T5, 24/12/2020 09:16

Thị trường thủy sản châu Âu: Chao đảo trước làn sóng COVID-19 thứ hai

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Những tổn hại lớn về kinh tế từ đợt phong tỏa đầu tiên tại châu Âu chưa dứt, làn sóng COVID-19 thứ hai bất ngờ ập đến. Thị trường thủy sản châu Âu lại một lần nữa bị chao đảo và đầy biến động.

Nhiều biến động

Các đợt phong tỏa tại nhiều quốc gia châu Âu để ứng phó với làn sóng COVID-19 thứ hai đang tác động mạnh mẽ theo chiều hướng tiêu cực lên nhu cầu tiêu thụ thủy, hải sản trên toàn thị trường châu Âu. 

Giá các sản phẩm phục vụ khối nhà hàng, khách sạn như tôm, vẹm và mực ống đều giảm. Các hãng kinh doanh cũng có sự chuẩn bị để ứng phó dịch bệnh tốt hơn so với làn sóng dịch bệnh lần thứ nhất vào hồi đầu năm. Đáng nói, phần lớn các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thủy, hải sản đã nhanh chóng thích ứng với một môi trường kinh doanh mới với các điều kiện thị trường biến đổi rất nhiều so với trước đây. Các kênh tiếp thị kiểu mới thay thế kênh cũ được mở ra cùng sự chuyển đổi mạnh mẽ sang xu hướng bán lẻ hoặc trực tuyến và giao hàng tận tay người tiêu dùng. Tuy nhiên, sự thay đổi về sở thích và thói quen mua sắm của người tiêu dùng từ sản phầm tươi sống sang các sản phẩm đông lạnh đang đặt ra vô số thách thức và khó khăn cho một số nhà cung cấp thủy, hải sản. 

Thông thường, tháng 11 hàng năm là khoảng thời gian nhiều hãng kinh doanh tấp nập mua bán và tích trữ hàng hóa, nhất là nhóm thực phẩm như thủy, hải sản để phục vụ Lễ Giáng sinh và năm mới. Nhưng năm nay, hầu hết các doanh nghiệp tại thị trường châu Âu đều mua hàng với tâm lý dè dặt và thận trọng hơn mọi năm vì thị trường vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn liên quan đến các đợt phong tỏa COVID-19 tiếp theo. Cùng điểm qua diễn biến thị trường của các mặt hàng thủy hải sản chủ lực tại thị trường châu Âu.

Mực, bạch tuộc

COVID-19 đã tác động mạnh mẽ đến thị trường mực ống tại Tây Ban Nha. Do đợt phong tỏa đầu năm, khối lượng nhập khẩu mực ống của thị trường này đã giảm mạnh 10% từ 200.000 tấn trong 8 tháng đầu năm 2019 còn 180.000 tấn trong 8 tháng đầu năm 2020. Mặc dù nhu cầu tiêu thụ yếu hơn, nhưng giá nhập khẩu mực ống lại tăng nhẹ từ 4,20 USD lên 4,30 USD/kg do lượng tiêu thụ vào các tháng mùa hè cao đột biến khi lượng khách trong nước đổ dồn đến các nhà hàng. Nhìn chung, nhập khẩu mực ống giảm do lượng mực từ đảo Falklan/Malvinas cung ứng cho thị trường Tây Ban Nha cũng thấp hơn mọi năm. 

Thị trường châu Âu dồi dào nguồn cung bạch tuộc vào thời điểm giữa năm 2020 do sản lượng khai thác tại Ma Rốc cao hơn, dẫn đến tình trạng giá giảm mạnh. Tới nay, giá bạch tuộc đã phục hồi phần nào do thị trường bạch tuộc châu Âu cũng bắt đầu “ấm” trở lại.  

Tôm

Cuối tháng 10/2020, vụ khai thác tôm tự nhiên tại Argentina đóng cửa với sản lượng đầu ra giảm tới 20% so với năm 2019. Theo báo cáo của các đội tàu khai thác tôm cấp đông trên biển, sản lượng năm nay dự kiến giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi hoạt động của các đội tàu khai thác tôm tươi tại tỉnh Chubut diễn ra muộn hơn mọi năm. Tất cả những yếu tố này là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nguồn cung khan hiếm và giá tôm tự nhiên tăng khắp nơi. Tình trạng này cũng xảy ra tại thị trường châu Âu, mặc dù chuỗi dịch vụ ẩm thực tại đây vẫn chưa phục hồi hoàn toàn nhưng các đơn vị bán lẻ như siêu thị cũng đang ráo riết thu mua tôm tự nhiên để phục vụ Lễ Giáng sinh. 

