Sóc Trăng: Chủ động phòng bệnh trên tôm

Chưa có đánh giá về bài viết

Dịch bệnh trên tôm luôn là nỗi lo thường trực mỗi khi bắt đầu vào vụ nuôi. Tuy đã có nhiều biện pháp khắc phục nhưng chưa triệt để. Đây cũng là vấn đề được nhiều tỉnh thành nuôi tôm trọng điểm trong cả nước quan tâm, trong đó có Sóc Trăng.

Hạ tầng chưa theo kịp

Theo báo cáo của Cục Thú y, 10 tháng đầu năm 2014, tổng diện tích tôm bị bệnh đốm trắng ở các tỉnh ĐBSCL lên tới trên 21 nghìn ha, tăng gần gấp đôi so cùng kỳ năm 2013 (hơn 12 nghìn ha). Nghiêm trọng nhất là Sóc Trăng với gần 11 nghìn ha tôm mắc bệnh.

Trước đây, Sóc Trăng chủ yếu là nuôi tôm sú nhưng do dịch bệnh gia tăng, nên người dân chuyển sang nuôi TTCT, ban đầu cho kết quả tốt. Tuy nhiên, những năm gần đây, đặc biệt là trong năm 2014, do sự bùng nổ TTCT đã kéo theo hệ lụy khi giá tôm giảm mạnh, cộng với dịch bệnh bùng phát làm tôm chết hàng loạt gây thiệt hại nặng.

Thủy lợi và nuôi trồng thủy sản có mối quan hệ mật thiết với nhau, nhưng thực tế với việc phát triển nuôi trồng thủy sản tại Sóc Trăng thì thủy lợi lại chưa theo kịp. Rồi nguồn điện cũng không đủ đáp ứng cho mô hình nuôi TTCT khi mở rộng quá nhiều.

Dịch bệnh tôm gia tăng ở các tỉnh ĐBSCL – Ảnh: Thanh Ngân

Điển hình như huyện Long Phú vốn là địa phương chuyên trồng mía và lúa. Con tôm không nằm trong quy hoạch phát triển của huyện này. Tuy nhiên, trước sức hấp dẫn của TTCT, không chỉ các huyện khác trong tỉnh Sóc Trăng, mà các hộ dân trên địa bàn Long Phú cũng đào ao nuôi tôm. Khác là, người dân ở các huyện ven biển đào ao, lấy nước từ sông vào cải tạo, tăng độ mặn để nuôi tôm thì nông dân Long Phú lại khoan giếng để lấy nước mặn phục vụ nuôi tôm. Thậm chí, nhiều người còn lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của cơ quan chức năng để khoan giếng vào ban đêm.

 

Không để người nuôi “tự bơi”

Khó có thể chấp nhận được khi xuất khẩu tôm đang đóng vai trò chính trong ngành thủy sản, nhưng người nuôi tôm luôn đối mặt với rủi ro, thua lỗ ập đến bất cứ lúc nào. Vì thế, trợ lực cho người nuôi vượt qua khó khăn hướng tới phát triển bền vững là vấn đề cấp bách đặt ra, trong đó vốn là yếu tố rất quan trọng.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 540/QĐ – TTg về chính sách tín dụng đối với người nuôi tôm và cá tra. Theo đó, người nuôi được cơ cấu lại nợ tối đa 36 tháng, không thu lãi quá hạn, lãi phạt…; đồng thời, được xem xét cho vay mới để khôi phục sản xuất.

Tuy nhiên, về lâu dài cần đầu tư mạnh hơn cho nghề nuôi tôm về thủy lợi, con giống, quy hoạch lại vùng nuôi hợp lý… Đặc biệt, nên triển khai mô hình nuôi tôm có sự liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, nhằm đảm bảo đầu ra. Nghề nuôi tôm rất tiềm năng nhưng cũng lắm rủi ro. Do đó, song hành với việc cơ cấu lại nguồn vốn thì cần gấp rút tổ chức sản xuất theo hướng liên kết các khâu trong chuỗi giá trị. Xây dựng mô hình hợp tác chặt chẽ giữa người nuôi với doanh nghiệp cung ứng thức ăn, thuốc, chế phẩm sinh học và doanh nghiệp tiêu thụ, chế biến, xuất khẩu; thông qua sự hỗ trợ của ngành chức năng và ngân hàng.

Cùng đó, đẩy mạnh giải pháp về khoa học công nghệ như sản xuất giống, thức ăn, thuốc, hóa chất, chất xử lý cải tạo môi trường, men vi sinh và chế phẩm sinh học trong nuôi thủy sản, xem đây là giải pháp đột phá nhằm nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm cho nguyên liệu.

Năm 2015, tỉnh Sóc Trăng sẽ được đầu tư các công trình như hệ thống thủy lợi có đường cấp thoát nước riêng biệt ở vùng chuyên canh tôm quy mô hơn 2.000 ha ở huyện Trần Đề; cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi thủy sản ở huyện Cù Lao Dung quy mô hơn 1.500 ha; đầu tư cơ sở hạ tầng nuôi thủy sản ở thị xã Vĩnh Châu quy mô 8.000 ha; tổng giá trị đầu tư khoảng 800 tỷ đồng.

Hải Lý

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!