Theo dõi sát sao, nuôi tôm lãi cao

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông, ông Nguyễn Văn Tiệm, xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình đã mạnh dạn tham gia mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát an toàn thực phẩm, mang lại thu nhập khá.

Tiên phong thực hiện

Vùng cát trắng ven biển Quảng Bình kéo dài từ chân đèo Ngang, huyện Quảng Trạch đến vùng Ngư Thủy, huyện Lệ Thủy, dài 126 km, đi qua 18 xã, trong đó diện tích lớn tập trung tại hai huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh. Tiềm năng của vùng cát ven biển được địa phương phát huy hiệu quả, đó là nuôi thủy sản, trong đó, đối tượng chủ lực được lựa chọn là tôm thẻ chân trắng. 

Với điều kiện thuận lợi về đất đai và nguồn nước biển, những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát của tỉnh không ngừng gia tăng cả về diện tích và sản lượng. Tuy nhiên, với diễn biến thời tiết, khí hậu, môi trường tác động ngày càng tiêu cực làm tôm nuôi dễ bị nhiễm bệnh, người nuôi lạm dụng hóa chất, kháng sinh dẫn đến ảnh hưởng chất lượng tôm, không đảm bảo an toàn thực phẩm, bất lợi cho xuất khẩu. Vì vậy, làm sao vừa nuôi tôm thẻ đạt hiệu quả cao nhưng vẫn đảm bảo an toàn thực phẩm là vấn đề được ngành chức năng, doanh nghiệp và người nuôi tôm đặc biệt quan tâm.

Ảnh minh họa

Năm 2020, từ nguồn kinh phí khuyến nông trung ương, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Quảng Bình đã ký hợp đồng với Trung tâm Khuyến nông Thừa Thiên – Huế triển khai dự án “Xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm” tại xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh với quy mô 1,5 ha.

Là người nuôi tôm nhiều năm trên địa bàn xã, với tâm huyết tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, làm giàu trên mảnh đất quê hương, nắm được thông tin trên, ông Nguyễn Văn Tiệm, xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình đã nộp đơn đăng ký tham gia dự án, tuân thủ hoàn toàn quy trình kỹ thuật cũng như các hướng dẫn, quy định khi thực hiện.

Theo dõi chặt chẽ

Ông Tiệm cho biết: Vào đầu vụ nuôi, nhu cầu tôm giống của người dân rất lớn, lại tập trung trong thời gian ngắn nên việc chọn mua được con giống có chất lượng tại các cơ sở sản xuất và dịch vụ khá khó khăn. Nhiều hộ nuôi trong vùng xả thải trực tiếp ra môi trường, không qua xử lý làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh theo nguồn nước. Trong thời gian nuôi, tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài làm nhiệt độ nước tăng cao, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tôm nuôi. “Tôi tham gia vì nhận thấy đây là mô hình nuôi đem lại hiệu quả kinh tế, phù hợp với các hộ nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát, giúp người dân phát triển sản xuất theo hướng giảm ô nhiễm môi trường, hạn chế dịch bệnh và tạo ra sản phẩm tôm đảm bảo an toàn thực phẩm”.

Với quy mô 0,5 ha; mật độ nuôi tôm thẻ chân trắng 80 con/m2, ông Tiệm thả 400.000 con P12 tôm thẻ chân trắng. Hằng ngày, ông cho tôm thẻ chân trắng ăn 4 lần/ngày, trong tháng đầu tiên cho ăn dựa vào bảng thức ăn trong quy trình, từ tháng thứ 2 trở đi điều chỉnh thức ăn dựa vào lượng thức ăn có trong vó, lượng cho ăn từ 2 – 10% trọng lượng đàn tôm. Sử dụng thức ăn công nghiệp hoàn toàn. Sử dụng Vitamin C và men tiêu hóa, khoáng premix định kỳ trộn vào thức ăn cho tôm. Các loại thuốc kháng sinh sử dụng thuộc danh mục được phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản. 

Ngoài ra, ông Tiệm còn thực hiện lót ao bằng vật liệu chống thấm nên việc xử lý đáy ao trước khi thả giống và sau thu hoạch dễ dàng, triệt để, giảm thiểu sự ô nhiễm môi trường nước. Cùng đó, thu hoạch tôm cũng đơn giản hơn.

Theo cán bộ khuyến nông, định kỳ hàng tuần thay và cấp thêm cho ao nuôi lượng nước không quá 30%. Bón thêm vôi và Dolomite để ổn định pH và độ kiềm cho ao nuôi. Định kỳ hàng tuần, sử dụng chế phẩm sinh học bón xuống ao trong suốt quá trình nuôi để tạo ra vi khuẩn có lợi, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và dịch bệnh; đo các yếu tố môi trường như pH, độ mặn, độ kiềm để điều chỉnh cho phù hợp. Định kỳ 15 ngày kiểm tra sức khỏe, trọng lượng của tôm nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời.

Sau 5 tháng nuôi, tỷ lệ tôm sống đạt 75%; trọng lượng trung bình 60 con/kg. Sản lượng 5.000 kg, năng suất thu được 10 tấn/ha. Với giá bán 110.000 đồng/kg, ông Tiệm thu 550 triệu đồng, trừ chi phí, ông Tiệm lãi hơn 85 triệu đồng.

Anh Vũ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!