Quảng Trị: Hiệu quả của đề án khuyến công, nhìn từ mô hình chế biến thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

Xuất phát từ mục đích tận dụng tốt nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, nâng giá trị khai thác biển, được sự hỗ trợ của đề án khuyến công Quốc gia, Sở Công thương và chính quyền địa phương, DNTN Ngọc Tuấn, thị trấn Cửa Tùng (Vĩnh Linh, Quảng Trị) đã xây dựng thành công mô hình sản xuất bột cá và cá khô, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.

Đối với gia đình bà Hồ Thị Phiến, khu phố An Hòa 1, thị trấn Cửa Tùng (Vĩnh Linh), nhà máy sản xuất bột cá và cá khô đi vào hoạt động đã góp phần giúp gia đình bà đoàn tụ và cải thiện thu nhập. Ngày trước, để có thêm thu nhập, bà Phiến chọn nghề chạy chợ buôn bán. Ngoài 50 tuổi, không còn đủ sức chợ búa, bà tìm việc làm thuê tại các cơ sở chế biến cá thủ công trên địa bàn. Tuy nhiên, công việc cũng thất thường do các cơ sở không hoạt động thường xuyên. Không tìm được việc làm tại địa phương, anh Hồ Ngọc Hoàng, con trai bà Phiến cùng vợ vào miền Nam làm công nhân trong các nhà máy. 

Hệ thống hấp sấy cá tại Nhà máy sản xuất bột cá, cá khô Cửa Tùng

Từ khi nhà máy sản xuất bột cá và cá khô đi vào hoạt động, cũng như nhiều phụ nữ khác ở địa phương, bà Phiến được nhận vào làm công nhân tại nhà máy với công việc sơ chế cá, bình quân mỗi ngày thu nhập khoảng 120 ngàn đồng. Sau khi trở về từ miền Nam, vợ chồng anh Hồ Ngọc Hoàng được làm công nhân tại bộ phận lò sấy, xay bột cá của nhà máy với thu nhập ổn định.

Anh Hoàng cho biết: “Được làm việc ngay tại địa phương với nguồn thu nhập khá ổn định là niềm mơ ước của hàng trăm lao động. Những nhà máy như thế này rất cần thiết đối với các vùng biển, nơi có nguồn nguyên liệu dồi dào và lực lượng lao động nhàn rỗi khá lớn”.

Chị Phan Thị Sao, khu phố An Hòa 2 cho rằng nhà máy đi vào hoạt động phần nào đáp ứng được 2 nguyện vọng lớn nhất của người dân vùng biển. Thứ nhất, ngư dân sau khi đánh bắt hải sản có đầu ra ổn định, tạo sự yên tâm cho ngư dân khi ra biển. Thứ hai, hoạt động của nhà máy đã giải quyết việc làm cho một bộ phận lớn lao động trên địa bàn và các vùng lân cận nên người dân rất phấn khởi. Đặc biệt, nhờ có việc làm thường xuyên tại địa phương, lực lượng lao động trẻ bớt ăn chơi lêu lõng, tụ tập, các tệ nạn xã hội từ đó cũng giảm rõ rệt.

Là một tỉnh có bờ biển kéo dài, ngư trường gần 9.000 km2 với nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế cao, cùng với trên 4.000 ha mặt nước có thể nuôi các loại thủy sản có giá trị như tôm, cua…, Quảng Trị có tiềm năng rất lớn để phát triển ngành nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy hải sản. Nghề chế biến thủy sản đã hình thành lâu đời trên địa bàn tỉnh với các hình thức như: đông lạnh xuất khẩu, phơi sấy khô, muối mắm và làm nước mắm. Chế biến cá khô với công nghệ truyền thống phổ biến ở các vùng biển Cửa Tùng, Cửa Việt với hàng chục cơ sở lớn nhỏ, thu hút hàng trăm lao động địa phương.

Đến nay, toàn tỉnh có 60 lò hấp cá thủ công các loại, chủ yếu sử dụng công nghệ hấp trực tiếp rồi phơi nắng, công suất nhỏ với hình thức hộ gia đình. Tuy nhiên, phương pháp chế biến thủ công vẫn còn nhiều hạn chế về khâu chất lượng và vấn đề VSATTP, sức cạnh tranh trên thị trường chưa cao. Là doanh nghiệp chuyên hoạt động trên lĩnh vực thu mua, chế biến thủy hải sản, doanh nghiệp tư nhân Ngọc Tuấn luôn mong muốn góp phần chế biến tốt nguồn nguyên liệu sẵn có, nâng giá trị khai thác biển, đồng thời giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương. Nhà máy chế biến cá khô và bột cá xuất khẩu đi vào hoạt động từ đầu năm 2012 với tổng vốn đầu tư đến nay khoảng 15 tỷ đồng, công suất đạt gần 5.000 tấn/năm.

