Quảng Trị: Phát triển bền vững nghề nuôi tôm nhờ công nghệ cao

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Bên cạnh sự chủ động của người nuôi tôm, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã triển khai xây dựng, khuyến khích phát triển nhiều mô hình nuôi tôm công nghệ cao như: Quy trình nuôi tôm nhiều giai đoạn, ứng dụng công nghệ Biofloc, VietGAP… thích ứng với sự biến đổi khí hậu, hạn chế dịch bệnh, nâng cao năng suất, chất lượng và từng bước hình thành chuỗi liên kết bao tiêu sản phẩm.

Hiệu quả trông thấy 

Năm 2023, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị hỗ trợ bà Cao Thị Thúy ở thôn Quảng Xá, xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh đầu tư mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng (TTCT) thâm canh 2 giai đoạn với quy mô 1 ha. Trong đó, diện tích ao ương và ao nuôi là 0,3 ha, còn lại là diện tích ao chứa và xử lý nước. Sau gần 4 tháng nuôi, gia đình bà thu về hơn 12 tấn tôm thương phẩm, tương đương năng suất 30 tấn/ha, lợi nhuận đạt trên 700 triệu đồng. 

Với mô hình nuôi 2 giai đoạn này, ban đầu tôm giống được thả nuôi trong ao ương với mật độ 500 con/m2, sau khoảng 1,5 tháng, khi tôm đạt kích cỡ từ 150 – 170 con/kg sẽ được chuyển sang ao nuôi. Lúc này mật độ nuôi được giảm xuống còn từ 150 – 160 con/ m2. Sau 3 tháng nuôi, khi tôm đạt kích cỡ 38 con/kg, thì bà Thúy tiến hành thu tỉa bớt tôm trong ao để giảm mật độ, cũng như đảm bảo về mặt kinh tế. Sau khi thu tỉa xong, bà tiếp tục nuôi thêm gần 1 tháng, khi tôm đạt kích cỡ 26 con/kg thì thu hoạch toàn bộ. 

Thực tế mô hình tại hộ bà Thúy cho thấy, nuôi TTCT theo quy trình 2 giai đoạn có nhiều ưu điểm. Ở giai đoạn 1, tôm được nuôi trong ao ương có diện tích nhỏ, có mái che, giúp các yếu tố môi trường ổn định, tôm phát triển tốt, tỷ lệ sống cao. Ao có diện tích nhỏ, nên chi phí hóa chất xử lý môi trường, chế phẩm vi sinh, khoáng, bơm nước, thấp hơn rất nhiều 

so với cách nuôi truyền thống. Khi sang giai đoạn 2, cần xác định được chính xác khối lượng tôm nuôi để định lượng thức ăn phù hợp, tránh tình trạng dư thừa thức ăn, giảm lượng chất thải xả ra môi trường. 

Bà Thúy cho biết, với diện tích ao chứa lớn, nên nguồn nước cấp vào ao ương và ao nuôi được xử lý kỹ, giảm thiểu mầm bệnh gây hại. Nuôi theo phương thức tuần hoàn nước, nên kích cỡ tôm thu hoạch lớn, năng suất cao hơn nhiều so với cách nuôi truyền thống. 

Giải pháp hữu hiệu 

Bắt đầu thực hiện từ năm 2018, đến nay toàn tỉnh Quảng Trị đã có trên 100 ha nuôi tôm công nghệ cao, tập trung chủ yếu ở các huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh, Vĩnh Linh và TP Đông Hà. Hầu hết các mô hình nuôi tôm công nghệ cao đều được triển khai thành công, mang lại hiệu quả cao cho người nuôi, nhờ hạn chế được rủi ro về dịch bệnh, giảm thiểu chi phí sản xuất. 

Năm 2023, trong khi các hộ nuôi tôm theo phương thức truyền thống tại huyện Vĩnh Linh thất thu, với trên 250 ha tôm nuôi bị chết do dịch bệnh, môi trường nước bị ô nhiễm, thì những hộ nuôi tôm công nghệ cao, theo quy trình 2, 3 giai đoạn vẫn đạt hiệu quả. 

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Hữu Vinh khẳng định, nuôi tôm công nghệ cao đã giải quyết được phần nào khó khăn về quản 

lý môi trường nuôi, nhất là xử lý chất thải và khí độc trong ao nuôi thường gặp phải, khi nuôi theo phương thức truyền thống. Cụ thể, thông thường khi tôm nuôi được khoảng 60 ngày tuổi, thì lượng chất thải tích tụ dưới đáy ao khá lớn. Đây là thời điểm dễ phát sinh các loại khí độc, ảnh hưởng đến chất lượng nước và sức khỏe của tôm nuôi. 

Do vậy, việc chuyển từ ao ương sang ao nuôi, giúp đáy ao nuôi luôn mới, thời gian nuôi tại mỗi ao ngắn, nên lượng chất thải, khí độc phát sinh không lớn. Mặt khác, thời gian nuôi 1 vụ của các ao không dài, thông thường khoảng 2 tháng. Ao nuôi được luân chuyển theo hình thức cuốn chiếu, nên người nuôi có thể tăng số vụ nuôi trong năm. 

Theo ông Vinh, nuôi tôm công nghệ cao là giải pháp hữu hiệu hiện nay, giúp người nuôi tôm hạn chế dịch bệnh, thích ứng với sự biến đổi khí hậu và hạn chế ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, nuôi tôm công nghệ cao cũng gặp những khó khăn nhất định như: Phải có diện tích khu nuôi tôm đủ lớn, phải xây dựng thêm ao ương, cao nuôi giai đoạn 2, giai đoạn 3; đầu tư máy móc, thiết bị đồng bộ, nhất là hệ thống quạt nước, ôxy đáy…; hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng như điện, đường, hệ thống mương cấp, thải nước… nên chi phí đầu tư ban đầu tương đối cao. 

Ngọc Diệp

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!