T2, 06/07/2020 01:10

Quảng Ngãi: Hướng đến nghề cá bền vững

Chưa có đánh giá về bài viết

Quảng Ngãi có đường bờ biển dài khoảng 130 km, gắn với ngư trường khai thác lớn, thời gian qua, tỉnh đã và đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ đắc lực cho ngư dân nhằm tạo thêm động lực giúp họ vươn khơi khai thác hiệu quả, bảo vệ chủ quyền biển đảo.


Đóng tàu lớn vươn khơi xa ở Nghĩa Phú, TP Quảng Ngãi Ảnh: Nguyễn Đăng Lâm

Hỗ trợ ngư dân

Tỉnh Quảng Ngãi có hơn 4 vạn lao động tham gia khai thác thủy sản cùng 7 HTX dịch vụ khai thác hải sản xa bờ, 12 nghiệp đoàn nghề cá và củng cố, phát triển 306 tổ, đội ngư dân đoàn kết sản xuất. Để hỗ trợ và tạo thuận lợi cho ngư dân tham gia khai thác thủy sản trên biển, Quảng Ngãi đã thực hiện có hiệu quả một số chính sách như Nghị định 67/NĐ-CP của Chính phủ, tiếp tục triển khai thực hiện chính sách tín dụng đóng mới, nâng cấp tàu cá và chính sách ưu đãi về thuế, cung cấp dịch vụ hậu cần; hay Quyết định 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhiều tàu cá đăng ký tham gia khai thác vùng biển xa lắp đặt máy thông tin liên lạc có tích hợp định vị vệ tinh và được cấp mã số quản lý.

Về hạ tầng nghề cá, Quảng Ngãi hiện có 2 cảng cá Sa Huỳnh, Tịnh Kỳ và 3 cảng neo trú tàu thuyền Lý Sơn, Tịnh Hòa, Mỹ Á. Hiện, cảng neo trú tàu thuyền Lý Sơn và Mỹ Á đã hoàn thành giai đoạn 1 đưa vào sử dụng; cảng Tịnh Hòa hoạt động ổn định, còn cảng Tịnh Kỳ đang hoàn chỉnh thủ tục để đầu tư các hạng mục do ngân sách tỉnh đầu tư.

Là một trong những địa phương có nghề khai thác thủy sản phát triển, huyện Đức Phổ có ngư trường khai thác trên 3.000 km2, có 2 cửa biển Sa Huỳnh (Phổ Thạnh) và Mỹ Á (Phổ Quang). Nhờ được trung ương, tỉnh, huyện và các cấp, ngành hỗ trợ, ngư dân Đức Phổ đã mạnh dạn đầu tư đóng mới, cải hoán tàu thuyền công suất lớn, trang bị thiết bị khai thác hiện đại. Qua đó, ngư dân trong huyện đã tiếp cận nguồn vốn vay, đóng mới 7 tàu công suất lớn (1 tàu vỏ thép và 6 tàu vỏ gỗ), với tổng kinh phí đã giải ngân trên 46,75 tỷ đồng; nâng tổng số tàu thuyền trong toàn huyện lên 1.632 phương tiện, tổng công suất 662.294 CV. Theo đó, sản lượng khai thác hải sản hằng năm của Đức Phổ tăng lên đáng kể, như năm 2017, đạt sản lượng 63.150 tấn, bằng 95,6% so chỉ tiêu được giao đến năm 2020. Trong 6 tháng đầu năm 2018, sản lượng khai thác thủy sản ước 39.080 tấn, tăng 10,2% so cùng kỳ năm 2017.

Ứng dụng công nghệ khai thác

Cùng với các ngành chức năng, việc khắc phục “thẻ vàng” của EC cũng được nhiều ngư dân trên địa bàn tỉnh hợp tác, thông qua việc ứng dụng công nghệ trong khai thác, bảo quản thủy sản. Ngư dân Nguyễn Thành Khâm, ở xã Tịnh Kỳ (TP Quảng Ngãi) cho biết, việc sử dụng hệ thống giám sát tàu cá Movimar không chỉ giúp ông yên tâm bám biển, mà còn tạo thuận lợi cho các ngành chức năng thực hiện việc quản lý, kiểm soát quá trình khai thác thủy sản; vì vậy, nhiều năm qua, ông Khâm luôn bật hệ thống Movimar mỗi khi vươn khơi. Tuy nhiên, để hệ thống này hoạt động hiệu quả, Bộ NN&PTNT đã yêu cầu Tổng cục Thủy sản phối hợp với các địa phương rà soát, thu hồi và bảo dưỡng, nâng cấp tính năng của hệ thống Movimar đã được lắp đặt trong thời gian qua trên các tàu cá. Đồng thời, tiếp tục duy trì cài đặt hệ thống này cho tàu cá giai đoạn 2018 – 2020, giúp cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ hơn nữa hoạt động khai thác thủy sản, cũng như hỗ trợ công tác cứu hộ, cứu nạn cho ngư dân.

Đại diện Chi cục Thủy sản Quảng Ngãi chia sẻ, những quy định chống khai thác IUU đã tạo ra nhiều thử thách cho ngành khai thác thủy sản và ngư dân trên địa bàn tỉnh; tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để ngành nhìn lại mình, để thực hiện hiệu quả việc tái cơ cấu. Bởi, các quy định này không chỉ tạo bước ngoặt trong công tác quản lý, mà còn giúp ngư dân thay đổi thói quen khai thác thủy sản theo hướng phát triển bền vững, doanh nghiệp xuất khẩu hải sản cũng sẽ thận trọng hơn trong việc thu mua và sử dụng nguyên liệu hải sản. Theo đó, để chống tình trạng khai thác IUU và phát triển bền vững nghề cá, cần đẩy mạnh công tác ứng dụng giám sát dữ liệu và vùng biển đánh bắt qua vệ tinh. Đồng thời, khuyến khích ngư dân tự giám sát lẫn nhau, tổ chức cộng đồng cùng chia sẻ trách nhiệm bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Điều này sẽ kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm trong quá trình khai thác nguồn lợi thủy sản.

>> Theo thống kê, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã quyết định hỗ trợ cho ngư dân 38 đợt với tổng số tiền hơn 1.140 tỷ đồng và đang xem xét hồ sơ hỗ trợ đợt 1/2018 khoảng 55 tỷ đồng.

Ngọc Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!