Nhà máy có các phân xưởng sản xuất chính như: hệ thống kho đông, hệ thống hấp sấy và dây chuyền chế biến bột cá. Các công đoạn hấp sấy (kể cả làm bột cá) đều sử dụng công nghệ hơi nước, năng lượng hấp sấy được cung cấp bởi nồi hơi nên đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm rất cao. Ngoài ra, nhà máy có hệ thống xử lý mùi từ quá trình chế biến nên giảm thiểu mùi hôi thải ra môi trường xung quanh. Với dây chuyền sản xuất bột cá sẽ tận dụng được nguồn nguyên liệu phế phẩm thủy hải sản đầu, xương cá, vỏ tôm…nên tận thu hết nguồn nguyên liệu trên địa bàn, giúp ngư dân yên tâm ra khơi bám biển.

Khẳng định thêm về hiệu quả đề án khuyến công trên địa bàn, đồng chí Nguyễn Văn Phú, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cửa Tùng cho biết: “Với nguồn thủy hải sản dồi dào nhưng ngành công nghiệp chế biến thủy sản ở Cửa Tùng phát triển chưa tương xứng. Trên địa bàn hiện có trên 10 lò hấp sấy thủy sản tuy nhiên quy mô còn nhỏ, chủ yếu là các mô hình thủ công. Chính sự ra đời của nhà máy sản xuất bột cá, cá khô của doanh nghiệp Ngọc Tuấn đã tạo ra bước đột phá lớn trong công nghiệp chế biến địa phương. Dự án đã góp phần tạo việc làm cho lực lượng lớn lao động nhàn rỗi và tàu thuyền hành nghề khai thác thủy hải sản trên địa bàn, góp phần tăng thu nhập cho các hộ gia đình”.

“Hiện tại, nhà máy đang tạo việc làm thường xuyên, ổn định cho trên 68 lao động địa phương và các vùng lân cận với mức thu nhập bình quân từ 2,5-3 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, thời điểm vào vụ, nhà máy cần trên 100 lao động thời vụ để đáp ứng nhu cầu sản xuất. Trong thời gian tới, doanh nghiệp tiếp tục đầu tư mở rộng dây chuyền hấp sấy cá với mức đầu tư khoảng 6-7 tỷ đồng và hướng tới xây dựng thương hiệu hàng hóa cho các sản phẩm bột cá, cá sấy”, ông Hồ Thanh Ngọc, Giám đốc DNTN Ngọc Tuấn cho biết thêm.

Thực tế những năm qua cho thấy, hiệu quả nổi bật nhất mà các đề án khuyến công trên địa bàn đạt được chính là đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho lao động nông thôn. Đồng thời, các đề án cũng đã khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp một cách bền vững, nâng cao sức cạnh tranh và hội nhập. Đề án “Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất bột cá và cá khô” của DNTN Ngọc Tuấn có tính khả thi khá cao, xuất phát từ các yếu tố chủ yếu như: thị phần đầu vào nguyên liệu nhỏ hơn mức cung ứng nguyên liệu của thị trường; thị trường tiêu thụ sản phẩm đảm bảo ổn định; công nghệ thiết bị lựa chọn phù hợp với quy mô và khả năng tài chính của doanh nghiệp; góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân vùng biển…

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Quốc Hồ Hiệp Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Công thương Quảng Trị đánh giá cao sự thành công của mô hình sản xuất bột cá, cá khô ở Cửa Tùng. Để đề án hoạt động có hiệu quả, phía doanh nghiệp cần phải có chiến lược cụ thể, hoàn thành mạng lưới thu mua nguồn nguyên liệu thủy hải sản tại các vùng lân cận và trên địa bàn tỉnh, nhằm đảm bảo chủ động nguyên liệu cho nhà máy. Tiếp tục quan tâm đến vấn đề chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm, xử lý môi trường…Cần có sự đổi mới trong mẫu mã, bao bì, nhãn hiệu, từng bước hướng tới xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm ở thị trường trong nước và quốc tế. Ngoài sự nỗ lực của doanh nghiệp rất cần sự tiếp sức của các cấp, ngành chức năng liên quan để dự án chế biến thủy sản này tiếp tục phát huy hiệu quả.

Lệ Như

Báo Quảng Trị

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!