Ngoài con tôm thẻ đang được phát triển đại trà, tỉnh Cà Mau hiện đang thí điểm mô hình nuôi tôm công nghệ cao (siêu thâm canh) đối với con tôm sú…
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau kiểm tra khu vực xử lý nước thải tại Công ty CP thuỷ sản N.G Việt Nam.
Trong chuyến kiểm tra tình hình sản xuất, chiều 7-11, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải đã đến tham quan mô hình thí điểm nuôi tôm sú siêu thâm canh của gia đình ông Quách Văn Ấn (ngụ xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau). Đây cũng là mô hình nuôi tôm sú siêu thâm canh trên ao nổi đầu tiên ở Cà Mau.
Chia sẻ thông tin với Chủ tịch và đoàn công tác của UBND tỉnh Cà Mau, ông Quách Văn Ấn cho biết: Quy trình siêu thâm canh trên tôm sú cũng giống như đối với tôm thẻ. Tuy nhiên, ao nuôi được thiết kế nổi trên mặt đất, diện tích chưa đầy 200 m2 và thả nuôi với mật độ 200 con/m2. Sau 75 ngày nuôi, đến nay tôm đạt trọng lượng bình quân khoảng 50 con/kg. Nếu mọi việc thuận lợi chỉ khoảng 15 ngày nữa, ông sẽ thu hoạch, cỡ tôm thu về từ 40-45 con/kg.
Chủ hộ là cán bộ Sở khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau, mạnh dạn đi đầu áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Nếu mô hình trên đạt kết quả tốt, tới đây lãnh đạo tỉnh sẽ cho thí điểm trên diện tích ao nuôi lớn hơn để tiến tới xây dựng quy trình kỹ thuật, chuyển giao cho nông dân vùng nuôi tôm trọng điểm ở Cà Mau, góp phần đa dạng hoá đối tượng trên mô hình siêu thâm canh và gia tăng sản lượng cho mặt hàng tôm sú, phục vụ chế biến, xuất khẩu”, Chủ tịch Nguyễn Tiến Hải, cho biết.
Trước đó, vào sáng và trưa cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau kiểm tra tình hình nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến, mô hình tôm-rừng (tôm sinh thái), nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh trên địa bàn huyện Ngọc Hiển (Cà Mau).
Đối thoại với xã viên HTX nuôi tôm quảng canh cải tiến Đồng Phát Đạt (xã Viên An Đông) và một số nông hộ nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng (thuộc lâm phần Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Ngọc Hiển), Chủ tịch Nguyễn Tiến Hải đánh giá cao nỗ lực của nông hộ khi đã liên kết được với doanh nghiệp thực hiện chuỗi giá trị mặt hàng tôm. Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa hiệu quả, thu nhập, người dân cần chọn được nguồn con giống tốt, sạch bệnh và bố trí ao vèo tôm, giúp tôm khoẻ mạnh, đạt kích cỡ phù hợp trước khi đưa tôm ra vuông nuôi lớn.
Đến kiểm tra mô hình nuôi tôm siêu thâm canh của ông Nguyễn Văn Sử (xã Tân Ân) và tại Công ty CP thuỷ sản N.G Việt Nam (xã Tân Ân Tây), Chủ tịch Nguyễn Tiến Hải yêu cầu chủ hộ Nguyễn Văn Sử phải khắc phục ngay tình trạng xả thải gây ô nhiễm môi trường. Muốn làm được như vậy thì phải cải tiến quy trình nuôi để tái sử dụng lại nguồn nước, không xả thải. Còn đối với Công ty CP thuỷ sản N.G Việt Nam, tuy đã thực hiện tốt vấn đề về môi trường trong nuôi tôm nhưng theo chủ tịch tỉnh, cần tiến đến bước cao hơn là tận dụng nguồn thải trong nuôi tôm siêu thâm canh để xây dựng hệ thống Biogas, lấy khí gas làm chất đốt.