Phát triển khoa học công nghệ giống thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Theo nhiệm vụ phục vụ phát triển khoa học về giống được Bộ NN&PTNT phê duyệt vừa qua, lĩnh vực sản xuất giống thủy sản sẽ có 6 nhiệm vụ về các đối tượng nuôi nước ngọt, mặn, lợ.

Tại Quyết định số 4999/QĐ-BNN-KHCN, Bộ NN&PTNT phê duyệt danh mục nhiệm vụ phục vụ Phát triển khoa học công nghệ về giống giai đoạn 2021 – 2025, thuộc Chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2030.

Lĩnh vực thủy sản được phê duyệt 6 nhiệm vụ, bao gồm: Lưu giữ nguồn gen một số loài cá biển có giá trị kinh tế, phục vụ phát triển nuôi biển. Yêu cầu của nhiệm vụ này là lưu giữ nguồn gen 6 loài cá biển với số lượng 200 con/loài như sau: cá chim (Trachinotus sp.), cá song chanh (Epinephelus malabaricus), cá song chấm nâu (Epinephelus coioides), cá song hổ (Epinephelus fuscoguttatus), cá song da báo (Plectropomus leopardus), cá chẽm (Lates calcarifer). Sản xuất và cung úng nguồn gen của 6 loài cá biển cho việc nghiên cứu chọn tạo và sản xuất giống: 5.000 con bố mẹ/loài/năm; 50.000 con giống phục vụ sản xuất/năm.

Lưu giữ nguồn gen phục vụ chọn tạo giống cá nước ngọt (cá tra, cá rô phi đỏ, cá rô phi vằn). Cụ thể, lưu giữ nguồn gen cá tra chọn giống tăng trưởng nhanh, cá tra chọn giống kháng bệnh, cá rô phi đỏ: 100 cá thể/quần đàn vật liệu ban đầu/năm; 400 cá thể chọn giống của 2 thế hệ mới nhất, 200 cá thể/1 thế hệ. Lưu giữ nguồn gen cá rô phi vằn: 100 cá thể/quần đàn vật liệu ban đầu/năm; 400 cá thể chọn giống của 2 thế hệ mới nhất, 200 cá thể/1 thế hệ; Sản xuất và cung ứng nguồn gen của 4 loài cá nước ngọt cho việc nghiên cứu chọn tạo và sản xuất giống: 20.000 con bố mẹ/loài/năm; 200.000 con giống phục vụ sản xuất/năm. 

Ảnh minh họa

Lưu giữ nguồn gen phục vụ chọn tạo, phát triển giống tôm (tôm chân trắng, tôm sú và tôm càng xanh). Sản xuất và cung ứng nguồn gen của 3 loài tôm cho việc nghiên cứu chọn tạo và sản xuất giống: 20.000 – 50.000 con bố mẹ/loài/năm; 50.000.000 con giống phục vụ sản xuất/năm.

Lưu giữ nguồn gen một số loài rong biển có giá trị kinh tế phục vụ phát triển giống. Cụ thể, lưu giữ nguồn gen của 7 loài rong biển giá trị cao, 1.000 kg/loài, gồm: rong câu chỉ vàng, rong sụn, rong câu thắt, rong câu cước, rong nho, rong bắp sú, song sụn gai.

Lưu giữ nguồn gen một số loài nhuyễn thể có giá trị kinh tế phục vụ phát triển giống nuôi biển. Trong đó, lưu giữ các nguồn gen 3 loài nhuyễn thể, 500 con/loài: tu hài, hàu Thái Bình Dương, ốc hương, ngao Bến Tre; Sản xuất và cung ứng nguồn gen của 4 loài nhuyễn thể phục vụ sản xuất: 10.000 – 100.000 con bố mẹ/loài/năm, 2 – 5 triệu con giống/loài/năm phục vụ sản xuất.

Cuối cùng là nhiệm vụ lưu giữ nguồn gen một số loài tảo, vi tảo biển phục vụ phát triển nuôi trồng thủy sản. Trong đó, lưu giữ nguồn gen các loài vi tảo, 100.000 tế bào/loài: Lớp tảo silic; Lớp Haptophytes/Chrysophyceae; Lớp Prasinophiceae; Lớp Cryptophyceae; Lớp Eustigmatophyceae; 20 loài/giống thuộc các chi trong ngảnh tảo lục; Tảo lam…

Bảo Hân

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!