Thức ăn cho nuôi thủy sản trên biển

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Với mục tiêu phát triển nuôi biển trở thành một ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp, đồng bộ, an toàn, hiệu quả, bền vững, thì việc nghiên cứu, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất dinh dưỡng, thức ăn phục vụ nghề nuôi hải sản công nghiệp đóng vai trò then chốt.

Tầm quan trọng

Việc sử dụng thức ăn công nghiệp trong hoạt động NTTS nhất là với nuôi biển hiện là xu thế tất yếu và thiết thực, nhằm mang lại những giá trị về kinh tế cũng như phát triển nuôi biển bền vững, góp phần giải quyết các hệ lụy về môi trường, dịch bệnh.

Thức ăn và dinh dưỡng cho động vật thủy sản thường chiếm 35 – 65% tổng chi phí một vụ nuôi. Do vậy, để đáp ứng nhu cầu về thức ăn cho động vật thủy sản thì việc lựa chọn và sử dụng thức ăn là một vấn đề đáng quan tâm. Trong đó, việc sử dụng thức ăn công nghiệp trong hoạt động NTTS là xu thế tất yếu và thiết thực khi mà trữ lượng cá tạp đánh bắt từ tự nhiên đã giảm sút đáng kể, các quy định của Nhà nước về kích cỡ mắt lưới về ngành nghề khai thác ngày càng chặt chẽ để bảo vệ hệ sinh thái biển. Bên cạnh đó, việc sử dụng thức ăn tươi (cá tạp) còn phụ thuộc mùa vụ đánh bắt, chất lượng không ổn định, không đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng, giá tăng cao đặc biệt là mùa biển động.

Theo các chuyên gia nghiên cứu thủy sản, tập quán lâu nay người nuôi vẫn tận dụng các nguồn thức ăn tươi, bên cạnh đó, giá thức ăn công nghiệp cũng đang cao hơn nhiều so thức ăn tươi. Sử dụng thức ăn tươi cho cá ăn không đảm bảo đủ dinh dưỡng và có thể dẫn đến khan hiếm nguồn cá tạp tự nhiên; hiệu quả nuôi không cao, chi phí phát sinh lớn do giá thành thay đổi theo mùa. Ngoài ra, thức ăn tươi không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm bệnh từ cá tạp. Cụ thể, lượng cá tạp dư thừa do cá ăn không hết rất dễ phân hủy, nhanh chóng làm gia tăng các chất độc hại, gây ô nhiễm nguồn nước và phát sinh dịch bệnh cho cá, làm chết cá.

Phần lớn lượng thức ăn công nghiệp cho nuôi biển do các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài sản xuất hoặc nhập ngoại. Ảnh: FF

Thức ăn công nghiệp là thức ăn chuyên biệt được sản xuất từ các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi. Có hai loại thức ăn công nghiệp là thức ăn dạng chìm để nuôi giáp xác, một số loài cá ăn chìm và thức ăn công nghiệp dạng nổi sử dụng để nuôi cá. Thức ăn công nghiệp được sản xuất từ các thành phần nguyên liệu khác nhau như bột cá, khô dầu đậu nành, bột mì, dầu cá, các loại vitamin, enzyme, acid amin và khoáng chất… Tỷ lệ phối trộn tùy thuộc vào nhu cầu dinh dưỡng của từng giai đoạn sinh trưởng của từng đối tượng nuôi. Thức ăn công nghiệp chất lượng cao có thành phần dinh dưỡng cân đối giúp tôm, cá tiêu hóa tốt, khỏe mạnh và lớn nhanh. Thức ăn công nghiệp thường được bổ sung các vitamin, khoáng chất giúp cải thiện khả năng tiêu hóa, bảo vệ hệ vi sinh đường ruột, tăng cường khả năng miễn dịch tự nhiên giúp tôm cá khỏe mạnh và nâng cao tỷ lệ sống cho tôm cá. Thức ăn công nghiệp thường được bổ sung chất dẫn dụ tạo mùi vị hấp dẫn kích thích tôm, cá bắt mồi từ đó làm giảm lượng thức ăn thừa. Vì vậy, việc sử dụng thức ăn công nghiệp là một trong những yếu tố quan trọng trong phát triển nuôi biển bền vững, góp phần giải quyết các hệ lụy về môi trường, dịch bệnh trong NTTS; giúp tối ưu hóa lượng thức ăn cho từng giai đoạn phát triển của cá; giảm thiểu các rủi ro về ô nhiễm môi trường vùng nuôi, hạn chế dịch bệnh do sử dụng nguồn thức ăn tươi…

Sản xuất thức ăn cho nuôi biển

Theo ông Lê Văn Khôi, chuyên gia của Viện Nghiên cứu NTTS I, từ năm 2010 đến nay, thức ăn công nghiệp cho các đối tượng nuôi biển phổ biển như cá chẽm, cá giò, cá song đã được nghiên cứu. Các nghiên cứu tập trung vào nhu cầu dinh dưỡng, phát triển thức ăn công nghiệp cho từng giai đoạn và khả năng sử dụng thức ăn của các đối tượng. Theo đó, Viện Nghiên cứu NTTS I đã tiến hành nghiên cứu và phát triển thức ăn cho các giai đoạn nuôi thương phẩm cá chim vây vàng và có dây chuyền thiết bị sản xuất thức ăn với công suất 0,5 – 1 tấn/mẻ/giờ. Công thức thức ăn của Viện hiện đã được thương mại hóa.