Thị trường tôm nước ấm cũng bắt đầu sôi động hơn. Các hãng sản xuất tôm tại Indonesia (một trong những nguồn cung lớn cho thị trường châu Âu) cũng đang gấp rút dồn lực phục vụ thị trường cuối năm. Tôm Ecuador, từng tăng giá nhẹ vào quý III/2020 nhưng sau đó không lâu, lại lao dốc. Tới tháng 12, giá tôm Ecuador quay trở lại mức thấp nhất thế giới mặc dù đây là khoảng thời gian nhiều nhà nhập khẩu châu Âu tăng mua để phục vụ Giáng sinh và năm mới. Dự báo, giá tôm Ecuador sẽ còn tiếp tục giảm trong năm tới. 

Khác với tôm nước ấm, thị trường mặt hàng cua và tôm hùm lại phụ thuộc vào khối nhà hàng nên rất khó phục hồi về mức trước đại dịch. Nhiều chuỗi nhà hàng danh tiếng vẫn đóng cửa sau làn sóng COVID-19 lần hai nên nhu cầu tiêu thụ được dự báo sẽ đối mặt một đợt suy yếu nữa. Dù vậy, giá các sản phẩm tôm hùm tại châu Âu vẫn giữ ở mức cao bởi nguồn cung hạn hẹp. 

Cá đáy

Thị trường cá tuyết cod châu Âu bị tác động mạnh sau khi Cơ quan Quản lý y tế Hà Lan quyết định không cấp chứng nhận cho cá tuyết cod nguyên liệu xuất khẩu sang Trung Quốc có nguồn gốc từ nước thứ 3 như Na Uy và Nga. Thực tế, một tỷ lệ lớn cá tuyết nguyên liệu xuất khẩu sang Trung Quốc nói trên đều được tái xuất vào châu Âu dưới dạng thành phẩm. Sở dĩ, Hà Lan thay đổi chính sách quản lý như trên đều bắt nguồn từ việc các doanh nghiệp nhập khẩu tại Trung Quốc lo ngại virus corona bám dính trên vỏ bao bì hải sản đông lạnh, dù sản phẩm đã được cấp chứng nhận kiểm dịch bởi chính quyền Hà Lan. Năm nay, thị trường cá đáy châu Âu cũng xuất hiện xu hướng tiêu dùng mới đó là fillet cá tuyết cod ướp muối sơ bộ sản xuất từ cá nguyên liệu đông lạnh và fillet cá ướp muối sơ bộ từ nguyên liệu cá tươi của đảo Faroe và Iceland. 

Cá ngừ

Hiện tại, nhu cầu tiêu thụ cá ngừ hộp tại thị trường châu Âu đang ở mức rất thấp; trong khi hoạt động khai thác cá ngừ Trung và Tây Thái Bình Dương (WCP) đang phục hồi. Trữ lượng cá ngừ đông lạnh tại các kho nguyên liệu chế biến đồ hộp tại Thái Lan và giá cá ngừ vằn vẫn duy trì ở mức ổn định. 

Cường độ khai thác cá ngừ tại Ấn Độ Dương duy trì ở mức vừa phải đến tốt trong khi đó nguyên liệu tích trữ trong kho tại các xưởng đồ hộp nội địa khá dồi dào. Dù vậy, một số đội tàu vẫn ngừng khai thác vào nửa cuối tháng 11 do hết hạn ngạch khai thác cá ngừ vây vàng. Giá cá ngừ vây vàng và cá ngừ vằn Ấn Độ Dương đều đã giảm nhẹ. Hoạt động khai thác và trữ lượng cá ngừ Atlantic vẫn ổn định. Giá cá ngừ vây vàng và cá ngừ vằn Atlantic đều giảm nhẹ. Nhìn chung, giá cá ngừ vằn châu Âu tăng nhẹ trong khi giá cá ngừ vây vàng tiếp tục giảm là do nhu cầu tiêu thụ thấp. Giá lườn cá ngừ vằn hấp chín trên thị trường châu Âu cũng đang giảm.

>> Làn sóng COVID-19 thứ hai tiếp tục giáng đòn nặng vào thị trường thủy, hải sản trên toàn châu Âu. Lệnh phong tỏa và giới nghiêm giờ đi lại tại châu Âu đã kìm hãm sự phát triển của thị trường và gây tâm lý lo ngại cho nhiều doanh nghiệp xuất, nhập khẩu. Các chuyên gia dự báo, sự bất ổn liên quan đến đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục đe dọa toàn bộ nền kinh tế châu Âu.

Vũ Đức 

Tổng hợp

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!