Ninh Bình: Ứng dụng công nghệ trong nuôi tôm

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Anh Nguyễn Quý Nghĩa là một trong những hộ đi tiên phong trong ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất. Không giống như cách làm thông thường trước đây, những ao đất hình vuông, hình chữ nhật đã được thay bằng ao hình tròn nổi trên mặt đất. Mô hình này không mới so với các tỉnh phía Nam, song ở ngoài Bắc rất ít tỉnh mạnh dạn áp dụng.

Chi phí đầu tư ao nổi nuôi tôm tùy kinh tế từng hộ nuôi. Ảnh: ST

Thay đổi cách làm

Anh Nghĩa cho biết, trước đây anh chủ yếu nuôi tôm theo hình thức quảng canh hoặc bán thâm canh. Khi đó, người nuôi gặp khó khăn trong việc quản lý diễn biến môi trường trong ao nuôi, tôm dễ nhiễm bệnh, dễ bị tác động bởi các yếu tố thời tiết và tỷ lệ sống của tôm thấp. 

Qua tìm hiểu, anh biết đến mô hình nuôi tôm trong ao tròn nổi với nhiều ưu điểm như: kiểm soát được lượng thức ăn thừa và phân tôm; môi trường đảm bảo; tỷ lệ sống và mật độ nuôi cao; bể nuôi được đặt nổi hoàn toàn trên mặt đất, phủ bạt nên hạn chế mầm bệnh từ đất xâm lấn vào. 

Mặt khác, diện tích bể nhỏ nên tiện lợi cho người nuôi trong khâu chăm sóc, quản lý nguồn nước. 

Với những ưu điểm đó, từ năm 2019 anh Nghĩa đã mạnh dạn đầu tư 4 ao tròn nổi, chi phí từ 15 – 20 triệu đồng/ao. Diện tích mỗi ao khoảng 130 m2, chiều cao 1,2 m, xung quanh được dựng bằng khung sắt kiên cố, trong lót bạt. Đặc biệt đáy được thiết kế có độ dốc, dạng hình phễu để thu gom thức ăn thừa và phân tôm. 

Một năm anh Nghĩa nuôi được hai vụ tôm thẻ chân trắng, hiệu quả mang lại từ mô hình mới rất khả quan. Mỗi vụ anh thu về trên 7 tạ tôm, cao hơn so với nuôi trong ao đất cùng diện tích khoảng 60 – 70%. Như vậy, mỗi năm xuất bán ra thị trường trên 3 tấn tôm thương phẩm, sau khi trừ chi phí có lãi từ 250 – 300 triệu đồng. Đến nay, anh Nghĩa tiếp tục triển khai mô hình để đem lại hiệu quả. 

Thích hợp để nhân rộng 

Theo Trạm Thủy sản Kim Sơn – Yên Khánh (Chi cục Thủy sản Ninh Bình), nuôi tôm trong ao tròn nổi là một trong những mô hình nuôi thủy sản được đánh giá tiên tiến nhất hiện nay. Dù đây là mô hình mới với các hộ dân ở địa phương nhưng hiệu quả cao hơn rất nhiều so với phương thức thông thường. Nếu như ao nuôi hình chữ nhật truyền thống có nhược điểm chất thải tích tụ, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến tôm thì với phương pháp này, thức ăn thừa, phân tôm vào giữa ao, giúp loại bỏ chất thải rất hiệu quả. Ao có hình tròn nên khi vận hành quạt nước sẽ tạo dòng chảy xoáy hướng tâm mạnh, chất thải được gom vào rốn ao, rất thuận tiện cho việc làm sạch các chất bẩn, hạn chế việc gây ô nhiễm ao nuôi. 

Bên cạnh đó, diện tích nuôi ít dẫn đến chi phí đầu tư thiết bị như quạt nước, hệ thống đường ống dẫn… và công chăm sóc cũng thấp hơn nuôi bình thường. 

Như vậy, áp dụng cách này sẽ giảm đáng kể quy mô diện tích, dễ kiểm soát môi trường nước và dịch bệnh, tăng mật độ thả nuôi. Nếu như ao nuôi bình thường chỉ đạt từ 80 – 150 con/m2, phương pháp mới có thể đạt mật độ từ 200 – 500 con/m2, thậm chí là lên đến 1.000 con/m2. Tỷ lệ sống của tôm đạt 90 – 100% vì tôm có sức đề kháng cao, môi trường ao nuôi ổn định. 

>> Với những hiệu quả vượt trội, hiện đã có rất nhiều hộ ở các xã bãi ngang của huyện Kim Sơn áp dụng phương pháp nuôi tôm thẻ chân trắng trong ao tròn nổi. Thời gian tới, Trạm Thủy sản Kim Sơn - Yên Khánh sẽ phối hợp với các xã bãi ngang, các đơn vị liên quan tuyên truyền, nhân rộng mô hình, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. 

Ngọc Diệp

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!