Những công nghệ nổi bật của ngành thủy sản năm 2023

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Trang tin Weareaquaculture đã có bài tổng hợp những công nghệ và nghiên cứu nổi bật nhất trong ngành thủy sản năm 2023 vừa qua.

  1. Dầu tảo – thay thế hoàn toàn dầu cá trong thức ăn của cá hồi

Từ khi Peru ban hành lệnh đóng cửa mùa khai thác cá cơm vào tháng 6/2023, khiến lượng bột cá, dầu cá trên thế giới sụt giảm nghiêm trọng, ngành sản xuất thức ăn thủy sản thiếu hụt một lượng lớn nguyên liệu, khiến chi phí thức ăn tăng cao kỷ lục. Tuy vậy, BioMar là công ty thức ăn thủy sản đầu tiên thông báo họ gần như không hề bị sự kiện này tác động, do đã “xây dựng sẵn chuỗi cung ứng lớn mạnh các nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản, trong đó dầu cá – thành phần thức ăn cho cá hồi – được thay thế hoàn toàn bởi dầu tảo”. Theo nghiên cứu, cá hồi Đại Tây Dương từ 500 gram đến 5 kg có thể sử dụng thức ăn thay thế này mà không hề ảnh hưởng tới khả năng sinh trưởng, phát triển, cũng như chất lượng thịt cá.

  1. “Máy quét” rận biển

Công nghệ phát hiện rận biển sử dụng kỹ thuật ghi hình holography được phát triển bởi một đội ngũ các nhà nghiên cứu Scotland. Họ sử dụng công nghệ ghi hình 3D, máy học và trí tuệ nhân tạo để phát hiện ấu trùng rận biển trong nước biển. Ngoài ra, Cerma – công ty sản xuất cá hồi hàng đầu ở Na Uy – cũng cho ra đời công nghệ laser để xử lý rận biển tại một số cơ sở ở Norland và Finnmark.

  1. Sản xuất protein đơn bào trên quy mô lớn

Công ty mới thành lập trong lĩnh vực công nghệ sinh học MicroHarvest đã chính thức khởi động nhà máy công nghệ tiên tiến bậc nhất tại Lisbon với mục tiêu sản xuất protein đơn bào trên quy mô thương mại. Katelijne Bekers, Giám đốc điều hành của MicroHarvest giải thích: ” Nguyên liệu của chúng tôi được sản xuất thông qua quá trình lên men sinh học. Các tế bào được thu hoạch, sau đó được loại bỏ nước để tăng tính ổn định. Kết quả thu được là các thành phần dinh dưỡng được sử dụng trong sản xuất thức ăn cho người, thức ăn thú cưng, và thức ăn thủy sản”. Với công nghệ của MicroHarvest, 60% protein thô được thu hoạch chỉ trong vòng 24 giờ. 

  1. AI phát hiện stress trên tôm nuôi

Các chuyên gia và kỹ sư tại Viện Alfred Wegener, thuộc Trung tâm nghiên cứu Biển (AWI) hợp tác với Oceanloop – công ty hàng đầu về nuôi trồng thủy sản tại Đức – đã ra mắt công nghệ AI có thể dễ dàng phát hiện các triệu chứng gây căng thẳng trên tôm nuôi với độ chính xác 95%. Thiết bị được lắp đặt trên mặt nước, tự động ghi lại hình ảnh tôm mỗi phút một lần, truyền dữ liệu tới máy chủ và sau đó sử dụng các thuật toán để đếm số lượng và đo chiều dài của tôm. Các thông tin và dữ liệu sẽ được phần mềm AquaManager® tiếp nhận và phát hiện trực quan các triệu chứng căng thẳng ở tôm. Với công nghệ này, người nuôi có thể giảm thiểu rủi ro một cách đáng kể, đồng thời nâng cao tính minh bạch về sinh khối, tối ưu hóa chuỗi giá trị từ khâu nuôi đến chế biến và tiêu thụ.

  1. “Nuôi trồng thủy sản 4.0”: AI và công nghệ hình ảnh cải thiện quá trình sản xuất

Dự án iFarm giúp cải thiện sức khỏe và phúc lợi của cá trong các hệ thống lồng nuôi thông qua công nghệ AI. Nguyên lý là sử dụng thuật toán máy học để nhận diện và theo dõi từng con cá trong lồng. Dự án được ví như “ChatGPT của nuôi trồng thủy sản”, đã được phát triển tại Galicia, Tây Ban Nha. Công nghệ hình ảnh giúp phân tích sinh khối, theo dõi phúc lợi của cá và các điều kiện tối ưu của môi trường sống. Dự án được khởi động năm 2021 với tổng vốn đầu tư 260 nghìn euro, và hoàn thành cuối năm 2023.

