T2, 06/07/2020 10:43

Quản lý và khai thác thủy sản dựa vào cộng đồng

Chưa có đánh giá về bài viết

Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nâng cao thu nhập, giảm chi phí quản lý của Nhà nước… đồng nghĩa với phát triển phương thức đồng quản lý nghề cá một cách hiệu quả, bền vững. Đây cũng là nội dung được bàn luận tại diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cùng Sở NN&PTNT Thừa Thiên – Huế tổ chức (ảnh).


Xu hướng tất yếu

Nói về những tồn tại, hạn chế trong quản lý nghề cá, ông Lê Trần Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục KT&BVNLTS cho biết: Nghề cá Việt Nam có quy mô nhỏ, manh mún… trong khi nguồn lực cho công tác quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản hạn chế. Hiện có khoảng 90 phương tiện (gồm tàu, xuồng, canô) để thực hiện công tác kiểm tra khoảng 123.000 chiếc trên toàn quốc. Do vậy, tình trạng đánh bắt tận diệt diễn ra ngày càng nhiều, đã và đang làm cho nguồn lợi suy giảm.

Tổng trữ lượng tài nguyên thủy sản các vùng biển nước ta khoảng 5 triệu tấn, khả năng cho phép khai thác tối đa bền vững 2,15 triệu tấn. Tuy nhiên, năm 2012, sản lượng khai thác đã quá 2,7 triệu tấn (vượt mức khai thác tối đa bền vững trên 550 nghìn tấn); nghề khai thác nguồn lợi thủy sản nước ngọt cũng cần báo động. Trong khi phí để các cơ quan chuyên ngành thực hiện chức năng quản lý, kiểm tra, kiểm soát rất tốn kém.

Chính vì vậy, phương thức quản lý nghề cá dựa vào cộng đồng (hay đồng quản lý nghề cá) ở Việt Nam rất cần thiết. Ông Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục KT&BVNLTS Thừa Thiên – Huế cho biết: Hiện, phương thức quản lý và khai thác nguồn lợi thủy sản dựa vào cộng đồng được nhiều quốc gia áp dụng. Tại Nhật Bản sử dụng hệ thống Hiệp hội Nghề cá (Fisheries Cooperative Association) để quản lý nghề cá ven bờ; Hàn Quốc cấp “nghề cá làng” chỉ cho các Hội Khai thác của làng quản lý; Campuchia gần 10 năm nay đã phát triển hệ thống “nghề cá cộng đồng”, hiện có khoảng 800 tổ chức “nghề cá cộng đồng” góp phần cùng nhà nước quản lý thủy sản ngày một tốt hơn. Tại các nước đang phát triển, nghề cá cộng đồng được thừa nhận là một phương thức quản lý hiệu quả, ít tốn kém. Qua đó, cộng đồng dân cư các địa phương ven biển được trao quyền cụ thể, có kiểm soát trong việc quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển.

 

Phát huy tính ưu việt

Bằng nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế, trong nước, của các địa phương, Việt Nam hiện có hơn 40 mô hình đồng quản lý, quản lý nghề cá dựa vào cộng đồng đã được triển khai và áp dụng, bao gồm cả nuôi trồng và khai thác thủy sản tại 18 tỉnh, thành phố ở 7 vùng sinh thái.

Mô hình đồng quản lý khai thác vùng biển ven bờ tại xã Quỳnh Lập, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) có diện tích 2.080 ha – Ảnh: Huy Hùng

Đánh giá hiệu quả của mô hình, ông Lê Trần Nguyên Hùng nhận xét: Phần lớn các mô hình đã hình thành, đạt hiệu quả trên các phương diện: bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, giảm thiểu phương tiện khai thác hủy diệt, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân, cải thiện sinh kế hướng đến phát triển bền vững… Điển hình như đồng quản lý nghề cá tại Thừa Thiên – Huế.

Ông Nguyễn Quang Vinh Bình cũng cho biết: Quản lý nghề cá cộng đồng của tỉnh chính thức được công nhận năm 2004. Đến nay, có hơn 6.000 hội viên 72 Chi hội Nghề cá cơ sở phát triển rộng khắp các xã 5 huyện ven biển, ở cả nghề cá đầm phá và nghề cá biển với các loại hình vừa đánh bắt, nuôi trồng, hoặc đánh bắt hoặc nuôi trồng; nhiều quy mô liên thôn, trọn thôn hoặc bộ phận ngư dân trong cùng một khu vực sản xuất. Bên cạnh đó, UBND các huyện đầm phá cấp 34 quyền khai thác thủy sản cho 36 Chi hội Nghề cá cơ sở, với tổng diện tích 14.235 ha (chiếm 65% diện tích đầm phá). UBND tỉnh đã thành lập 10 Khu bảo vệ thủy sản với diện tích 307,7 ha (chiếm khoảng 1,5% diện tích toàn đầm phá) giao cho các Chi hội Nghề cá cơ sở quản lý, dưới sự điều phối của Chi cục KT&BVNLTS.

Ba năm gần đây, các Chi hội Nghề cá đã thực hiện khoảng 500 đợt tuần tra; hướng dẫn và xua đuổi 300 trường hợp vi phạm; lập biên bản 178 trường hợp vi phạm, xử lý: 98 trường hợp, phạt tiền: 45.650.000 đồng… Môi trường và nguồn lợi thủy sản trên đầm phá Tam Giang – Cầu Hai những năm gần đây có dấu hiệu phục hồi tốt, một số loài tôm cá bị cạn kiệt đã xuất hiện trở lại, góp phần tăng chất lượng, sản lượng khai thác và tạo nguồn tôm, cá giống tốt cho nuôi thủy sản, tăng thu nhập cho ngư dân.

Tuy nhiên, do nghề cá Việt Nam có những đặc điểm riêng như: quy mô nhỏ; ngư dân sống phụ thuộc nguồn lợi thủy sản, vùng ven biển thì phụ thuộc vào nghề cá (chiếm 82%)… nên khi triển khai Dự án, nhận thức của ngư dân cũng như chính quyền địa phương về mô hình đồng quản lý nghề cá còn hạn chế, dẫn tới phát triển thiếu bền vững.

Nhằm phát huy tính ưu việt cũng như nhân rộng và phát triển hơn mô hình đồng quản lý trên cả nước, TS Phan Huy Thông đã kiến nghị các phương pháp quản lý và cách thức hoạt động: Tuyên truyền phổ biến pháp luật, khoa học kỹ thuật và phương pháp quản lý, cách thức hoạt động mô hình cho hiệu quả; Cần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về vấn đề đồng quản lý; Tăng cường tổ chức phổ cập kiến thức về khai thác bền vững cho người dân; Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực quản lý, khai thác, bảo quản và chế biến, đặc biệt trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản; Đa dạng hóa ngành nghề sinh kế; Các cơ quan chức năng phải vào cuộc bảo vệ người dân; Tăng cường thông tin tuyên truyền và nhân rộng các mô hình khai thác hiệu quả…

>> Tiến sĩ Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia: Quản lý nghề cá cộng đồng tăng cường sự chủ động, thúc đẩy cộng đồng dân cư cùng chia sẻ trách nhiệm với Nhà nước trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển; phù hợp chủ trương của Đảng và Nhà nước về quy chế dân chủ cơ sở theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Vũ Mưa

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!