T2, 15/01/2024 07:56

Thời tiết “ủng hộ” Quảng Bình sản xuất và khai thác thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Sản xuất thủy sản năm 2023 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, không xảy ra dịch bệnh trên thủy sản nuôi; các phương tiện khai thác được ngư dân đầu tư sửa chữa, nâng cấp, đảm bảo cho việc vươn khơi, đánh bắt dài ngày. Vì vậy, ngành thủy sản đạt kết quả khá về nuôi trồng lẫn khai thác.

Đa dạng hình thức và đối tượng

Trong những năm qua, thủy sản Quảng Bình liên tục đạt mức tăng trưởng khá, sản xuất thủy sản tiếp tục chuyển dịch đúng định hướng từ nền sản xuất sản lượng sang sản xuất giá trị. Tỷ trọng ngành thủy sản tăng từ 23,6% năm 2011 lên 29,7% năm 2022.

Tỉnh Quảng Bình là một trong các địa phương của cả nước có đội tàu cá phát triển mạnh. Ảnh: Lưu Hương

Về nuôi trồng, sản lượng quý IV/2023 ước đạt 3.733,5 tấn, tăng 0,1% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, cá các loại đạt 2.820,6 tấn, tăng 0,9%; tôm các loại 843,1 tấn, giảm 2,4%; thủy sản khác 69,8 tấn, giảm 3,1% so cùng kỳ năm trước. Ước tính năm 2023, sản lượng nuôi trồng thu hoạch đạt 13.233,3 tấn, tăng 1,9% so năm trước. Trong đó, cá các loại là 8.800 tấn, tăng 2,4%; tôm các loại 4.183,3 tấn, tăng 0,8%; thủy sản khác 250,0 tấn, tăng 0,4% so năm trước.

Việc đa dạng hình thức và đối tượng nuôi đã góp phần làm tăng sức cạnh tranh cũng như giá trị của sản phẩm nuôi trồng. Hình thức nuôi thâm canh, bán thâm canh được duy trì ổn định tại các vùng nuôi tập trung, nhiều hộ đã ứng dụng công nghệ vi sinh để quản lý môi trường ao nuôi, nhằm nâng cao năng suất và thu nhập cho người nuôi.

Đối tượng nuôi nước mặn lợ gồm tôm sú, tôm thẻ chân trắng, ốc hương, cá chẽm, cua, cá dìa. Nuôi nước ngọt gồm cá chình, lươn, ếch và các loài cá truyền thống như rô phi, trắm, chép, mè… Sản phẩm của hoạt động nuôi trồng thủy sản chủ yếu phục vụ cung cấp cho xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.

Khai thác ổn định

Về khai thác, sản lượng khai thác quý IV/2023 ước đạt 16.096,6 tấn, tăng 4,6% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, cá các loại là 12.639,0 tấn, tăng 5%; tôm các loại 650,0 tấn, tăng 2,4%; thủy sản khác 2.807,6 tấn, tăng 3,2% so cùng kỳ năm trước.

Sản lượng khai thác thủy sản năm 2023 ước đạt 83.834,6 tấn, tăng 4,6% so năm trước. Trong đó, cá các loại là 70.305,6 tấn, tăng 4,8%; tôm các loại 2.154,0 tấn, tăng 3,2%; thủy sản khác 11.375,0 tấn, tăng 3,5% so năm trước.

Thời gian qua, tỉnh Quảng Bình đã tranh thủ các nguồn chính sách của Trung ương, huy động nguồn lực địa phương và nỗ lực của ngư dân để mạnh dạn đầu tư chuyển đổi nghề, đóng mới, cải hoán tàu vươn khơi cũng như đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất khai thác thủy sản theo hướng bền vững, giữ vững chủ quyền, an ninh trật tự trên các vùng biển đảo của Tổ quốc.

Hiện, Quảng Bình là một trong các địa phương của cả nước có đội tàu cá phát triển mạnh với hơn 3.600 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6 m trở lên, trong đó hơn 1.100 tàu từ 15 m trở lên đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá, đạt 96% và cập nhật thường xuyên, đầy đủ số liệu tàu cá lên phần mềm dữ liệu nghề cá Việt Nam. 

Cùng đó, để quyết tâm ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), tỉnh Quảng Bình đã và đang thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương; kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, tổ chức các đợt kiểm tra về việc thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU. 11 tháng đầu năm 2023, các lực lượng chức năng của Quảng Bình đã phát hiện và xử lý vi phạm hành chính 72 tàu cá vi phạm, xử phạt hơn 840 triệu đồng, trong đó đã xử lý 18 tàu cá vi phạm quy định về giám sát hành trình.

Tỉnh cũng đề nghị ngư dân quyết tâm, đồng lòng chấp hành nghiêm túc quy định pháp luật trong khai thác thủy sản; ghi chép nhật ký khai thác đầy đủ; tàu về bờ phải khai báo cập cảng; tàu ra khơi đánh bắt phải đảm bảo đầy đủ giấy tờ cho tàu và thuyền viên; có thiết bị giám sát hành trình… nhất là không khai thác trái phép tại vùng biển nước ngoài.

Đặc biệt, mới đây, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành kế hoạch thực hiện đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái trên địa bàn đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, từ nay đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ thực hiện chuyển đổi 290 tàu khai thác hải sản ở vùng biển ven bờ và 40 tàu cá hoạt động ở vùng lộng sang nghề nuôi trồng và dịch vụ nuôi trồng thủy sản, nghề cá giải trí, các nghề mà địa phương đang có định hướng phát triển. Tỉnh cũng chuyển đổi 50 tàu cá hoạt động ở vùng biển khơi đang làm nghề lưới kéo, lưới rê đánh cá thu, ngừ sang các nghề lồng bẫy, chụp, vây, câu, dịch vụ hậu cần; tập huấn, đào tạo nghề cho 1.100 ngư dân có tàu cá chuyển đổi nghề phù hợp với nghề chuyển đổi mới.

Giai đoạn từ 2026 đến 2030, Quảng Bình chuyển đổi 390 tàu cá đánh bắt vùng ven bờ và 60 tàu cá hoạt động ở vùng lộng sang nghề nuôi trồng thủy sản, nghề cá giải trí, các nghề mà địa phương đang có định hướng phát triển; chuyển đổi 80 tàu cá làm nghề lưới kéo, rê ở vùng biển khơi sang các nghề đánh bắt ở cùng phạm vi vùng nước nhưng ít ảnh hưởng đến nguồn lợi, như các nghề lồng bẫy, chụp, câu…

>> Năm 2023, tổng sản lượng thủy sản tỉnh Quảng bình ước đạt 97.067,9 tấn, tăng 4,2% so năm trước. Trong đó, cá đạt 79.105,6 tấn, tăng 4,5%; tôm đạt 6.337,3 tấn, tăng 1,7%; thủy sản khác đạt 11.625,0 tấn, tăng 3,5% so năm trước.

Thái Thuận

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!