  1. Nuôi biển bằng RAS nổi

Công ty Next Tuna (Đức) đã hợp tác với Seafarming Systems (Na Uy) – chuyên gia thiết kế lồng nổi khép kín và nửa kín – để thiết kế hệ thống nuôi thủy sản RASxFloater. Đây là mô hình linh hoạt, có thể kéo ra xa hoặc đưa sát vào bờ tùy mục đích sử dụng. RASxFloater có đường kính 30 m, sâu 10 m, được thiết kế dạng nổi, sử dụng nguyên liệu thép cách nhiệt. Điểm mạnh của mô hình là mực nước bên trong và bên ngoài gần như giống nhau nên không chênh lệch áp suất. Đối tượng nuôi chính được nhắm đến là cá ngừ vây xanh Đại Tây Dương, ngoài ra có thể nuôi cá hồi, cá chẽm, hoặc cá khế vây vàng. 

  1. Sản xuất tảo tươi bằng máy phản ứng quang sinh học (PBRs) 

Nova Harvest là trại giống nhuyễn thể đầu tiên ở Canada ứng dụng hệ thống phản ứng quang sinh học (PBRs) của hãng Industrial Plankton, thành công thu hoạch vi tảo Tisochrysis ở mật độ 8 triệu tế bào/mL. PBR sử dụng các bộ lọc micromet duy trì an toàn sinh học trong lúc bổ sung nước, chất dinh dưỡng, không khí và CO2 vào hệ thống. Hệ thống cấy được kết nối với máy PBR qua các đầu nối vô trùng rồi bơm vào thông qua máy bơm an toàn sinh học. Do vậy, PBR đảm bảo liên tục sản xuất tảo sạch và chất lượng cao trong nhiều tháng liên tiếp.

  1. Chỉnh sửa gen tôm 

Công ty nuôi trồng thủy sản và công nghệ sinh học Colors Farm, cùng với công ty sinh học tính toán Evogene (Israel) đã hợp tác với Viện nghiên cứu Hàn lâm Israel, Đại học Ben-Gurion (BGU) để phát triển công nghệ chỉnh sửa gen cho động vật giáp xác. Mục tiêu cụ thể là tăng cường tốc độ tăng trưởng, khả năng kháng bệnh và thích ứng môi trường. Đối tượng nghiên cứu là tôm càng xanh (Macrobrachium rosenbergii), tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) và tôm hùm đất (Procambarus clarkii). Kỹ thuật chỉnh sửa gen này sẽ là một cuộc cách mạng trong ngành nuôi tôm, giúp cải thiện tính trạng mong muốn trên tôm và giảm thiểu tác động đến môi trường.

  1. SeaThru Counter – đếm con giống 

Máy đếm con giống được phát triển bởi công ty Aljeeba (Thái Lan), có thể đếm 2.000 ấu trùng tôm, cá rô phi, cua, trứng cá và các loài có kích thước nhỏ chỉ trong 6-8 giây. Bằng việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo và camera trong hệ thống, việc đếm tôm thẻ chân trắng đảm bảo độ chính xác lên đến 97% cho số lượng dưới 2.000 con; đếm trứng cá rô phi chính xác 98%, và đếm các loại ấu trùng, con giống chính xác 95%. Tháng 8/2023, ứng dụng LINE trên điện thoại thông minh giúp người dùng tải ảnh chụp đối tượng nuôi lên dịch vụ đám mây và ngay lập tức nhận được kết quả số lượng đối tượng cần đếm.

  1. Dự án nuôi thủy sản bằng AI

Công ty Cermaq – một trong những nhà sản xuất thực phẩm lớn nhất Na Uy và cung cấp cá hồi cho hơn 30 quốc gia trên thế giới – đã hợp tác với BioSort và cho ra đời iFarm thứ 4 – trong chuỗi dự án nuôi trồng thủy sản bằng AI. Dự án iFarm nhằm cải thiện sức khỏe và phúc lợi của cá nuôi trong lồng thông qua công nghệ AI với thuật toán máy học nhằm nhận diện và giám sát từng cá thể vật nuôi trong lồng. Phiên bản thứ 4 nhằm tập trung cải thiện hoạt động, hệ thống cho ăn và ứng dụng những cập nhật của máy học, đồng thời tối ưu hóa chức năng của các thiết bị.

An Vy

(Theo Weareaquaculture)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!