Những “ông lớn” trong ngành quyết tâm chống khai thác IUU

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Những tập đoàn lớn trên thế giới hoạt động trong lĩnh vực thủy sản khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện “các biện pháp tích cực”, kiên quyết chống đánh bắt thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).

Tuy nỗ lực….

Mới đây, SeaBOS (tổ chức bao gồm 9 tập đoàn và công ty lớn trên thế giới hoạt động trong lĩnh vực thủy sản) lần đầu tiên công bố một báo cáo về tình hình chống khai thác bất hợp pháp và nạn “nô lệ thời hiện đại” của các thành viên.

SeaBOS hợp sức chống lại những vấn nạn của ngành thủy sản

Theo báo cáo của SeaBOS, đây là 2 vấn đề “cắm rễ” trong ngành thủy sản từ rất lâu và là cội nguồn của các khó khăn, trở ngại cho hoạt động của ngành, đe dọa quyền con người, an ninh lương thực và sự bền vững của sản xuất thủy sản. Báo cáo viết: “Với tư cách là những người lãnh đạo, chúng tôi hướng tới mục tiêu loại bỏ mọi tập quán gây hại và thúc đẩy các hoạt động đúng luật pháp và đạo đức, không chỉ vì lợi ích của riêng ai, mà vì toàn thế hệ tương lai”.

Để thực hiện điều đó, các thành viên của SeaBOS đã xây dựng một bộ công cụ bao gồm các văn bản chính sách, giao thức kiểm tra và cơ chế truy xuất nguồn gốc tiên tiến, đồng thời làm việc với chính phủ các quốc gia, tổ chức xã hội và các bên liên quan để tác động tới việc thay đổi chính sách. SeaBOS thúc đẩy việc xây dựng các quy chuẩn mới, đồng thời nhấn mạnh cần những chính sách và pháp chế hiệu quả hơn. 

Tập đoàn Thai Union cho biết họ đã triển khai các chương trình kiểm toán và một chương trình cải thiện tàu khai thác, cùng bộ quy tắc ứng xử để đảm bảo việc theo dõi 100% hoạt động trên biển vào năm 2025. Các công ty như Skretting, Nissui, Muraha Nichiro và Kyokuyo đang sử dụng các công cụ như EcoVadis và bộ công cụ SeaBOS, đồng thời khảo sát các nhà cung cấp để đánh giá nguy cơ có thể xảy ra. 

Công ty Cargill tập trung đánh giá các mối nguy tại Na Uy và Scotland; Cermaq nghiêm túc thực thi các quy tắc chống lao động cưỡng bức; Charoen Pokphand Foods (CPF) đảm bảo sự minh bạch của các nguồn cung bột cá; Dongwon cho biết luôn tuân thủ tiêu chuẩn của Hội đồng Quản lý Biển (MSC) và đã trải qua cuộc kiểm tra liên ngành của các cơ quan quản lý ở Hàn Quốc, nhằm đảm bảo việc tuân thủ pháp luật và quy định lao động.

…nhưng vẫn chưa đủ

Các lãnh đạo đầu ngành đã thừa nhận nạn nô lệ hiện đại và khai thác IUU vẫn luôn là vấn đề nhức nhối. Tổ chức Lao động Quốc tế cùng với Quỹ Walk Free và Tổ chức Di cư Quốc tế đã tuyên bố có tới 128,000 người làm việc trên các tàu đánh cá trong tình trạng bị ép buộc. Bên cạnh đó, khai thác IUU đã và đang gây thiệt hại rất lớn về kinh tế, đặc biệt ở các điểm nóng như Tây Phi, số tiền thất thoát mỗi năm ước tính lên tới 9,4 tỷ USD, việc này đang tàn phá nghiêm trọng các quốc gia ven biển.

24 cậu bé đến từ Campuchia tuổi đời chưa tới 17 làm việc trên tàu cá của Thái Lan. Ảnh: NYTimes

“Mặc dù trong hai thập kỷ qua, các quốc gia, khu vực và tổ chức quốc tế đã có nhiều hành động quyết liệt, nhưng những bất cập trên vẫn chưa được giải quyết và sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng xấu tới ngành thủy sản, tác động tới cuộc sống của hàng nghìn ngư dân trên toàn thế giới”, báo cáo viết. 

Trong báo cáo, SeaBOS đã bày tỏ sự thất vọng về việc sử dụng lao động cưỡng bức tại Trung Quốc bị phát hiện trong thời gian gần đây. Theo đó, các nhà cung cấp và bán lẻ ở châu Âu và Mỹ liên quan tới hàng loạt nhà máy ở tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) sử dụng lao động cưỡng bức từ Uyghur (Tân Cương), 11 trong số đó thậm chí còn được cấp chứng chỉ MSC.

Sau đó, vào ngày 17 tháng 10, Tổ chức Đánh giá Thế giới (WBA) đã công bố một báo cáo, trong đó nêu tên 30 công ty thủy sản có sức ảnh hưởng nhất toàn cầu đã thiếu minh bạch trong tiến trình hướng tới cam kết bền vững.

Bà Therese Log Bergjord, CEO của Skretting nói: “Những nỗ lực của chúng tôi, dù rất đáng kể, nhưng vẫn chưa đủ. Với tư cách lãnh đạo, chúng tôi có trách nhiệm rất lớn. Nhưng chúng tôi không thể làm điều đó một mình. Vì sự phát triển của ngành, chúng ta cần cùng nhau hành động”. Ông Martin Exel, Giám đốc điều hành của SeaBOS cho rằng ngành công nghiệp thủy sản có thể và phải làm tốt hơn vì một thế hệ tương lai bền vững, không có IUU, không có lao động cưỡng bức.

>> SeaBOS bao gồm 9 tập đoàn và công ty thủy sản lớn trên thế giới: Maruha Nichiro, Nippon Suisan Kaisha (Nissui), Tập đoàn Thai Union PCL, Dongwon Industries, Nutreco, Cargill Animal Nutrition, Cermaq (công ty con của Mitsubishi), Kyokuyo, và Charoen Pokphand Foods (CPF) cùng tuân theo 10 cam kết: (1) cải thiện minh bạch, (2) giảm khai thác IUU, (3) lắng nghe khoa học, (4) giảm nạn nô lệ thời hiện đại, (5) giảm việc sử dụng kháng sinh, (6) giảm việc sử dụng nhựa, (7) giảm phát thải nhà kính, (8) phát triển nuôi trồng, (9) phát triển và triển khai công nghệ mới, (10) hỗ trợ đổi mới sáng tạo.

An Vy

(Theo Undercurrentnews)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!