Cũng theo thông tin của Tổng cục Thủy sản, cả nước hiện có hơn 404 cơ sở nhập khẩu và sản xuất thức ăn thủy sản (thức ăn hỗn hợp, thức ăn bổ sung và nguyên liệu sản xuất). Số lượng sản phẩm thức ăn đa dạng, với khoảng 8.000 sản phẩm đang được lưu hành trên thị trường (3.000 sản phẩm thức ăn hỗn hợp, 5.000 sản phẩm thức ăn bổ sung và nguyên liệu thức ăn). Trong đó, thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh phục vụ nuôi cá biển phần lớn đến từ các công ty sản xuất thức ăn có vốn đầu tư nước ngoài như: C.P, Uni-President, Cargill, De Heus, Skretting… Các doanh nghiệp này hiện đang chiếm hơn 80% thị phần thức ăn cá biển của Việt Nam. Công ty TNHH De Heus đã nghiên cứu, cung cấp các giải pháp dinh dưỡng phù hợp cho từng giai đoạn của nuôi cá biển, từ cá giống kích cỡ 0,5 – 20 mm đến cá thịt. Điển hình là các sản phẩm thức ăn chuyên biệt dành cho cá mú, cá chẽm, cá chim; thức ăn dành cho cá nước lạnh như cá hồi, cá tầm. Bên cạnh đó, De Heus đang phát triển thức ăn cho các loài nuôi mới nhiều tiềm năng kinh tế cao như tôm hùm, ốc hương…

Các cơ sở nghiên cứu, viện, trường đại học của Việt Nam có năng lực để thực hiện các nghiên cứu về dinh dưỡng và phát triển thức ăn cho cá biển, tuy nhiên hầu hết mới thực hiện ở quy mô phòng thí nghiệm. Việc thiếu thiết bị nghiên cứu dinh dưỡng chuyên sâu, thiếu dây chuyền thử nghiệm sản xuất thức ăn là một trong các rào cản để các đơn vị này có thể phát triển thức ăn công nghiệp có khả năng thương mại.

Để phát triển ngành nuôi biển bền vững, một trong những vấn đề trọng tâm các địa phương, đơn vị cần chú trọng là nghiên cứu về dinh dưỡng, phát triển sản xuất thức ăn trong nuôi biển công nghiệp như: Nghiên cứu, phát triển các công thức thức ăn, nguyên liệu chế biến thức ăn phù hợp với từng loài và giai đoạn phát triển, đặc biệt là giai đoạn con non, con giống của các đối tượng nuôi biển; xây dựng các khu sản xuất thức ăn tập trung gắn với khu dịch vụ hậu cần nghề cá và vùng nuôi biển tập trung; hỗ trợ các doanh nghiệp, thành phần kinh tế đầu tư vào công tác nghiên cứu, phát triển sản xuất thức ăn phục vụ nuôi biển. Song song với việc nghiên cứu, các địa phương, đơn vị cần nhập công nghệ, thiết bị và công thức thức ăn cho các đối tượng nuôi để từng bước làm chủ công nghệ sản xuất thức ăn phục vụ sản xuất con giống và nuôi thương phẩm; thu hút nguồn lực trong và ngoài nước phát triển sản xuất thức ăn công nghiệp nuôi biển có công nghệ hiện đại, quản lý tiên tiến, đảm bảo sản phẩm thức ăn có chất lượng cao và giá thành hợp lý…

Ông Lê Tấn Bản, Giám đốc Sở NN&PTNT Khánh Hòa cho biết, thức ăn công nghiệp có nhiều ưu điểm so với thức ăn tươi, ngành đã khuyến khích người nuôi thủy sản bằng lồng bè chuyển đổi sang sử dụng thức ăn công nghiệp, nhất là đối với nuôi cá biển. Tuy nhiên, với một số đối tượng nuôi và từng chu kỳ phát triển, thức ăn công nghiệp chưa thể thay thế hoàn toàn thức ăn tươi. Vì vậy, cần phải có nghiên cứu chuyên sâu về dinh dưỡng, phát triển thức ăn công nghiệp phù hợp cho từng đối tượng nuôi, từng chu kỳ phát triển của thủy sản.

Theo ông Lê Văn Khôi, để sản xuất thức ăn phục vụ nuôi biển chất lượng, hướng đi cần quan tâm là đa dạng hóa nguyên liệu, cải tiến phương thức sử dụng và nghiên cứu nâng cao hiệu quả sử dụng nguyên liệu. Ngoài ra, cần nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn công nghiệp nhằm tiết kiệm chi phí, tăng lợi nhuận.

>> Hiện, một số công ty đã tham gia sản xuất thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho nuôi biển, sản lượng 40.000 - 50.000 tấn/năm; điển hình như: C.P, Uni-President, Proconco, Cargill, De Heus, Skretting... Các sản phẩm thức ăn cho nuôi biển có chất lượng cao, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của tôm, cá, giảm thiểu các rủi ro về ô nhiễm môi trường vùng nuôi, hạn chế dịch bệnh.

Bích Hòa

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!