Thiệt hại nặng nề sau bão số 9

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, khi vào đất liền, bão số 9 đã giảm một cấp, xuống cấp 12 nhưng vẫn là cơn bão rất mạnh. Sau một ngày quần thảo trên đất liền các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Định, bão đã gây ra thiệt hại rất nặng nề về người và của.

Mất mát quá lớn

Tính đến chiều ngày 29/10, tổng hợp từ các địa phương cho thấy, bão Molave làm 18 người chết, 48 người mất tích trong hai vụ sạt lở đất ở các huyện Nam Trà My và Phước Sơn. Bão làm khoảng 90.000 nhà bị tốc mái, 13 tàu cá bị chìm, trong số này có 2 tàu của Bình Định với 26 lao động bị mất liên lạc từ ngày 27/10 đến nay.

Đối với hai sự cố tàu cá của tỉnh Bình Định bị chìm trên biển ngày 27/10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đề nghị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng điều 2 tàu Hải quân và 2 tàu Kiểm ngư từ Cam Ranh ra cứu hộ. Bộ Quốc phòng cũng nghiên cứu phương án sử dụng máy bay để bay chỉ thị cho các tàu tìm kiếm trên biển.

Ảnh minh họa

Tại tỉnh Kon Tum, theo thống kê ban đầu, đã có 34 ngôi nhà bị sập, 56.163 ngôi nhà bị tốc mái; 31 trụ sở cơ quan và 35 điểm trường bị tốc mái, hư hỏng; 1 cầu treo bị cuốn trôi.

Tại Quảng Nam, bờ biển Cửa Đại (TP Hội An) tiếp tục bị sạt lở khoảng 2.500 m. Hệ thống đê ngăn mặn ven biển bị sạt lở, hư hỏng nặng tại nhiều vị trí, gây ảnh hưởng khả năng ngăn mặn, sản xuất nông nghiệp của các địa phương ven biển. Ba tàu cá ở xã Tam Hải (huyện Núi Thành) bị chìm…

Tại Phú Yên, bão số 9 đã làm 45 căn nhà bị sập, hư hỏng. Khoảng 27,2 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị vỡ bờ bao, xói lở; 2 chiếc thuyền nhỏ bị chìm. Các cấp, ngành, đoàn thể tại địa phương đang khẩn trương, chủ động phối hợp với địa phương giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai; thống kê báo cáo tình hình thiệt hại và công tác triển khai khắc phục hậu quả bão số 9 và mưa lũ, giúp nhân dân dọn dẹp vệ sinh môi trường… để sớm ổn định đời sống.

Tại Gia Lai, ảnh hưởng nặng nề nhất do cơn bão số 9 gây ra là ở ngành nông nghiệp với 77 ha lúa bị đổ ngã, 4,2 ha rau màu, 300 ha mía tại huyện Kbang, 0,7 ha cây ăn trái tại huyện Phú Thiện và hơn 200 trụ tiêu ở huyện Đăk Đoa bị ngã, đổ. Ngoài ra, chăn nuôi, thủy sản bị ảnh hưởng nặng. Hiện nay, các địa phương của tỉnh Gia Lai vẫn theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, vận hành hồ chứa thủy lợi, thủy điện để có phương án ứng phó kịp thời.

Tại Đắk Lắk, theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, đến 16h ngày 28/10, bão số 9 đã làm một người chết và hàng nghìn ha cây trồng bị ảnh hưởng, thiệt hại.

Nguy cơ thiên tai nối tiếp

Sau khi bão số 9 đi qua, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi vẫn tiếp tục có mưa to đến rất to, vùng núi đối diện nguy cơ lũ quét, sạt lở đất; vùng trũng bị ngập lụt. Lượng mưa này khiến lũ các sông từ Nghệ An đến Quảng Ngãi dâng cao, dự báo mực nước thượng nguồn các sông ở Nghệ An, Hà Tĩnh ở báo động 2 – 3, hạ lưu các sông chính ở báo động 1 – 2. Vùng núi các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai đối diện với nguy cơ lũ quét và sạt lở đất; vùng trũng thấp có thể bị nhập lụt.

Ngoài ra, hiện nay ở Tây Bắc Thái Bình Dương có một cơn bão tên quốc tế là Goni đang hướng về phía biển Đông. Theo dự báo của đài Nhật Bản, nhiều khả năng đầu tuần tới bão sẽ vượt qua Philippine đi vào biển Đông, trở thành cơn bão thứ 10 trong năm nay ở khu vực này. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cũng dự báo bão Goni có khả năng ảnh hưởng Trung bộ vào tuần tới. Cơn bão này sẽ có diễn biến tương đối phức tạp, bởi khi vào gần biển Đông, bão sẽ tương tác với khối không khí lạnh.

Chỉ khoảng hơn một tháng, 5 cơn bão và áp thấp đã ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta, gây ra nhiều thiệt hại. Hiện nay, tại các tỉnh miền Trung, tình hình mưa lũ vẫn rất phức tạp, nếu gặp thêm cơn bão số 10 sẽ vô cùng khó khăn, thiệt hại sẽ còn lớn hơn nữa.

PV

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!