Nuôi cá nước lạnh: Không thể “bóc ngắn cắn dài”

Chưa có đánh giá về bài viết

Du nhập vào Việt Nam từ năm 2005, đến nay phong trào nuôi cá nước lạnh đã có sức lan tỏa, phát triển. Nhưng vẫn còn những bất cập cần giải quyết. Đó là chia sẻ của ông Trần Văn Phú – Tổng giám đốc Công ty CP Tư vấn Đầu tư Thủy sản.

Ông Trần Văn Phú – Tổng giám đốc Công ty CP Tư vấn Đầu tư Thủy sản

Ông đánh giá thế nào về tiềm năng phát triển cá nước lạnh tại Việt Nam?

Cá nước lạnh được hiểu là các loài cá du nhập từ các nước có khí hậu lạnh như Pháp, Na Uy, Đức, Nga… Cá sống và phát triển ở môi trường nước có nhiệt độ 18 – 220C.

Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển cá nước lạnh. Ngoài hai khu vực Sa Pa (Lào Cai) và Đà Lạt (Lâm Đồng) đã được các Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I (RIA 1) và III (RIA 3) tiến hành nghiên cứu, khảo nghiệm và có một số doanh nghiệp đang khai thác diện tích mặt nước để nuôi thương phẩm. Tại các địa phương khác dọc theo dãy Trường Sơn cũng đang có nhiều khu vực phù hợp phát triển nghề nuôi cá nước lạnh.

 

Theo ông, những bất cập của nghề nuôi cá nước lạnh ở nước ta hiện nay là gì?

Cá nước lạnh hiện đang được nuôi chủ yếu ở Việt Nam là hai loài cá hồi vân và cá tầm, còn một số loài cá quý hiếm khác chưa được nghiên cứu, đưa vào khảo nghiệm.

 Chúng ta chưa có đề án cho chiến lược phát triển cá nước lạnh. Hiện nay, phát triển nuôi cá nước lạnh ở nước ta hầu hết vẫn mang tính tự phát. Việc chuyển giao công nghệ nuôi cá nước lạnh từ các quốc gia có truyền thống, thành tựu vào Việt Nam chưa được thực hiện một cách bài bản. Đầu ra cho sản phẩm chưa được xác định rõ ràng, tiêu thụ chủ yếu vẫn là nội địa nhưng ngay cả tiêu thụ nội địa cũng đang bị cạnh tranh bởi các sản phẩm giá rẻ nhập lậu.

Nuôi cá tầm tại Bình Thuận – Ảnh: Huy Hùng

Trong hai loài cá nuôi đang thịnh hành ở Việt Nam thì cá tầm có giá trị cao ở trứng cá (trứng cá đen), nhưng cho đến nay, công nghệ cho trứng đẻ ở cá tầm vẫn đang giai đoạn nghiên cứu, khảo nghiệm.

 

Để nghề nuôi cá nước lạnh ở Việt Nam phát triển bền vững, theo ông, chúng ta cần phải làm những gì?

Trước hết phải có chiến lược phát triển, có quy hoạch tổng thể toàn quốc cho phát triển cá nước lạnh. Hoạch định diện tích mặt nước nuôi, chủng loại cá nước lạnh có thể nuôi ở Việt Nam, sản lượng nuôi cho phép. Cùng đó, phải xác định thị trường cho sản phẩm đầu ra.

Đi đôi với việc định hướng chiến lược, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích phát triển nghề nuôi cá nước lạnh.

>>Cá nước lạnh được RIA 1 bắt đầu thực hiện thí điểm vào năm 2005 tại Thác Bạc thuộc huyện Sa Pa, Lào Cai. Đến nay, phong trào nuôi cá nước lạnh đã phát triển mạnh ở 23 tỉnh. Sản lượng cá nước lạnh hàng năm của Việt Nam hiện nay đạt khoảng 800 tấn, trong đó Lâm Đồng chiếm 50% sản lượng của cả nước.

Hồng Thắm

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!