ảnh Báo chí Thế giới 2022 cũng vinh danh nhiều tác phẩm xuất sắc khác.

“Tìm kiếm hòa bình giữa sự hỗn loạn” của Amanuel Sileshi (Ethiopia)

“Biểu tình ở Sudan” của Faiz Abubakr Mohamed (Sudan)

“Trẻ em Palestine ở dải Gaza” của Fatima Shbair (Palestine)

“Khởi nghĩa ở Myanmar” của Ta Mwe (Myanmar)

Hương Loan 

Tổng hợp

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!