Thị trấn Búng Tàu (Hậu Giang): Dấu nhấn cho nền kinh tế

Chưa có đánh giá về bài viết

Nhờ chủ động trong việc lựa chọn hình thức sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện từng xóm ấp, thị trấn Búng Tàu, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang đã từng bước phát huy được thế mạnh kinh tế của địa phương.

Cá + lúa, làm giàu cho nông dân Tân Thành

Để khai thác “lợi thế” mùa lũ cũng như tận dụng diện tích đất ruộng, người dân ở ấp Tân Thành đã thực hiện mô hình nuôi cá thay lúa vụ 3 và đạt lợi nhuận kinh tế cao. Phong trào này đã có từ lâu nhưng cho đến nay vẫn duy trì tính hiệu quả. Các loại cá được bà con lựa chọn thả nuôi trên ruộng hiện nay là cá chép, mè vinh, mè trắng, rô phi,… Nhiều nông dân cho biết, các loại cá này dễ nuôi, sau 5 – 6 tháng thả là có thể cho thu hoạch.

Anh Nguyễn Văn Chiến đang bắt cá ruộng để kiểm tra trọng lượng.

Anh Nguyễn Văn Chiến, ở ấp Tân Thành, thị trấn Búng Tàu, cho biết: “Mấy năm trước, gia đình tôi thường trồng lúa vụ 3, tuy nhiên năng suất ngày một giảm trong khi giá vật tư nông nghiệp ngày càng tăng nên tôi bắt đầu chuyển sang mô hình nuôi cá trong ruộng lúa. Qua một thời gian thực hiện, tôi thấy kết quả rất khả quan. Chỉ sau hơn 5 tháng thả nuôi, cá tăng trọng rất tốt, tỷ lệ hao hụt chỉ khoảng 20 – 30%. Người nuôi chỉ mất chi phí mua con giống và thức ăn cho cá thời gian đầu. Về sau có thể tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên như rong tảo, bèo thả nổi,… Đây là cách làm vừa tăng thu nhập lại bảo vệ được môi trường sinh thái”.

Mô hình nuôi cá thay cho lúa vụ 3 mang lại nhiều lợi ích như hạn chế một lượng lớn phân bón và thuốc bảo vệ thực vật  gây ô nhiễm môi trường, tạo công ăn việc làm và tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống gia đình. Ngoài ra, nhờ nuôi cá xen vụ, giúp cho đất có thời gian nghỉ ngơi và hồi phục độ phì nhiêu. Tuy nhiên, người nuôi cần xây bờ bao và mương quanh ruộng đảm bảo giữ nước và chống ngập trong mùa lũ.

Đến nay, ruộng cá của gia đình anh Chiến đang chuẩn bị bước vào thời kỳ thu hoạch. Anh Nguyễn Văn Chiến dự định: “Khoảng 2 tuần nữa cá đạt trọng lượng 400 – 500 gam/con tôi sẽ xuất bán. Đợt này ước sản lượng khoảng 1,5 – 2 tấn cá. Nếu bán với giá 15.000 – 17.000 đồng/kg, lời từ 15 – 20 triệu đồng/vụ”.

 

Nuôi ba ba ở ấp Tân Hưng

Khác với nuôi cá vụ 3, nghề nuôi ba ba cần chi phí cao và chế độ chăm sóc đặc biệt hơn. Tuy vậy, đây vẫn là một lựa chọn của người dân ở ấp Tân Hưng, thị trấn Búng Tàu.

Nắm bắt giá trị kinh tế từ nuôi ba ba thịt, ông Bùi Văn Tám, ở ấp Tân Hưng, thị trấn Búng Tàu, chia sẻ: “Thị trường tiêu thụ ba ba rất mạnh, vì vậy người nuôi thu lợi nhuận khá cao. Mỗi kg ba ba thấp nhất cũng trên 100.000 đồng (cân xô), ba ba loại I (1,4kg trở lên) thì giá cao gấp 2 – 3 lần. Đặc biệt, ba ba nuôi càng lâu thì lãi càng cao. Vụ vừa rồi, tôi cũng thu về trên 200 triệu đồng từ 2 bể ba ba sau nhà”. Được biết, lợi nhuận từ bán giống cao hơn so với nuôi lấy thịt nên sắp tới ông Tám dự định mở thêm một bể để nuôi ba ba giống.

Khi được hỏi về kỹ thuật nuôi con giống, ông Trần Hùng Xám, ngụ cùng ấp Tân Hưng, nhiệt tình chia sẻ: “Nuôi ba ba ở đây không phải mới, nhưng quan trọng phải nuôi như thế nào để không bị hao hụt và đạt năng suất cao mới là điều quan trọng. Trước đây, do thiếu kinh nghiệm nên mấy vụ liền tôi bị mất trắng. Theo tôi, để ba ba không nhiễm bệnh thì nguồn nước cần phải sạch và cần biết cách cho ba ba ăn trong từng giai đoạn sinh trưởng”.

Nghề nuôi ba ba cũng lắm rủi ro, thế nhưng ông Bùi Văn Tám vẫn khẳng định: “Vốn đầu tư nuôi ba ba rất lớn, người nuôi cần kiên trì và có nguồn vốn mạnh mới trụ được với nghề. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội cho những ai có khát vọng và nghị lực vươn lên làm giàu. Ở xóm này, chuyện nuôi ba ba trúng mùa, thu hàng trăm triệu đồng/vụ không còn là điều đáng ngạc nhiên”.

Ông Võ Thành Châu, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Búng Tàu, đánh giá: “Ngoài trồng lúa và mía thì nuôi thủy sản nước ngọt cũng là một thế mạnh kinh tế của thị trấn. Nhìn chung, các mô hình nêu trên đều phù hợp với điều kiện sản xuất của người dân tại địa phương nên cho năng suất, hiệu quả về kinh tế cao. Ngoài ra, các cơ quan liên quan cũng đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cũng như thành lập tổ hợp tác, mở lớp hướng dẫn khoa học kỹ thuật,… Thời gian tới, thị trấn Búng Tàu sẽ đẩy mạnh hơn nữa chuyển dịch cơ cấu phù hợp với điều kiện đất đai cũng như điều kiện kinh tế từng hộ dân nhằm phát huy mạnh mẽ các thế mạnh của địa phương”.

Dân gian có câu “muốn giàu nuôi cá”, đây như là lời khẳng định được đúc kết bằng những kinh nghiệm của nhà nông. Ngày nay, người nông dân đã khẳng định được tính đúng đắn từ những cách làm thực tế.

>> Thị trấn Búng Tàu, huyện Phụng Hiệp hiện có 5,085ha nuôi ba ba với sản lượng 9,488 tấn, năng suất ước đạt 1,86 tấn/ha, lợi nhuận kinh tế thu được 1,275 tỉ đồng/vụ. Ngoài ra, mô hình nuôi cá vụ 3 đạt 21,7ha và đang trong giai đoạn chuẩn bị thu hoạch.

Kim Điều

Báo Hậu Giang Online

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!