Tàu vỏ thép cho ngư dân: Kỳ vọng và băn khoăn

Chưa có đánh giá về bài viết

Chương trình cho vay ưu đãi, đóng tàu vỏ thép khai thác xa bờ như một làn gió mát lành giúp ngư dân vững tin vươn khơi, bám biển. Tuy nhiên, bên cạnh những kỳ vọng vẫn còn không ít băn khoăn.

Ông Trần Cao Mưu, Tổng thư ký Hội Nghề cá Việt Nam: Chính sách đầu tư phải đồng bộ và hoàn thiện

Về chính sách hỗ trợ ngư dân phát triển kinh tế thủy sản, Nhà nước đã đặc biệt quan tâm trong nhiều năm qua. Chương trình khai thác hải sản xa bờ năm 1997, sau 3 năm thực hiện, chúng ta đã có thêm đội tàu 5.000 chiếc khai thác vùng khơi; nhưng kết quả không như mong muốn, ngân hàng không thu được nợ trong tổng số đã giải ngân 1.250 tỷ đồng. Việc Chính phủ chủ trương hỗ trợ vốn cho ngư dân đóng tàu vỏ thép là rất kịp thời, là cú hích quan trọng đưa kinh tế biển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Rút kinh nghiệm từ những thiếu sót của dự án xa bờ trước đây, cần phải có lộ trình phù hợp. Việc đóng mới, cải hoán, nâng cấp đội tàu (vật liệu mới) có công suất lớn, thiết bị hiện đại cần phải đầu tư đồng bộ từ cơ sở hạ tầng nghề cá, dịch vụ hậu cần, thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, đào tạo nghề cho ngư dân… Chính sách hoàn thiện, đồng bộ là cơ sở để ngư dân yên tâm đầu tư phát triển sản xuất.

 

Ông Ngô Tấn, Chủ tịch Hội Nghề cá Quảng Nam: Cần lắng nghe ý kiến ngư dân

Chuyển đổi từ tàu vỏ gỗ sang tàu vỏ thép là thay đổi thói quen sản xuất, phải tuyên truyền cụ thể cho ngư dân hiểu rõ lợi ích; phải chuyển giao khoa học công nghệ và đầu tư hạ tầng, hậu cần đồng bộ. Về thiết kế tàu vỏ thép, ngành chức năng nên tham khảo ý kiến ngư dân, chọn mẫu tàu phù hợp từng loại nghề khai thác. Đồng thời, việc tiếp cận nguồn vốn phải được triển khai nhanh chóng, kịp thời, tạo sự thông thoáng. UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng vừa công bố quy hoạch chi tiết dự án Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá Sa Kỳ với tổng vốn gần 1.000 tỷ đồng. Trung tâm này sẽ được xây dựng trên diện tích 26 ha tại xã Tịnh Kỳ (TP Quảng Ngãi), bao gồm các dịch vụ hậu cần nghề cá khép kín. Đây sẽ là khu hậu cần đáp ứng hiệu quả cho tàu vỏ thép hiện đại, hỗ trợ thu mua, chế biến và xuất khẩu, phân phối nguyên liệu thủy sản cho các nhà máy chế biến trong ngoài nước, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho ngư dân.

 

Ông Phan Huy Hoàng, Chủ tịch Hội Nghề cá Quảng Ngãi: Tránh lặp lại vết xe cũ

Tỉnh Quảng Ngãi hiện có khoảng 5.450 tàu cá các loại; trong đó, khoảng 2.400 tàu chuyên đánh bắt xa bờ (đây là tỉnh có đội tàu đánh bắt xa bờ đông nhất  nước), nhu cầu cải hoán, nâng cấp đội tàu đánh bắt xa bờ là cấp thiết với ngư dân. Chính sách hỗ trợ ngư dân sắp được Chính phủ ban hành sẽ thoáng về điều kiện cho vay; nhưng để vận hành được tàu vỏ thép công suất lớn, đòi hỏi người tham gia đánh bắt có kinh nghiệm, có điều kiện góp vốn sắm ngư cụ, điều kiện đánh bắt kèm theo, nên có thể Quảng Ngãi sẽ không triển khai đóng tàu vỏ thép đại trà mà làm có chọn lọc. Dự kiến tàu vỏ thép đóng thí điểm thời gian đầu ở đây khoảng 20 – 30 chiếc. Cùng đó, vướng mắc trong triển khai chính sách hỗ trợ ngư dân đóng tàu lớn theo Quyết định 1787/QĐ-TTg (thí điểm hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ thép khai thác xa bờ) tại Quảng Ngãi không phải là lãi suất thấp hay cao mà chính là các ngân hàng buộc ngư dân phải có tài sản thế chấp, cơ chế xử lý rủi ro rất khó khăn, nên hầu hết ngư dân không vay được tiền. Để tránh lặp lại vết xe cũ này thì thủ tục cho vay phải đơn giản, chọn người có điều kiện, đủ năng lực góp thêm vốn, có kinh nghiệm đánh bắt, quản lý để khai thác tàu hiệu quả; không nên cho vay đại trà, tràn lan theo phong trào.

 

Ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã An Hải, Quảng Ngãi: Ngư dân cần cơ chế vay vốn hợp lý

Khi trực tiếp nói chuyện và xem xét con tàu vỏ thép do Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy đóng, thấy nó phù hợp nghề câu mực hơn đánh bắt xa bờ. Để đánh bắt theo nghề lưới rê hay lưới kéo thì còn rất nhiều hạn chế và phải sửa đổi thiết kế con tàu; cần phải có sự tham gia của ngư dân vào khâu thiết kế, sản xuất để khi họ bỏ đồng vốn vay ra sẽ nhận được sản phẩm phù hợp kinh nghiệm của họ. Nếu cho vay vốn mua tàu với kiểu “chìa khóa trao tay”, ngư dân sẽ thiếu chủ động, dẫn tới thay đổi hoàn toàn kinh nghiệm, tập quán đánh bắt. Như thế là làm khó cho ngư dân, không tạo điều kiện để đạt năng suất cao nhất. Khi không đạt năng suất cao, con tàu không tương thích thì ngư dân sẽ không tin tưởng những mẫu tàu vỏ thép ấy mà quay về với tàu vỏ gỗ của họ.

 

Ông Trần Văn Lĩnh, quyền Chủ tịch Hội Nghề cá TP Đà Nẵng: Hướng tới nền “công nghiệp đánh cá” đúng nghĩa

Đầu tư tàu công suất lớn, vỏ thép cho ngư dân là chủ trương cấp thiết, nhưng cần đồng bộ. Ngư dân muốn tiếp cận tàu vỏ thép đòi hỏi tiếp cận kỹ năng đánh bắt hiện đại, chuyên nghiệp, một nền “công nghiệp đánh cá” đúng nghĩa. Đà Nẵng từng có thời kỳ chủ trương đóng tàu lớn để vươn khơi, ngư dân mạnh dạn hưởng ứng. Tuy nhiên, đầu tư không đồng bộ, ngư dân chưa thông thạo luồng cá, tập quán ngư trường, dự báo luồng cá khiến nhiều tàu phá sản, không ít người phải bán nhà bù lỗ.Vì vậy, phải xem xét từng ngành nghề phù hợp để có định hướng cụ thể cho ngư dân.

Linh Chi (Thực hiện)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!