T3, 07/11/2023 04:29

Quảng Nam: An toàn khai thác mùa bão

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Để đảm bảo an toàn cho tàu cá hoạt động mùa mưa bão, tỉnh Quảng Nam đã tập trung triển khai nhiều giải pháp.

Chú trọng an toàn

Theo Chi cục Thủy sản Quảng Nam, 100% tàu cá trên địa bàn tỉnh đã thực hiện sơn màu cabin tàu để đánh dấu tàu cá theo đúng quy định tại Thông tư 23/2018/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT. Thời gian qua, công tác đảm bảo an toàn khi sản xuất trên biển được cơ quan chức năng và cộng đồng ngư dân trong tỉnh chú trọng. Công tác đăng kiểm an toàn kỹ thuật tàu cá được triển khai nghiêm ngặt nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng tàu cá bị hỏng trên biển. Trước mỗi mùa mưa bão, cơ quan chuyên môn đều tiến hành kiểm tra đồng loạt các tàu cá; nhắc nhở ngư dân trang bị các thiết bị cần thiết trước khi vươn khơi. 

Nhiều con tàu được đưa vào triền đà để sửa chữa định kỳ. Ảnh: Võ Lê

Cảng cá Tam Quang (huyện Núi Thành) những ngày gần đây tấp nập người ra vào, nhiều chủ tàu lấy nhiên liệu và nhu yếu phẩm để chuẩn bị cho chuyến biển mới. Theo ngư dân Huỳnh Công Thảo (thôn Đông Tuần, xã Tam Hải, huyện Núi Thành), trên địa bàn thôn có 8 tàu cá đi biển theo mô hình tổ đoàn kết bám biển. Nếu thành viên không may gặp sự cố khi ra khơi, các thành viên trong tổ sẽ tương trợ ứng cứu, hỗ trợ đưa tàu về bờ. “Trước đây ngư dân làm ăn riêng lẻ, gặp sự cố thì rất khó kêu gọi để giúp đỡ. Từ khi tham gia mô hình tổ đoàn kết bám biển, chúng tôi yên tâm hơn mỗi lần ra khơi. Ngoài ứng phó sự cố, các thành viên còn chia sẻ ngư trường, chia sẻ giá bán hải sản”, ông Thảo cho biết thêm.

Ông Nguyễn Anh (thôn Sâm Linh Tây), chủ tàu cá QNa90145 có công suất 700CV, cho biết định kỳ hàng năm đều đưa tàu lên triền đà để kiểm tra thân tàu, chỗ nào hỏng, xuống cấp thì sửa chữa ngay. Đồng thời kiểm tra, khắc phục các máy móc, thiết bị. 

Chủ tịch Lê Trí Thanh (đứng giữa) chỉ đạo công tác tìm kiếm, cứu nạn cứu hộ trong vụ chìm tàu câu mực ngày 16/10/2023. Ảnh: Đắc Thành

Chủ tàu cá QNa90794 Trần Trắng (thôn Sâm Linh Đông) chia sẻ, mùa biển động, để an toàn mỗi chuyến biển, tàu phải trang bị đầy đủ áo phao, phao cứu sinh cho từng thuyền viên. Mũi tàu được trang bị thêm phao bè loại lớn để hạn chế lực khi va đập. Thiết bị giám sát hành trình, đèn, còi, thiết bị phòng cháy chữa cháy, thiết bị vô tuyến, máy Icom tầm ngắn, tầm trung, tầm xa đều được kiểm tra, đảm bảo hoạt động 24/24 để giữ liên lạc với đất liền và các ngành chức năng. Qua thiết bị vô tuyến, ông Trắng thường xuyên cập nhật thông tin thời tiết, nếu tình hình thuận lợi thì tiến hành đánh bắt hải sản, trường hợp có diễn biến xấu, ông sẽ di chuyển tàu đi vào vùng an toàn hoặc đưa tàu về bờ.

Kiểm soát chặt 

Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, trong 6 tháng đầu năm 2023, có 22 vụ tai nạn trên biển với 6 tàu cá, làm chết 10 người, 1 người mất tích. Và sự cố vào đầu mùa biển động năm nay, 2 tàu cá của ngư dân Quảng Nam bị chìm ở vùng biển xa bờ, đã gióng lên hồi chuông báo động về việc đảm bảo an toàn cho những chuyến ra khơi bám biển.

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu lực lượng chức năng kiểm soát chặt tàu cá, kiên quyết không để các tàu ra khơi đánh bắt hải sản khi hết hạn đăng kiểm, thiếu trang thiết bị an toàn, hệ thống thông tin liên lạc không đảm bảo…

Tập trung tuyên truyền ngư dân đánh bắt hải sản xa bờ phải mở hệ thống thông tin vệ tinh, máy giám sát hành trình 24/24 để nhận thông tin cảnh báo trên biển và được hướng dẫn di chuyển tàu ra khỏi phạm vi nguy hiểm. Đồng thời, ngư dân cần trang bị túi cứu thương, bảo đảm sơ cứu ban đầu khi không may gặp tai nạn.

Đặc biệt, theo Thông tư 01 ngày 18/1/2022 của Bộ NN&PTNT quy định đối với tàu cá có chiều dài từ 12 m đến 15 m phải có thuyền trưởng hạng III, máy trưởng hạng III; nhóm tàu cá có chiều dài từ 15 m đến 24 m phải có thuyền trưởng hạng II, máy trưởng hạng II; nhóm tàu cá có chiều dài trên 24 m phải có thuyền trưởng hạng I, thuyền trưởng hạng II, máy trưởng hạng I và thợ máy. Nếu không có đủ các thuyền viên có chứng chỉ trên, tàu sẽ không được ra khơi.

>> Quảng Nam hiện có 2.715 tàu cá, trong đó tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên hoạt động vùng khơi là 657 chiếc, tàu cá chiều dài từ 12 m đến dưới 15 m hoạt động vùng lộng là 720 chiếc, tàu cá chiều dài từ 6 m đến dưới 12 m hoạt động vùng bờ là 1.338 chiếc. Ngành khai thác thủy sản đã giải quyết việc làm cho khoảng 15.000 lao động, trong đó 13.000 người khai thác trực tiếp trên biển và khoảng 2.000 lao động trên bờ làm nghề dịch vụ, thu mua.

Thái Thuận

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!