Tập trung vào các đối tượng thủy sản có thế mạnh xuất khẩu

Chưa có đánh giá về bài viết

Đó là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Vũ Văn Tám tại Hội nghị “Bàn giải pháp phát triển thủy sản bền vững các tỉnh miền Trung” diễn ra ngày 3/11/2015 tại Thừa Thiên – Huế. Hội nghị do Tổng cục Thủy sản phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế tổ chức.

Tập trung vào các đối tượng thủy sản có thế mạnh xuất khẩu

Các tỉnh Bắc Trung bộ (từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên – Huế) có tiềm năng phát triển thủy sản lớn, diện tích có thể nuôi thủy sản toàn vùng là trên 163 nghìn ha; trong đó, diện tích nuôi nước ngọt trên 115 nghìn ha, nuôi mặn lợ trên 48 nghìn ha và trên 1.900 hồ chứa nước thủy điện, thủy lợi chưa được khai thác. Trữ lượng nguồn lợi hải sản vùng biển toàn vùng khoảng 1,18 triệu tấn, có thể cho phép khai thác 535 nghìn tấn với trên 45% cá nổi nhỏ, gần 55% là cá đáy. Tuy nhiên, theo đánh giá chung, diện tích nuôi thủy sản toàn vùng còn nhỏ, với trên 50% diện tích nuôi cả nước, sản lượng trên 139 nghìn tấn. Nuôi thủy sản nước ngọt chưa có bước đột phá. Các hoạt động khai thác, bảo vệ nguồn lợi, chế biến xuất khẩu chưa được đầu tư tương xứng. Tăng trưởng sản lượng khai thác phụ thuộc trên 90% vào tăng số tàu thuyền đánh cá, yếu tố tăng năng suất chỉ dưới 10%, yếu tố tăng giá 15%.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã đưa ra những giải pháp thúc đẩy phát triển thủy sản tại khu vực này gắn với phát triển, hiện đại hóa đội tàu khai thác trên cơ sở lắp đặt hệ thống máy móc, hầm bảo quản trên tàu, tăng hiệu quả, chất lượng sản phẩm khai thác. Trong nuôi trồng, xây dựng quy trình nuôi hiện đại, bền vững…

Thứ trưởng Vũ Văn Tám khẳng định, để phát huy tiềm năng sẵn có của các tỉnh, thành Bắc Trung bộ, cần tập trung rà soát quy hoạch những vùng thủy sản hiện có, phát triển các loài thủy sản có thế mạnh của từng tỉnh, gia tăng chất lượng các loài thủy sản nuôi gắn với việc giảm giá bán, tăng khả năng cạnh tranh. Lĩnh vực khai thác thực hiện theo hướng nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm thông qua ứng dụng công nghệ, khoa học vào sản xuất, hoạt động chế biến xuất khẩu gắn với chính sách thu hút, kêu gọi đầu tư, kết nối giữa cơ quan Nhà nước với doanh nghiệp để doanh nghiệp tham gia nhiều hơn, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu…

Dương Thảo

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!